Phù chân là tình trạng sinh lý mà hầu hết phụ nữ mang thai đều gặp phải, nó khiến bà bầu gặp khá nhiều bất tiện và khó khăn. Tùy theo cơ địa của mỗi người thì tình trạng này có thế đến sớm hoặc muộn hơn. Thông thường, hiện tượng này sẽ xuất hiện ở những tháng cuối của thai kỳ.
Nguyên nhân bà bầu bị phù chân
Khi mang thai, cơ thể bà bầu sẽ tăng lên từ 9 tới 12 kg, thậm chí có người tăng lên 20 kg. Điều này gây áp sức ép trọng lượng cơ thể lên đôi chân, dẫn đến tình trạng phù nề. Ngoài ra, nội tiết tố trong cơ thể bà bầu thay đổi cũng khiến lượng máu dồn về chân nhiều hơn; đồng thời hàm lượng muối tăng nhưng lượng kali giảm, điều này cũng khiến cho chân, tay trở nên nặng nề, kém linh động.
Đi giày, dép cao cũng là nguyên nhân bà bầu bị phù chân ở những tháng cuối thai kỳ. Theo đó, việc sử dụng các loại giày cao gót sẽ khiến trọng lượng cơ thể sẽ bị dồn về phía trước, không cân bằng, xương chậu bị nghiêng đi theo khiến đau nhiều ở vùng lưng dưới. Đồng thời, việc này khiến bàn chân bị gò bó, bức bối, khó chịu và phát sinh chứng viêm kẽ chân, nhất là kẽ ngón chân cái.
Thai nhi càng lớn thì tử cung của bạn sẽ trở nên lớn hơn, đặt áp lực lên tĩnh mạch chủ dưới, tĩnh mạch bơm máu trở lại tim từ các chi dưới; áp lực càng lớn thì hiện tượng phù chân càng xuất hiện nhiều.
Ngoài ra, bà bầu bị phù chân cũng do các nguyên nhân sau: Nhiệt độ cao, đứng lâu, làm việc nhiều và ít nghỉ ngơi, thiếu kali, ăn nhiều natri, dùng nhiều caffeine.
Chân sưng phù có thể là dấu hiệu của chứng bệnh nghiêm trọng?
Sưng ở chi dưới bao gồm bàn chân, bắp chân, mắt cá và thậm chí cả ở tay là khá phổ biến trong thai kỳ. Với những trường hợp này, nếu nghỉ ngơi hợp lý, các dấu hiệu sưng sẽ giảm dần. Tuy nhiên, nếu mẹ bị sưng phù lâu ngày, dù đã nghỉ ngơi mà vẫn không giảm bớt thậm chí kèm theo đau đầu, rối loạn thị giác, mờ mắt, đau bụng... thì khả năng cao là mẹ nằm trong 10% các mẹ bầu có hiện tượng sưng phù là tín hiệu của tiền sản giật. Tiền sản giật là một hội chứng của cao huyết áp trong thai kỳ và có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho mẹ như suy yếu hệ thống thần kinh, thận, mạch máu cũng như không cung cấp đủ oxy cho thai nhi...
Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng này, mẹ bầu cần đến ngay bệnh viện, các bác sĩ sẽ kiểm tra nước tiểu để xác định chính xác mẹ có mắc tiền sản giật hay không. Chân sưng phù nhưng nước tiểu của mẹ không chứa protein và huyết áp cao thường là lành tính. Còn nếu như mẹ mắc chứng tiền sản giật, bác sĩ có thể áp dụng một số biện pháp như nghỉ ngơi tại giường hoặc thậm chí nhập viện nếu tình hình nghiêm trọng. Để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi, các mẹ đừng chủ quan, hãy quan sát các dấu hiệu của cơ thể và đến ngay bác sĩ nếu thấy bất cứ dấu hiệu bất thường đi kèm với phù chân tay để có được sự điều trị kịp thời nhất.
Làm thế nào để giảm phù chân khi mang thai?
Trước tiên, phải đảm bảo cung cấp nguồn đạm cho cơ thể. Mỗi ngày mẹ bầu nên ăn đủ lượng thực phẩm giàu protein chất lượng cao, chẳng hạn như thịt, cá, tôm, trứng, sữa, các thực phẩm động vật và các loại đậu... Thai phụ để phòng tránh thiếu sắt, nên chú ý ăn gan động vật từ 2 – 3 lần/ tuần để bổ sung sắt.
Bạn có thể làm giảm bớt áp lực lên các tĩnh mạch bằng cách nằm nghiêng về một phía. Vì tĩnh mạch chủ ở phía bên phải cơ thể, nên nằm nghiêng về phía bên trái giúp làm giảm áp lực. Khi ngủ, đặt gối để kê chân cũng là một giải pháp xoa dịu và giảm chứng phù chân hiệu quả.
Hãy tranh thủ gác chân bất cứ khi nào có thể để giúp đôi chân được nghỉ ngơi. Tại nơi làm việc, có thể để một chồng sách dưới gầm bàn để gác chân. Không nên ngồi bắt chéo chân hoặc ngồi đè lên mắt cá chân. Ngoài ra, thai phụ nên thường xuyên duỗi thẳng chân mỗi khi ngồi và tranh thủ làm động tác “duỗi thẳng”, đầu tiên đặt gót chân xuống và nhẹ nhàng nhấn chân xuống để làm căng các cơ bắp, xoay xoay cổ chân và ngọ nguậy các ngón chân.
Hãy thường xuyên thay đổi tư thế bằng cách ngồi hoặc đứng. Tập thể dục vừa phải, đều đặn (đi bộ, bơi, hoặc đi xe đạp) sẽ giúp máu lưu thông dễ dàng xuống các chi dưới. Bạn có thể tham gia lớp tập thể dục dưới nước, vì ngâm mình trong nước có thể tạm thời giúp làm giảm sưng, đặc biệt ở mực nước gần đến vai bạn.
Thai phụ nên lựa chọn những đôi giầy thoải mái, vừa vặn với những chỗ sưng của bàn chân. Không nên mang tất quá chật, bó vào mắt cá chân và bắp chân. Hãy dùng loại tất cao cổ dành cho bà bầu. Vào buổi sang hãy mang chúng trước khi xuống khỏi giường để máu không thể tụ lại phần mắt cá chân của bạn.
Mẹ bầu không nên nhịn tiểu vì nước tiểu trữ trong bàng quang cũng làm tăng mức độ sưng phù.
Hạn chế ăn mặn vì nó làm tăng áp lực lên thận. Khi bị sưng phù bạn nên lựa chọn những thức ăn dễ tiêu, không ăn thức ăn đầy hơi (như gạo nếp, khoai lang, hành tây, khoai tây, vv), để đảm bảo không gây đầy hơi, lưu thông máu kém sẽ làm tăng phù nề.
Vào ban đêm trước khi đi ngủ, mẹ bầu có thể ngâm chân nước nóng. Điều này không chỉ có lợi cho giấc ngủ mà còn thúc đẩy tuần hoàn máu.
>>>Xem thêm: Bà bầu mang thai lười ăn thịt, cá khiến con trai tăng nguy cơ mắc ung thư
Phong Linh (tổng hợp)