Giàu sang nhờ nhà vợ
Hồi nhỏ, vì gia đình nghèo khó không có tiền đi học nên đến năm 8 tuổi, Thi Nại Am vẫn chưa biết đọc biết viết. Cảm thông cho hoàn cảnh gia đình nên người chú ruột của ông đã bỏ tiền để nuôi cháu đi học. Không phụ lòng người chú, Thi Nại Am học hành rất sáng dạ và thông minh. Đến năm 12 tuổi, ông đã đọc hiểu hết những cuốn sách mà tới thời điểm đó chỉ các tú tài mới có khả năng đọc hiểu như: "Đại học", "Luận Ngữ", "Thơ", "Lễ".
Chân dung Thi Nại Am
Dân gian Trung Hoa còn kể lại rằng, một lần hàng xóm của Thi Nại Am bị ốm nặng và cần một tú tài viết điếu văn cho việc hậu sự. Viên tú tài này là một người nổi tiếng khắp vùng vì văn hay chữ tốt, nhưng do khi đó ông đang bận việc ở xa nên không kịp về giúp đỡ người hàng xóm kia. Cực chẳng đã, Thi Nại Am đã nhận việc này. Sau khi tang lễ xong xuôi, viên tú tài trở về đã rất ngạc nhiên về văn phong khi đọc tờ điếu văn của Thi Nại Am. Mến mộ tài năng của chàng trai trẻ, viên tú tài đã nhận Thi Nại Am làm học trò và không lấy tiền học phí. Sau khi trưởng thành, ông còn gả con gái cho Thi Nại Am.
Vào năm 1331, Thi Nại Am mới chính thức vào kinh ứng thí khi đã bước sang tuổi 36. Năm thi đó, Thi Nại Am đỗ tiến sỹ và không lâu sau triều đình nhà Nguyên đã cử ông làm tri huyện Tiền Đường thuộc tỉnh Hàng Châu ngày nay. Chỉ sau 2 năm làm quan, do bất mãn triều đình, ông từ quan mở lớp dạy học tại tỉnh Hàng Châu.
Trong những năm kế tiếp sau khi từ quan, bố vợ - người có công dạy Thi Nại Am học thành tài - cùng người vợ của ông lần lượt qua đời. Sau đó Thi Nại Am lấy người vợ kế tiếp mang họ Thẩm. Thẩm gia là một gia đình rất giàu có, biết được tài năng của người con rể, bố vợ ông đã khuyến khích Thi Nại Am nên chuyển từ công việc dạy học sang viết truyện, thơ. Người bố vợ này cũng đã từng thuê một họa sỹ để vẽ lại chân dung của 36 nhân vật trong một câu truyện do chính Thi Nại Am viết có tên Khách truyện giang hồ (một tên gọi khác của Thủy Hử) rồi treo đầy trong nhà. Chính nhờ sự động viên của gia đình nhà vợ mà Thi Nại Am đã không quá lo lắng về việc tài chính để chú tâm vào việc sáng tác của mình.
Bị vua ép sửa Thủy Hử?
Đã có nhiều tài liệu cho rằng Thi Nại Am chính là La Quán Trung, nhưng cũng có tài liệu lại viết rằng: "Trong khoảng thời gian mở lớp dạy học, biết được danh tiếng của Thi Nại Am nên cha của La Quán Trung đã tìm gặp Thi Nại Am và xin cho coi trai mình theo học. Người học trò đó đã theo và giúp đỡ sự nghiệp của thầy suốt những năm tháng sau này".
Tác phẩm nổi tiếng nhất này của Thi Nại Am khi hoàn thành nó không có tên Thủy Hử như ngày nay mà là Khách truyện giang hồ. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Thi Nại Am cảm thấy cái tên này không đủ hàm ý như ông mong muốn. Lúc này La Quán Trung mới đề nghị với thầy giáo của mình rằng: "Thưa thầy, nên đổi tên truyện là Thủy Hử". Thi Nại Am khi nghe xong cái tên này cảm thấy rất thích thú bởi Thủy Hử có nghĩa là bến nước - nơi các vị anh hùng gặp nhau để tạo nên một Lương Sơn Bạc lừng danh. Hơn thế nữa cái tên Thủy Hử nằm trong một điển cố ca ngợi sự đấu tranh của các anh hùng thời nhà Chu. Vì thế, cái tên Thủy Hử đã được chọn làm tiêu đề chính của tác phẩm.
Để chuyên tâm vào sáng tác văn học, Thi Nại Am đã ngao du thiên hạ lấy kinh nghiệm sống để làm tư liệu cho những tác phẩm của mình. Thủy Hử ra đời trong hoàn cảnh này khi Thi Nại Am cho ra đời một loạt những nhân vật khác nhau mà ông đã gặp và nghe được trên suốt chuyến hành trình ngao du thiên hạ.
Tương truyền là sau khi Thi Nại Am đã sáng tác xong 70 hồi truyện Thủy Hử, vua nhà Nguyên đọc xong đã nổi giận bắt giam Thi Nại Am và hạ lệnh phải viết tiếp đoạn sau, kể về việc Lương Sơn Bạc bị dẹp bỏ, nếu không sẽ bị xử tội. Sở dĩ có tình tiết này là vì trong 70 hồi đầu tiên, Thi Nại Am đã miêu tả quá trình tập hợp của các anh hùng thảo dã tại bến nước để hình thành quân khởi nghĩa Lương Sơn Bạc. Cốt truyện chính của 70 hồi này là sự hình thành và quá trình phát triển đến cực thịnh của một nhóm người chống triều đình mà trở thành giặc cướp, thường gọi là 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc. Triều đình nhà Tống đã nhiều lần phát quân đi đánh dẹp nhưng đều bị quân khởi nghĩa đánh bại.
Đứng trước tình hình có thể bị xử tử vì cốt truyện có mang tính "phản động", Thi Nại Am lo lắng, bèn cho gọi học trò là La Quán Trung tới nhà lao cùng bàn bạc. Hai thầy trò cùng nhau thống nhất ý tưởng viết hậu Thủy Hử kể việc thất bại của quân Tống Giang. Sau một năm, Hậu Thủy Hử hoàn thành, hai thầy trò mang dâng vua Nguyên. Vua Nguyên xem xong rất bằng lòng, hạ lệnh thả Thi Nại Am. Nếu câu chuyện trên là có thực thì để hoàn thiện 120 hồi truyện Thủy Hử- Thi Nại Am chỉ mất vẻn vẹn có 2 năm.
Con cháu bị... "báo ứng"
Một số nhân vật trong "Thủy Hử truyện"
Cho đến ngày nay, sau rất nhiều năm tác phẩm Thủy Hử ra đời và trở thành một trong Tứ đại danh tác văn học cổ điển Trung Hoa, vẫn có nhiều ý kiến xung quanh nội dung của tác phẩm này. Nhiều nhà phân tích cho rằng, Thi Nại Am đã rất tài năng khi xây dựng được những nhân vật không những có "suy nghĩ và hành động phù hợp với giai cấp xuất thân và địa vị xã hội" mà còn có cá tính muôn màu muôn vẻ, hình dáng và lời nói không ai giống ai trong thực tế cuộc đời. Cũng có người cho rằng Thủy Hử là một tác phẩm vô nhân đạo vì phản ánh không chính xác xã hội đương thời khi đó với những hành động chém giết vô cớ của đa phần anh hùng Lương Sơn Bạc. Vì thế, Thủy Hử là một bộ tiểu thuyết ca tụng bạo lực mà không vạch ra hậu quả nghiêm trọng của điều đó.
Để chứng minh cho việc Thi Nại Am phải trả giá khi phản ánh không đúng sự thật của xã hội Trung Hoa khi đó, vì thế nhiều người đã "khui ra" chuyện 3 đời sau này của gia đình họ Thi: Con cháu đều bị câm, và họ gọi hiện tượng này là... "báo ứng". Việc mấy đời con cháu của Thi Nại Am bị mắc bệnh di truyền đã chứng minh cho việc "Gieo nhân nào thì gặp quả đấy"(!?). Theo những gì dân gian còn truyền lại thì ngoài Thi Nại Am là một nhà văn tài năng ra, con trai, cháu trai và cả chắt trai của ông sau này đều là những người vô dụng. Đơn giản ngay từ khi sinh ra những người này đã mắc phải căn bệnh câm bẩm sinh. Trong khi đó những người con gái và cháu gái của Thi Nại Am, không ai mắc phải căn bệnh này.
Thủy Bình