Mới đây, Facebook và Twitter xác nhận các CEO của 2 công ty gồm Mark Zuckerberg và Jack Dorsey sẽ lần lượt tham gia phiên điều trần trước ủy ban trên.
Washington Post đưa tin CEO Sundar Pichai của Alphabet (công ty mẹ của Google) cũng đồng ý tham gia chất vấn.
Theo Business Insider, các CEO đã tự nguyện tham gia phiên điều trần thay vì nhận trát (giấy triệu tập) từ các nhà lập pháp.
Phiên điều trần sẽ được tổ chức bởi Ủy ban Thương mại, Khoa học và Giao thông vận tải Thượng viện Mỹ.
Chia sẻ trên Twitter, CEO Jack Dorsey bày tỏ hy vọng phiên điều trần sẽ mang tính xây dựng, với trọng tâm là các vấn đề mà người Mỹ quan tâm nhất là làm sao để hợp tác bảo vệ các cuộc bầu cử sắp tới.
Dự kiến phiên điều trần sẽ được tiến hành bằng hình thức trực tuyến. Bên cạnh việc thảo luận về cải cách điều luật 230 của Đạo luật Nguyên tắc giao tiếp, vốn để bảo vệ các công ty công nghệ tránh những trách nhiệm phát sinh từ các nội dung cho người dùng đăng tải, phiên điều trần cũng sẽ bàn tới những vấn đề như quyền riêng tư của khách hàng và củng cố truyền thông.
Trước đó, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh gây tranh cãi nhắm vào Điều 230, thể hiện sự bất bình khi Facebook và Twitter gắn nhãn các bài đăng của ông chứa thông tin sai sự thật.
Bản thân Facebook, Google và Twitter phủ nhận yếu tố chính trị ảnh hưởng đến việc kiểm duyệt nội dung trên nền tảng.
“Thiên vị chính trị vẫn là cáo buộc không có cơ sở, chúng tôi đã bác bỏ nhiều lần trước Quốc hội. Nó cũng không được chứng minh bởi các nghiên cứu độc lập”, Twitter mong rằng phiên điều trần sắp tới sẽ là buổi tranh luận hiệu quả liên quan đến Điều 230.
Đây không phải lần đầu các CEO trên phải điều trần trước Quốc hội. Trước đó, các CEO của Google, Facebook, Apple và Amazon từng điều trần trước cơ quan chống độc quyền Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ. Cơ quan này sẽ đưa ra báo cáo về phiên điều trần trên vào đầu tuần tới.
Trong khi CEO Twitter từng bị triệu tập vào năm 2018 với chủ đề kiểm duyệt nội dung liên quan đến các cuộc bầu cử tại Mỹ.
Quốc Tiệp (t/h)