Bị gia đình học sinh... đuổi về
Qua sự dẫn đường của một học sinh trường THCS An Dương, chúng tôi đến thăm bà giáo Hồ Hương Nam trong một ngôi nhà nhỏ gần trường học. Hiện tại, bà giáo Hương Nam đang sống với con gái trong ngôi nhà ấm cúng của mình. Với khuôn mặt phúc hậu, giọng nói miền Trung - đậm chất Huế, nhẹ nhàng, bà chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về cái "duyên" đến với lớp học "lạ lùng" này.
Bà là người gốc Huế, dạy học ở Quảng Bình được hai năm, đến năm 1958, cô giáo Hương Nam lấy chồng, chuyển ra Hà Nội sinh sống và giảng dạy tại trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Hà Nội). Sau khi nghỉ hưu, bà Hồ Hương Nam tham gia công tác dân số tại phường Yên Phụ - nơi gia đình bà đang ở. Làm cộng tác viên tuyên truyền về dân số, bà Nam đã "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để nói chuyện với người dân về dân số.
Từ thời điểm này, bà Nam đã gặp rất nhiều em nhỏ bị khuyết tật tại các gia đình nên trong suy nghĩ của bà nảy sinh ngay mong muốn được mang con chữ đến cho những em nhỏ thiệt thòi này. Năm 1997, sau nhiều đêm trằn trọc, trăn trở cho trẻ em khuyết tật, bà giáo Hồ Hương Nam đã quyết tâm mở lớp học tình thương cho các em nhưng mới chỉ "gói gọn" ở trẻ em khuyết tật của phường Yên Phụ và phố An Dương (quận Tây Hồ, Hà Nội).
Bà Hương Nam cho biết, thời gian đầu, khi bắt đầu lớp học, bà đã chịu rất nhiều gian khổ và tai tiếng. Nhiều gia đình được bà đến vận động đưa con đi học không đồng ý, vì họ cho rằng "lành lặn còn không ăn ai, huống chi là khuyết tật". Thậm chí, có gia đình, khi thấy bà gõ cửa, họ đã... đuổi về, mắng bà thậm tệ. Họ cho rằng, cho con bị tật nguyền đi học chữ là một điều "hoang đường"... Sau một thời gian thuyết phục, bà cũng có hai học sinh khuyết tật được gia đình đồng ý cho "thử", vì họ vẫn hoài nghi về một bà giáo về hưu, lại muốn dạy chữ miễn phí cho những đứa trẻ đáng thương ấy...
Bà Hồ Hương Nam đã 80 tuổi nhưng vẫn cần mẫn dạy học.
Thuyết phục được học sinh thì bà giáo Hồ Hương Nam mới nhớ ra là... không có lớp học để dạy các em. Bà đành mượn trụ sở tuần tra (nay là nhà Văn hóa phường Yên Phụ) và lớp mẫu giáo của phường để dạy học. Sau một thời gian dạy học trò đặc biệt, gia đình các em học sinh khuyết tật thấy con mình có nhiều tiến bộ như biết đọc, biết viết, đi học về biết chào người lớn nên rất phấn khởi.
Lúc đó, họ mới tin rằng, cái tâm của bà giáo về hưu ấy là thật và họ an tâm gửi con cho bà. Hàng ngày, bà vẫn lên lớp và dạy bảo cho những đứa trẻ thiệt thòi ấy về chữ, về toán và những điều hay, lẽ phải trong cuộc sống. Bà Nam cho biết thêm, để dạy được học sinh câm điếc, bà Nam phải ra trung tâm ở Thanh Xuân, Hà Nội để học ngôn ngữ ký hiệu trong 15 ngày. Bà kể rằng, mình là học viên lớn tuổi nhất lớp và tốt nghiệp loại xuất sắc. Từ đó, bà dạy, các cháu khuyết tật dễ tiếp thu hơn.
Bà Hồ Hương Nam kể: "Sau hai năm đi mượn nhà của phường thì chúng tôi bị đuổi. Thế là mấy bà cháu không có lớp học. Tôi đành lên phòng giáo dục quận trình bày với các anh lãnh đạo, nhờ sự "tác động" của các anh ấy mà tôi xin được phòng học ở trường THCS An Dương. Bà cháu chúng tôi lại có lớp để tiếp tục học từ năm 2002". Và hàng ngày, trong các buổi sáng từ thứ hai đến thứ sáu, bà Hương Nam cùng các học trò đặc biệt của mình đã đến trường An Dương để bắt đầu việc dạy và học như bao học sinh trong trường.
Vì đối tượng là trẻ em khuyết tật nên khi dạy học, bà giáo Hương Nam rất kiên trì để uốn nắn cho học sinh từng nét chữ. Vì là lớp học đặc biệt nên thường xuyên xảy ra "sự cố" như bỗng dưng các em hét ầm lên hay có trò đang học thì lăn ra ngủ hoặc chạy lung tung, hiếu động; thậm chí có học sinh nam 30 tuổi rồi mà còn thực hiện vệ sinh ngay trong lớp... khiến bà giáo nhiều lần phải... mệt nhoài người vì dọn dẹp.
Học sinh của bà giáo Nam đã... lấy được chồng
Tiếng lành đồn xa, năm nay đã là năm thứ 15 bà Nam kiên trì bám lớp với số học sinh lên đến 20, hiện tại lớp duy trì sĩ số 15 học sinh. Bà cũng cho biết thêm, dạy trẻ bình thường đã khó, dạy cho những đứa trẻ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ còn khó hơn nữa. Các cháu khuyết tật trình độ khác nhau, tiếp thu rất chậm, có cháu bị khèo không cầm được bút.
Có khi, bà dạy một cháu ba tháng mới viết được chữ O, nửa tháng mới đọc được chữ A tròn vành, rõ chữ. Ban đầu, bà giáo viết lên bảng đen để học sinh nhận mặt chữ, sau đó viết bút chì vào vở ô ly, nắm tay học sinh kéo khoanh tròn chữ O theo đúng hướng. Cứ như vậy, sau ba tháng, học sinh đó đã tự viết được chữ O trước sự vui mừng của gia đình và bà giáo.
Hơn 10 năm dạy trẻ khuyết tật, bà giáo Nam không lấy tiền công dạy học, bởi với bà, được chứng kiến các cháu khôn lớn và phát triển từng ngày là một niềm hạnh phúc. Cái tâm của người thầy là gieo những hạt giống hạnh phúc mà không nề hà những khó khăn và bà giáo Hồ Hương Nam đã làm được như vậy. Sau một thời gian dài duy trì lớp học, rất nhiều cha mẹ trẻ khuyết tật đã biết đến lớp học tình thương đặc biệt của bà Nam. Có người ở xa biết có lớp học và đem con đến nhờ bà dạy con chữ, bài toán.
Thực tế, có phụ huynh ở tận huyện Thạch Thất (Hà Nội), cách lớp học 40km nhưng ngày nào cũng đưa con đến lớp học của bà. Bà cho biết, có hôm trời lạnh quá, bà hỏi phụ huynh sao không cho con nghỉ, vượt 40km mà hai cha con mặt mày tím tái quá...
Phụ huynh đã trả lời: "Bà 80 tuổi rồi mà vẫn khỏe mạnh, không nghỉ dạy ngày nào, bất kể mưa nắng, thì hai bố con cháu có đi xa, có mệt vẫn vui lòng"... Điều đó khiến bà rất xúc động và có thêm động lực để duy trì lớp học tình thương này.
Bà giáo bộc bạch, lứa học sinh khuyết tật đầu tiên của bà đã có người... lấy chồng và đây là một kỳ tích phi thường. Bởi trước khi đến với lớp học của bà, người học trò ấy rất chậm chạp và tự ti. Sau một thời gian được bà kèm cặp, cô gái ấy đã biết đọc, biết viết và có thể giao tiếp với người ngoài một cách thoải mái. Cô học trò ấy còn làm được công việc tạp vụ ở bệnh viện và có lương hàng tháng, rất may là đã có chàng trai yêu thương và cả hai mới làm đám cưới cách đây không lâu. Trong đám cưới cô gái ấy, bà Nam là khách mới đặc biệt của gia đình, bởi chính bà đã như con ong chăm chỉ, cần mẫn, giúp cho nhiều trẻ em khuyết tật có cơ hội sống một cách tự chủ, độc lập như người bình thường.
Nhìn những khuôn mặt hân hoan trong lớp học tình thương đặc biệt của bà giáo Nam, chúng tôi đều cảm phục sự từ tâm và nghị lực phi thường của bà giáo già. Bà Hương Nam cho biết: "Cuộc đời của tôi gắn liền với 4 chữ "tình thương và trách nhiệm". Vì thế, tôi luôn làm theo cái tâm của một nhà giáo được trưởng thành từ chiến tranh. Sau khi biết thông tin về tôi, nhiều tổ chức và các trung tâm trẻ khuyết tật tới xin hợp tác. Tuy nhiên, tôi không muốn "bắt tay" vì nhận ra mục đích kinh doanh của họ. Việc này không làm một cách trong sáng thì lớp học miễn phí của tôi không tồn tại lâu được như vậy".
Bà Hồ Hương Nam chia sẻ thêm, trong các hoạt động chung của trường THCS An Dương, lớp học của bà cũng được tham gia với tư cách là một lớp học trong trường. Chính điều này đã xóa bỏ mặc cảm của các em khuyết tật, nhiều em đã mạnh dạn hơn, biết giao lưu với các bạn học sinh khác trong trường, tạo sự tự tin khi giao tiếp.
Tấm gương sáng cho lớp trẻ Ông Đặng Quốc Hưng (Phó chủ tịch UBND phường Yên Phụ) chia sẻ: "Mô hình lớp học tình thương của bà giáo Hồ Hương Nam mang đầy lòng nhân ái, cần được nhân rộng. Với kiến thức của một nhà giáo đã về hưu, bà đã truyền dạy cho nhiều em nhỏ tật nguyền có thể hòa nhập được với cộng đồng. Điều đặc biệt là bà không thu bất kỳ một khoản tiền nào trong quá trình dạy học, khiến cho nhiều người xúc động. Bà là tấm gương sáng cho lớp trẻ học tập". |
Lạc Thành