Liên quan đến kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về những sai phạm của Thứ trưởng bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã dành cho PV báo Người Đưa Tin một cuộc trao đổi về vấn đề siết chặt quy định kê khai tài sản của quan chức, lãnh đạo.
PV: Theo quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, một người kê khai tài sản không trung thực sẽ bị xử lý thế nào thưa ông?
Ông Phạm Trọng Đạt: Bà Hồ Thị Kim Thoa thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. UBKT T.Ư đã vào cuộc và đưa ra kết luận, công khai trước công luận. Thanh tra Chính phủ chỉ là đơn vị phối hợp.
Về việc kê khai tài sản đã có quy định của pháp luật. Kê khai không trung thực thể hiện qua việc kê khai không đúng, không đủ, hoặc kê khai thiếu... Khi sai phạm đã rõ thì áp vào khung để xử lý nghiêm khắc.
PV: Như ông nói, Thanh tra Chính phủ là cơ quan xây dựng nên các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập. Ông thấy cần thay đổi như thế nào vì trên thực tế, bà Thoa kê khai tài sản hằng năm nhưng lại không trung thực?
Ông Phạm Trọng Đạt: Việc bà Thoa “nhiều lần kê khai tài sản thu nhập không đúng, không đầy đủ” trong thời gian dài là sai phạm và sẽ bị xử lý. Kê khai tài sản là nguyên tắc tự giác chấp hành pháp luật. Thêm nữa có trách nhiệm của cơ quan giám sát tổ chức, xử lý.
Có luật rồi, có các quy định cụ thể mà cán bộ đảng viên cố ý làm sai, kê khai không trung thực thì phải xử lý. Làm gì có chuyện vô ý. Luật quy định là phải làm chứ không có trường hợp vô ý kê khai không trung thực được.
Với trường hợp cụ thể, Thứ trưởng bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa làm chưa đúng nguyên tắc khi nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ theo quy định. Còn trách nhiệm của bộ Công Thương, cơ quan quản lý Nhà nước là giám sát, chỉ đạo, đôn đốc việc kê khai tài sản của bà Thoa. Để xảy ra sai phạm của bà Thoa, trách nhiệm thuộc về thủ trưởng cơ quan trong việc kiểm tra, giám sát kê khai trong thời gian dài mà không phát hiện ra.
PV: Có luật, có các quy định rất cụ thể nhưng vẫn “lọt” trường hợp kê khai không trung thực, nhất là những quan chức đang nắm giữ trong tay khối tài sản được cho là “khủng” với hàng trăm tỷ đồng như bà Hồ Thị Kim Thoa khiến dư luận rất băn khoăn. Phải chăng, những quy định về kê khai tài sản hiện hành chưa đủ chặt chẽ?
Ông Phạm Trọng Đạt: Để nâng cao hiệu quả kê khai, tránh hình thức, ngoài kê khai phải giám sát kiểm tra tốt hơn. Tới đây, khi sửa đổi luật Phòng chống tham nhũng sẽ có những quy định về cơ quan, tổ chức chuyên giám sát vấn đề kê khai tài sản. Đã kê khai phải có thẩm định, xác minh rõ ràng.
Hiện nay vẫn làm theo quy định, còn cụ thể hơn thì sau này phải sửa Luật. Luật cũng đầy đủ rồi, nhưng vấn đề kê khai tài sản phải có thêm những quy định, xác minh, thẩm định; phải có cơ quan chỉ đạo; trách nhiệm của người đứng đầu… Sau này khi sửa Luật sẽ có một loạt vấn đề phải siết chặt lại để nâng cao trách nhiệm trong việc kê khai tài sản.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Dương Thu