Theo kênh CNN (Mỹ), một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế tại đại học Quốc gia Australia (ANU) và Đại học RMIT ở Melbourne, Australia đã khiến thế giới chấn động bởi tuyên bố sản xuất kim cương chỉ mất vài phút!
Nhóm nghiên cứu có thể tạo ra hai loại kim cương khác biệt về cấu trúc, một loại tương tự như loại thường được sử dụng làm đồ trang sức. Loại còn lại được gọi là Lonsdaleite, từng được tìm thấy trong tự nhiên tại nơi các thiên thạch va chạm vào nhau và cứng hơn hầu hết các loại kim cương khác. Được biết kim cương trong phòng thí nghiệm thường được chế tạo bằng những tinh thể carbon chịu nhiệt cao.
Các nhà nghiên cứu đã rất hào hứng khi có thể chế tạo những viên kim cương này ở nhiệt độ phòng, đặc biệt là kim cương Lonsdaleite được kỳ vọng sử dụng để cắt các vật liệu "siêu cứng" khác trên các địa điểm khai thác.
Để chế tạo những viên kim cương này, các nhà khoa học đã cho carbon trải qua một trạng thái giống như lực xoắn hay lực trượt cho phép các nguyên tử carbon có thể di chuyển vào đúng vị trí từ đó tạo thành kim cương Lonsdaleite lẫn kim cương thông thường.
Kim cương tự nhiên thường được hình thành qua hàng tỉ năm, ở độ sâu khoảng 150km trong Trái đất - nơi có áp suất cao và nhiệt độ trên 1.000 độ C. Thế nhưng kim cương nhân tạo chỉ mất vài phút để có thể hình thành.
"Đây là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy những vân nhỏ của kim cương Lonsdaleite và kim cương thông thường. Từ đây, chúng tôi có thể hiểu rõ hơn về cách hình thành hai loại kim cương này", ông McCulloch nói.
Điều đáng tự hào thuộc về kim cương Lonsdaleite. Nhà vật lý Bradby hào hứng nói: "Tôi không nghĩ sau cùng sẽ có những viên kim cương rẻ được đính trên nhẫn cưới. Đồng thời, kim cương Lonsdaleite mà chúng tôi tạo ra có thể trở thành người bạn tốt cho những người thợ mỏ, giúp họ không phải thay thế mũi khoan thường xuyên với chi phí đắt đỏ nữa".
Trang Dung (Nguồn Reuters)