Căn bệnh quái ác
Tìm đến đội 3, Hợp tác xã Phú Thọ, xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định hỏi thăm gia đình bà Mến thì ai cũng biết, bởi cho đến bây giờ họ vẫn truyền tai nhau về câu chuyện của 3 chị em cụt chân, nghèo khó nhưng có nghị lực phi thường.
Căn nhà mới xây của ba chị em sau mấy chục năm chịu khó làm lụng gom góp được khá khang trang, sạch sẽ. Mọi vật dụng trong nhà đều được thiết kế đơn giản, nhỏ gọn, chỉ có bộ bàn ghế nhỏ để tiếp khách, tiết kiệm tối đa diện tích, tạo không gian rộng rãi để ba chị em có thể đi lại được thuận tiện.
Nói về căn bệnh kì lạ của ba chị em mình, bà Mến rớt nước mắt kể bố mẹ bà đều là những người nông dân bình thường, không có ai đi chiến tranh thì sao có thể bị nhiễm chất độc da cam. Ba chị em bà đều có đôi chân không phát triển được, nhưng hai người anh trai lại rất khỏe mạnh, không hề có biểu hiện mắc bệnh.
Cả ba chị em bà khi sinh ra đều là những đứa trẻ bình thường. Cho đến năm 1 tuổi thì lần lượt đôi chân bị teo nhỏ lại, đến nay thì chỉ còn da bọc xương, không thể đứng hay di chuyển được. Sau khi bà Mến bị teo chân, lần lượt hai người em gái của bà được sinh ra trong niềm hy vọng của gia đình là sẽ không mắc căn bệnh quái ác như chị.
Bà Mến ở nhà trông nom đứa em thứ hai là bà Huyền mới biết đi, đang đùa nghịch trong sân thì bỗng nhiên bà Huyền ngã khụy xuống, khóc ré lên và không đứng dậy được nữa. Bà Mến cũng không thể ngờ sau cú ngã ấy, giống hệt như trường hợp của bà năm xưa, em gái bà không còn đi được nữa. Khi đó, hoàn cảnh gia đình còn quá nghèo khó, chiến tranh, loạn lạc liên miên, phương tiện kĩ thuật cũng chưa phát triển như bây giờ nên gia đình bà cũng chẳng chạy chữa gì được.
Những tưởng sự việc chỉ dừng lại ở đó nhưng đâu ai ngờ nỗi đau ấy còn nhân lên gấp bội phần khi bà Thu, em gái út trong gia đình lại tiếp tục mắc phải căn bệnh quái ác.
Ba chị em gái đều có đôi chân dị tật, phải đi lại bằng tay.
Hai bàn tay làm nên tất cả
Bố mẹ mất sớm, người anh cả hy sinh trong chiến tranh, người anh thứ hai xây dựng mái ấm hạnh phúc riêng, bà Mến trở thành trụ cột gia đình, chăm sóc, nuôi hai đứa em nhỏ tàn tật như mình. Cũng chẳng ai trong ba chị em có suy nghĩ lập gia đình bởi như bà Mến nói: "Miếng ăn hàng ngày còn lo chưa xong, có chồng con thì biết sống sao. Hơn nữa, tàn tật như mình thì ai ngó ngàng gì đến".
Thương em, thương cho số phận hẩm hiu của bản thân, nhiều lần bà Mến đã định buông xuôi, bỏ mặc tất cả nhưng may mắn vẫn mỉm cười với bà, cho bà một tia hy vọng để mưu sinh. Lần đó, bà đang ngồi trông em trong nhà thì có một đám cưới đi qua. Chiếc nón lá thêu hoa lộng lẫy của cô dâu đã tạo cho bà sức hấp dẫn đặc biệt. Từ đó, bà bắt đầu có suy nghĩ làm nón.
Cuộc sống của bà Mến thiệt thòi nhiều thứ, nhưng lại được trời phú cho đôi tay cực kì khéo léo. Hàng ngày bà vẫn thường lết ra bụi tre gần nhà, chặt tre về đan rổ, rá, quạt hay chỉ đơn giản là lấy chít về bó chổi. Đồ vật gì bà làm ra cũng đều rất đẹp, nhiều người còn đến tận nhà bà để hỏi mua. Sau đó, khi bắt đầu đi học nghề đan nón lá của người dân trong làng, ai cũng ngần ngại, chần chừ không muốn dạy vì bà là người tàn tật. Hơn thế, đan nón cần sự tỉ mỉ, cầu kỳ hơn rất nhiều so với việc đan rổ rá.
Bà Mến đành ngậm ngùi im lặng, chỉ biết ngồi đó xem thợ làm rồi về nhà nhớ lại và tập làm theo. Đôi tay bà sưng rộp lên, đau rát, nhiều khi còn bị chảy máu nhưng bà vẫn không bỏ cuộc. Trời không phụ lòng người có công, có tâm, cuối cùng chiếc nón lá bà làm ra cũng tròn vành vạnh, được trang trí rất cầu kỳ, khéo léo và bắt mắt.
Bà Mến ngậm ngùi kể về quãng thời gian cơ cực ấy: "Khi mới bắt đầu làm nón, tôi chỉ lãi được đúng 100 đồng một cái, vì mình mới làm nên cũng chẳng dám bán đắt cho ai. Thời đó, 5 chiếc nón như thế mới được một bát gạo. Em thì còn nhỏ, cũng chẳng đỡ đần được gì nhiều, tôi phải đan nón lá suốt đêm may ra mới đủ ăn. Ba chị em đùm bọc nhau, miếng no, miếng đói sống qua ngày".
Dần dà, ai ai cũng biết đến nón bà Mến. Nhờ thế mà nón của bà cũng bán được nhiều hơn, thu nhập cũng cao hơn. Bà chủ yếu đan nón lá cho các cô dâu chuẩn bị về nhà chồng. Thương hiệu nón bà Mến trở nên nổi tiếng khắp vùng, nhiều khi còn không có hàng để bán. Nhiều người trong thôn xóm cũng tìm đến học nghề làm nón của bà, bà đều nhiệt tình chỉ bảo. Nhờ vậy mà nhiều người cũng thành nghề, kiếm được tiền trang trải cuộc sống.
Bà Mến tự hào khi nói về ngôi nhà mới xây: "Bố mẹ mất sớm, chẳng có tài sản quý giá gì để lại được cho ba chị em, chỉ có ngôi nhà cũ làm nơi tránh mưa, tránh nắng. Sau mấy chục năm bán nón, ba chị em mới tiết kiệm đủ tiền để xây nhà".
Ngôi nhà là tài sản quý giá nhất mà chị em bà Mến có được. Mọi vật dụng trong nhà vẫn còn rất đơn sơ nhưng bà rất tự hào vì đó là công sức, là mồ hôi nước mắt của ba chị em. Bà càng tự hào hơn khi chị em bà "tàn nhưng không phế". Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển, chiếc nón cũng không còn được ưa chuộng như trước, nón bà Mến cũng không còn được đắt khách.
Hơn thế, sau rất nhiều năm làm việc vất vả, hiện nay, sức khỏe của ba chị em bà ngày một yếu đi. Bà Mến bị thoái hóa xương, viêm gan, không làm được việc gì, chỉ ngồi một chỗ, hàng ngày đỡ đần và trông cháu giúp anh trai. Hai người em gái của bà bị viêm tai và viêm đại tràng co thắt. Hàng ngày, ba chị em bà cũng chỉ quanh quẩn làm chút việc nhà, mọi chi phí trang trải cuộc sống đều phụ thuộc vào khoản trợ cấp người tàn tật 360.000 đồng/tháng/người.
Ba người phụ nữ bé nhỏ, ngồi lọt thỏm trong căn nhà mới xây, gần đó là chiếc xe lắc tự lái - phương tiện đi lại hàng ngày của các bà đã cũ nát, hỏng gần hết. Các bà mong muốn có được chiếc xe điện để đi lại được dễ dàng, thuận tiện hơn nhưng mong muốn ấy vẫn còn rất xa vời…
Mong sự trợ giúp từ các nhà hảo tâm Ông Trần Ngọc Hoàng, trưởng thôn 3 cho biết: "Gia đình bà Mến nằm trong diện chính sách gia đình tàn tật và có anh trai là liệt sĩ. Hiện nay, chính quyền địa phương đã miễn cho gia đình bà tất cả các khoản đóng góp như: các khoản quỹ, thuế nhà ở, tiền xây dựng các công trình công cộng, tiền xây dựng đường giao thông. Chính quyền địa phương cũng chỉ quan tâm được phần nào do kinh tế còn khó khăn. Mong các nhà hảo tâm giúp đỡ để các bà được an dưỡng tuổi già". |
Minh Hồng