Tiểu đường thai kỳ có nguy cơ gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ngắn hạn và dài hạn cho cả mẹ và bé nếu bệnh không được kiểm soát tốt. Những hậu quả nguy hiểm trong ngắn hạn bao gồm sinh non, đa ối, sảy thai, thai to và nguy cơ mổ lấy thai cao hơn. Đái tháo đường thai kỳ cũng làm tăng nguy cơ suy hô hấp, thậm chí là dị tật bẩm sinh và tử vong chu sinh ở trẻ. Về lâu dài, cả mẹ và bé đều có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và những biến chứng khiến họ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong giai đoạn sau này.
Theo Vov.vn, tiến sĩ Yen Ling Low, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Dinh dưỡng của Abbott tại châu Á - Thái Bình Dương đã có những chia sẻ về giải pháp dinh dưỡng giúp thai phụ bị tiểu đường thai kỳ. Mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ nên hạn chế các thực phẩm có hàm lượng carbohydrate tinh chế và chất béo bão hòa cao. Nên ăn các thực phẩm giàu chất xơ như hoa quả, rau và ngũ cốc nguyên hạt.
Phụ nữ được chẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ nên tìm kiếm lời khuyên của bác sĩ về mức độ hoạt động thể chất và thiết lập chế độ dinh dưỡng phù hợp để tăng cường sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi, làm sao để đạt được cân nặng và chỉ số đường huyết chuẩn trong thai kỳ.
Thai phụ mắc tiểu đường thai kỳ nên có một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng. Với những phụ nữ không thường xuyên hoạt động thể chất, bài tập an toàn nhất là đi bộ; nên đi bộ 15 phút sau mỗi bữa ăn.
Theo tiến sĩ Yen Ling Low, thai phụ bị tiểu đường thai kỳ cũng không nên lo lắng quá bởi nếu chủ động kiểm soát bệnh, cả mẹ và bé đều có thể khỏe mạnh suốt thai kỳ và tránh được những biến chứng sau này.
Theo Phó giáo sư Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, bệnh viện Hùng Vương chia sẻ với VnExpress, 90% nguy hiểm của tiểu đường thai kỳ có thể phòng ngừa và kiểm soát bằng chế độ ăn uống, tập luyện.
Dưới đây là nguyên tắc của chế độ ăn dành cho bà bầu mắc tiểu đường thai kỳ:
Ăn nhiều bữa trong ngày để không làm tăng đường máu quá nhiều sau khi ăn và hạ đường máu quá nhanh lúc xa bữa ăn. Ăn 3 bữa chính và 2-3 bữa ăn phụ trong ngày.
Kiểm soát lượng carbohydrate trong khẩu phần ăn. Tránh ăn ngọt nhiều.
Chọn thức ăn giàu chất xơ, ít chất béo bão hòa.
Dùng hỗ trợ đa sinh tố có sắt, acid folic và canxi.
Nguyên tắc "1 phần 4": Chia đĩa ăn thành 4 phần, trong đó 1 phần tinh bột, 1 phần đạm, 2 phần rau củ. Lượng tinh bột cho mỗi phần khoảng 1/2 chén đến 2/3 chén. Trong đó, tinh bột gồm: Cơm, cháo, hủ tiếu, mì, nui, bánh canh, phở, miến, bánh mì... Đạm: Có trong thịt, cá, trứng, sữa, đậu... Nên ăn các loại thịt trắng, cá (ít nhất 2 lần một tuần), hải sản, gia cầm (không ăn da, ví dụ ức gà), phô mai... Rau củ hay trái cây tráng miệng: Chọn loại ít ngọt. Thức uống: Đồ uống trong bữa ăn cũng góp phần làm gia tăng đường máu. Do đó cần chọn các loại thức uống không cung cấp năng lượng hay năng lượng rất thấp như nước lọc, trà không đường, soda dành cho người ăn kiêng...
Nên tránh nước trái cây, soda thông thường, trà ngọt, các thức uống tăng lực hay có đường. Có thể dùng sữa ít béo hay sữa tách béo, nước trái cây nguyên chất không đường. Lưu ý, sữa cung cấp năng lượng nên được tính như một bữa phụ.
Bữa phụ nên chọn ngũ cốc nguyên cám, trái cây hoặc rau củ. Vẫn phải lưu ý nguyên tắc "1 phần 4" để cân bằng đường huyết, đồng thời giúp bổ sung thêm năng lượng.
Những loại thực phẩm nên hạn chế ăn:
Giảm ăn các thực phẩm nhiều đường: bánh kẹo, trái cây ngọt, kem, chè…
Giảm ăn mặn và thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối để phòng ngừa tăng huyết áp: Đồ khô, thịt nguội, mì gói, đồ hộp…
Giảm ăn các thực phẩm nhiều chất béo như: Da, lòng đỏ trứng, thức ăn chiên xào, phủ tạng (gan, tim, thận).
Giảm uống rượu, bia, nước ngọt, cà phê, chè đặc, nước ép trái cây ngọt.
>>>Xem thêm: Chuyên gia lý giải sự thật việc ăn dứa khiến bà bầu sảy thai
Phong Linh (tổng hợp)