Phận mồ côi và cuộc đời đầy tủi cực
Bà Tạ Thị Ngọc Thanh sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Mang tiếng là được sinh ra ở thành phố nhưng cuộc đời bà đầy rẫy những tủi nhục. Khi tuổi vừa lên 2, bà đã mồ côi mẹ. Sau đó, lúc bà vừa đón sinh nhật lần thứ 11 thì người cha cũng đột nhiên đổ bệnh qua đời.
Từ ngày không còn cha mẹ, bà Thanh đã phải sống nhờ gia đình người bác họ. “Ngày bé tôi ham học lắm. Gần như tôi không có thời gian để đọc sách ở nhà. Bởi cuộc sống khó khăn, cứ về nhà là phải làm việc, nên tôi phải tranh thủ giờ ra chơi để học.
Thú thực, ngày đó tôi cũng hay buồn, hay tủi khi nghĩ người ta có cha, có mẹ đầy đủ. Có khi tôi nằm khóc một mình. Nhưng rồi sau những lần đó, tự mình lại động viên mình cố gắng. Tôi luôn tâm niệm, nếu không được học hành, bản thân sẽ chẳng có ngày hôm nay”.
Bởi có quyết tâm nên sau khi tốt nghiệp phổ thông vào năm 1962, bà Thanh đã thi đỗ một trường sư phạm. Ngày ra trường, bà tình nguyện ra ngoại thành Hà Nội dạy học.
Năm 1968, bà chuyển về công tác tại Phòng Giáo dục huyện Thanh Trì. Vào đầu năm 1969, bà Thanh được cơ quan cử đi học chuyên ngành Tâm lý giáo dục tại trường Đại học sư phạm Gersen Leningrat (Liên Xô cũ). Vào năm 1974, bà tốt nghiệp với loại xuất sắc.
Trở về nước sau bao năm đèn sách, bà Thanh công tác tại Ban Tâm lý Viện Khoa học giáo dục rồi được bổ nhiệm làm Phó ban Nghiên cứu cải cách mầm non thuộc Bộ Giáo dục.
Vào năm 1987, khi Làng trẻ SOS Hà Nội được xây dựng, bà được bổ nhiệm làm Giám đốc. Với vị trí mới, bà Thanh đã nỗ lực không ngừng. Nhìn những đứa trẻ còn ít tuổi, có bé chưa một lần được bú sữa mẹ khiến bà trăn trở.
Chính bà là người về tận các vùng quê để tìm kiếm cán bộ trẻ về đây chăm sóc các bé. Với bà, một người cán bộ ở làng trẻ không chỉ giỏi giang mà còn phải có cái tâm, phải yêu trẻ, hiểu trẻ và vì trẻ.
Thời gian trôi đi, bà trở thành “mẹ hiền”, “người bà” của những đứa trẻ nơi đây. Bà càng thêm yêu, thêm gắn bó với công tác từ thiện ở Làng trẻ SOS. Để rồi sau này khi về hưu, bà chưa một lần muốn từ bỏ niềm đam mê cũng như mơ ước của mình. Để tiếp tục sự nghiệp “ươm mầm” cho tương lai, bà tham gia vào công tác khuyến học của địa phương với vai trò Phó Chủ tịch Hội Khuyến học phường Dịch Vọng Hậu.
“Người bà” gieo chữ nuôi dưỡng mầm non tương lai
Ở tuổi 75, bà Thanh vẫn không chịu nghỉ ngơi. Ngày ngày, người ta vẫn thấy người phụ nữ gầy gò đạp xe tới nhà văn hóa phường làm việc. Tuổi tuy đã cao nhưng và vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát và đặc biệt đôi mắt hiện lên sự minh mẫn, uyên bác ít người trẻ theo kịp.
Hễ nghe nói có hoàn cảnh nào đặc biệt khó khăn, cần giúp đỡ, bà tới tận nơi gặp gỡ, trao đổi. Người dân phường Dịch Vọng vẫn quen gọi bà bằng những cái tên thân thương trìu mến như “bà Thanh từ thiện”, “Mẹ Thanh”, “bà già khuyến học”, “bác Thanh khuyến học”…
Không chỉ làm tốt công tác khuyến học, bà Thanh còn là địa chỉ “gỡ rối” chuyện tâm tư tình cảm của nhiều cặp vợ chồng trong khu phố.
Bà Thanh trải lòng: “Với một đứa trẻ mồ côi như tôi, cuộc đời đã trải qua không ít khó khăn, khổ cực. Tất cả hình ảnh tuổi thơ, khát khao học hành vẫn in sâu trong tôi.
Mỗi lần nhìn thấy những đứa trẻ mồ côi, nhìn thấy ánh mắt của chúng, tôi thấy ánh lên những khát khao, đam mê được học hành, được yêu thương. Và tôi nghĩ, những ai từng trải qua sẽ thấu hiểuđược sự cô đơn, buồn tủi đáng sợ như thế nào. Bởi vậy, tôi luôn tự nhủ sẽ cố gắng sẽ làm tất cả những gì có thể trong khả năng của mình”.
Với đồng lương hưu ít ỏi, hơn 20 năm qua, bà Thanh đã tự nguyện trích số tiền đó để làm từ thiện. Chỉ cần biết hoàn cảnh nào trong phường khó khăn, bà tới tận nơi động viên các cháu cố gắng học tiếp.
Tính trung bình hàng năm, bà Thanh nhận “đỡ đầu” cho khoảng 15 trường hợp trẻ nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bà cũng cố gắng để các cháu có thể yên tâm học hành tới khi tròn 18 tuổi.
Số tiền dành cho mỗi cháu, ban đầu khoảng 600.000 đồng/cháu/năm nay dần tăng lên khoảng 1.200.000 đồng/cháu/năm.
Cũng bởi có sự tận tụy của bà mà không ít cháu nhỏ nay đã trưởng thành. Thậm chí có những cháu đã giành học bổng ra nước ngoài học tập. Tuy vậy, các cháu vẫn gọi về trò chuyện, tâm sự với bà hàng tuần. Khi đó, bà vô cùng hạnh phúc.
Được biết, bà giáo già Tạ Thị Ngọc Thanh vừa vinh dự là một trong 9 gương mặt vừa được Hà Nội vinh danh “Công dân ưu tú Thủ Đô năm 2016”.
Nói chuyện với PV, bà Thanh bảo mình vừa đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Bà luôn tâm niệm “làm từ thiện không phải chỉ bỏ ra ít vật chất mà quan trọng hơn là để mọi người xích lại gần nhau, biết sẻ chia và quan tâm đến nhau”.
Thanh Bình- Tiến Mạnh