Bà chủ “Nữ hoàng thời trang”
Anna Wintour, 63 tuổi, 24 năm là Tổng biên tập tờ Vogue, cuốn tạp chí được người hâm mộ gọi là "Kinh thánh thời trang". Bà được mệnh danh là người phụ nữ quyền lực nhất trong làng thời trang thế giới, và vị trí này được ngầm mặc định trong nhiều năm nay.
Anna Wintour sinh ngày 3/11/1949 tại London (vương quốc Anh) trong một gia đình mà hầu hết các thành viên (ngoại trừ người mẹ) đều làm báo. Cá tính mạnh mẽ, khác người cùng phong cách làm việc quá độc lập đã khiến Anna Wintour trở nên khó hòa nhập với đồng nghiệp và khiến con đường sự nghiệp của bà trở nên lận đận.
Wintour bắt đầu được biết đến khi biên tập thời trang cho các tạp chí như Bazaar, Viva, Savvy, New York... chẳng nơi nào bà trụ lại được quá 5 năm. Hành trình này chỉ kết thúc vào năm 1982 sau cuộc phỏng vấn với Grace Mirabella - chủ bút Vogue Mỹ lúc bấy giờ. Grace Mirabella hỏi Anna Wintour muốn làm gì khi gia nhập Vogue để nghe câu trả lời: "Vị trí của bà!". Anna Wintour chính thức gia nhập tập đoàn báo chí hùng mạnh Condé Nast với cương vị giám đốc sáng tạo.
Nữ hoàng băng giá của làng thời trang.
Đáng tiếc cho Mirabella khi bà xem đây là một trò lố của một biên tập viên nhập môn và đã không đủ nhạy bén để cảm nhận tính đe dọa trong sự ngỗ ngược của Wintour. Một năm sau, Wintour chính thức thâm nhập nhà Vogue, dưới quyền năng của trùm truyền thông - xuất bản Condé Nast. Trong thời gian ngắn, Wintour thẳng tiến vị trí biên tập, tiếp quản Vogue phiên bản Anh sau khi Beatris Miller nghỉ hưu. Ngay lập tức, với thanh quyền trượng mới trong tay, Wintour thực hiện một cuộc cải cách chưa từng có trong lịch sử các phiên bản Vogue.
Các thay đổi do Wintour chủ trương đã khiến tờ tạp chí xa rời hoàn toàn tiêu chí kinh điển, để trở thành một lực lượng xứng tầm cạnh tranh với môi trường báo chí Mỹ phù hoa và hỗn độn. Trên bìa tờ Vogue số đầu tiên do bà làm chủ bút, cô người mẫu vô danh Michaela Bercu mặc chiếc áo thun đính đá quý đủ màu của nhà thiết kế Christian Lacroix trị giá xấp xỉ 10.000 USD và một cặp quần jeans bạc màu của nhãn hiệu quần chúng trị giá 50 USD. Tấm bìa này trở thành cột mốc thông báo cho thế giới thời trang biết được một kỷ nguyên mới của tờ tạp chí, mở đầu cho việc kết hợp thời trang cao cấp với các thương hiệu bình dân.
Hơn thế nữa, chiếc quần jeans không còn đơn thuần chỉ là biểu tượng của thời trang đường phố "phủi bụi" thường nhật. Nó trở thành món trang phục sành điệu.
Trong một lời thú nhận hiếm hoi gần đây, Anna đã tiết lộ rằng, những ngày đầu là biên tập viên của tạp chí Vogue, bà thực sự không có chút nền tảng nào cả. Sản phẩm đầu tiên hết sức khác thường của Anna đã từng bị nhà in gọi đến để kiểm tra xem có phải nó bị lỗi hay không. Bức hình cô người mẫu Israel mặc quần jeans in trên trang bìa đã đi ngược lại quan niệm về thời trang khi đó. Anna thú nhận, bà hoàn toàn chẳng có một ý đồ gì với bức ảnh đó cả, nhưng chính điều đó lại làm nên bất ngờ.
Anna nói: "Thời gian đầu mới "dấn thân" vào lĩnh vực thời trang với vốn kiến thức bằng 0, tôi đã phải tin tưởng hoàn toàn vào trực giác của mình, mặc dù luôn phải đối mặt với những lời chỉ trích khắc nghiệt. Tôi không bao giờ tập trung chú ý vào những thứ khác, và không bao giờ đi theo những kết quả nghiên cứu từ thị trường". Trực giác của Wintour đã đem lại cho bà kết quả vượt xa những gì bà có thể mong đợi.
Bà hiện giờ là nữ tổng biên tập của tạp chí thời trang lớn nhất thế giới, nắm quyền "sinh sát" với các người mẫu, các bộ sưu tập và cả những nhà thiết kế lừng danh. Bà quyết định đưa người mẫu nào lên tạp chí danh tiếng này, người mẫu sẽ mặc trang phục gì, của nhà thiết kế nào. Anna Wintour gần như là người định hướng cho xu thế thời trang, chỉ định ai sẽ trở thành người nổi tiếng.
Thị trưởng không chính thức của New York
Vào đúng thời điểm Wintour ghi tên mình vào danh sách thế lực truyền thông, bà đặt vào lồng ngực mình một trái tim bằng băng, và trở thành một nhân vật lịch lãm máu lạnh với cái tên có thể được đọc trại thành Anna Win-ter (Anna Mùa Đông). Anna Wintour được gọi là "bà đầm thép" của làng thời trang thế giới, bởi tầm ảnh hưởng và cả bởi tính cách quyết đoán, thậm chí có phần độc đoán của bà.
Nhưng nhiều người cho rằng, sống trong một thế giới nhiều cạnh tranh, cạm bẫy như giới thời trang, cần phải có một cái đầu lạnh để có thể tồn tại và vươn lên. Hình ảnh của Anna được khắc họa rõ ràng qua nhân vật Miranda, trong tiểu thuyết và bộ phim cùng tên "Quỷ cái vận đồ Prada"/ "Devil wears Prada".
Lauren là một trong những trợ lí cũ của Wintour, người đã viết nên tiểu thuyết "Devil Wears Prada" sau khi rời bỏ Vogue. Cuốn tiểu thuyết lập tức được liệt vào hàng sản phẩm bán chạy nhất không phải bởi tiếng tăm tác giả, mà vì thông tin về cốt truyện và nhân vật hầu như tái hiện trung thực các thâm cung bí sử của tòa soạn Vogue.
Về phần mình, Wintour trả lời với The New York Times về cuốn sách rằng: "Tôi luôn có thể đọc một cuốn tiểu thuyết, nếu nó hấp dẫn. Với cuốn này, tôi không rõ liệu mình có muốn đọc hay không", trong khi nữ văn sĩ mới nổi Weisberger tuyên bố rằng các tình tiết và mô tả trong cuốn truyện không chỉ là ý kiến của riêng cô, mà còn dựa trên chia sẻ của rất nhiều đồng nghiệp khác tại Vogue.
Tờ The Guardian của Anh gọi bà là "Unofficial mayoress of New York City" (Thị trưởng không chính thức của TP. New York) để ám chỉ quyền lực của bà. Các nhân viên của Anna phàn nàn rằng bà luôn giao cho cấp dưới những nhiệm vụ được coi là không thể, buộc họ phải hoàn thành trong "luôn và ngay", hiệu quả phải đạt mức tối đa và độ chính xác phải là 100%. "Anna muốn có ngay lập tức những gì bà muốn. Bà ấy ném bạn xuống nước và để bạn tự bơi hoặc là chết đuối", một trợ lý lâu năm Anna chia sẻ.
Anna luôn giữ cho mình vẻ lạnh lùng cố hữu khi trên mặt hiếm khi xuất hiện nụ cười và thường trực đôi kính đen, và luôn tạo khoảng cách nhất định với đồng nghiệp bởi theo bà "chính khoảng cách ấy tạo nên đẳng cấp". Trong công sở, không ai dám lại gần Anna, kể cả trợ lý của bà. "Anna thích được cách ly tuyệt đối. Từ cánh cửa căn phòng của Anna, bạn phải đi hàng cây số mới đến được bàn làm việc của bà. Bà không nói chuyện với ai dù là một tiếng. Và một điều chắc chắn là bạn sẽ không được phép đi chung thang máy với Anna", trợ lý cũ của Anna bức xúc nói.
Có lần, một biên tập viên của tờ báo chào bà trong thang máy và ngay lập tức bị trợ lý của bà phê bình. Điều đó giống như một luật bất thành văn, mọi nhân viên của Vogue đều hiểu rằng giao tiếp hay tiếp cận với Anna là "phạm pháp".
Trong khi báo giới và dư luận không ngớt "buôn dưa lê" về mình thì Anna Wintour luôn bình thản. Tất cả những đàm tiếu hay đổ vỡ trong cuộc sống hôn nhân và cả những áp lực của thời kỳ khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng truyền thông không làm Anna Wintour mất đi sự điềm tĩnh, lạnh lùng đặc trưng của mình. Bởi với bà, quan niệm sống và làm việc, để thành công và vượt qua được những khe khắt, ganh ghét của người đời là: Đừng chỉ biết lắng nghe, hãy cố gắng đối mặt, chứng tỏ bản lĩnh và sáng tạo.
Tổng biên tập quyền lực quyết định xu hướng thời trang Chưa có cuộc bình chọn chính thức nào về danh xưng "Tổng biên tập tạp chí thời trang quyền lực nhất thế giới". Nhưng hơn 20 năm qua, dường như bất cứ ai trong làng thời trang và báo chí thời trang thế giới đều ngầm hiểu rằng, danh xưng ấy thuộc về bà Tổng biên tập của Vogue. Báo chí và dư luận đồn thổi rằng không có một show trình diễn thời trang lớn nào ở Mỹ vắng mặt hay có thể bắt đầu mà không có sự xuất hiện của Anna. Chính những lời khen chê bình luận của bà sẽ quyết định nên cái gọi là xu hướng thời trang, quyết định sự thành bại của một nhà thiết kế hay một siêu mẫu chân dài nào đó. |
Thanh Xuân