Bộ VH,TT&DL vừa đăng tải danh sách hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú lần thứ 10 do Hội đồng cấp cơ sở trình Hội đồng cấp Bộ để lấy ý kiến của nhân dân từ ngày 26/7/2021 đến hết ngày 3/8/202. Danh sách hồ sơ thuộc các lĩnh vực Múa, Âm nhạc, Sân khấu và Điện ảnh.
Trong lĩnh vực Sân khấu, có 25 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, trong đó có các nghệ sĩ: NSƯT Lê Đại Chức (Cục Nghệ thuật biểu diễn), NSƯT Chí Trung, Đức Trung, Đức Khuê, Ngọc Huyền (Nhà hát Tuổi trẻ), NSƯT Trần Lực (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội), NSƯT Cao Đình Lưu (Nhà hát Tuồng Việt Nam), NSƯT Xuân Bắc, Quốc Khánh, Lâm Tùng (Nhà hát Kịch Việt Nam)…và 68 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, trong đó có những diễn viên được khán giả truyền hình yêu mến như: Nguyệt Hằng, Anh Thơ, Thanh Dương (Nhà hát Tuổi trẻ).
Trong lĩnh vực Múa có 4 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân gồm: NSƯT Trần Ly Ly (Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam), NSƯT Trần Thanh Nam (Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam), NSƯT Nguyễn Như Bình (Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam), NSƯT Nguyễn Thị Thanh Xuân (Cục Nghệ thuật biểu diễn) và 17 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, trong đó có: ông Nguyễn Văn Nam (Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam), ông Nguyễn Thành Công (Nhà hát Tuổi trẻ), bà Nguyễn Thị Lan Phương (Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc)...
Trong lĩnh vực Âm nhạc, có 23 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân trong đó có các nghệ sĩ: NSƯT Thanh Lam (Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam); NSƯT Hoàng Xuân Bình (Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam), NSƯT Bùi Công Duy (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), NSƯT Lê Thị Hồng Năm (Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam)… và 57 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
Trong lĩnh vực Điện ảnh, có 1 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân là NSƯT Phạm Đỗ Kỷ (Cục Nghệ thuật biểu diễn). NSƯT Đỗ Kỷ trước là diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam, sau anh chuyển công tác sang Cục Nghệ thuật biểu diễn với vai trò quản lý, tuy nhiên ông xã của NSND Lan Hương Bông khá chịu khó tham gia phim ảnh và các chương trình truyền hình.
Bên cạnh đó là 13 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, trong đó có: ông Bùi Mạnh Quang (Công ty cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam), ông Vương Khánh Trần Linh (Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương), bà Trần Phương Thảo (Cục Điện ảnh)...
Danh hiệu NSND, NSƯT là phần thưởng cao quý Nhà nước phong tặng cho nghệ sĩ nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của họ với nền nghệ thuật nước nhà.
Nghệ sĩ Nguyệt Hằng là diễn viên của nhà hát Tuổi trẻ, chị đang gây ấn tượng với vai bà Hoài - một người mẹ ghê gớm, độc đoán trong phim Hãy nói lời yêu trên VTV3, chia sẻ về việc mình có tên trong danh sách xét duyệt lên NSƯT, chị cho PV Người Đưa Tin Pháp Luật hay: "Nếu lần này được xét tặng danh hiệu NSƯT thì tôi rất vui và nhiều cảm xúc, bởi người nghệ sĩ sau bao năm cống hiến cũng muốn được khán giả và Nhà nước công nhận. Là một diễn viên sân khấu kịch, tôi luôn muốn thử sức mình ở nhiều dạng vai khác nhau, kể cả ở trên truyền hình".
Nói về vai diễn bà Hoài đang "làm mưa làm gió" trên VTV, Nguyệt Hằng cho biết thêm: "Trong phim tôi đóng vai bà Hoài - một người mẹ áp đặt, hãnh tiến tưởng như phù phiếm, nhưng lại hết lòng vì chồng con. Đóng vai này, tôi lại có nhiều thay đổi, biết cách yêu con hơn. Nhưng những có những ám ảnh, như hôm này làm phim căng thẳng, về lỡ lời lại quát con, sau đó lại thấy hối hận".
"Khi xem lại phim mình đóng, tôi thấy căng thẳng và tức ngực lắm, làm sao mà một người mẹ lại phải sống trong tâm trạng như tra tấn vậy. Phải nói là cực khổ tâm. Lúc quay thì chỉ diễn từng phân đoạn nhưng cũng kịch tính. Mà tôi cũng diễn hết cảm xúc nên cảnh nào cũng thấy căng. Giá mà tôi buông bớt thì sẽ đỡ gây cảm giác nặng nề hơn. May mắn là vai diễn này cũng vừa lọt vào danh sách đề cử của VTV Awards năm nay..." - Nguyệt Hằng tâm sự.
Nói về việc xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT lần này, ông Trần Thế Cương, Giám đốc sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho hay, trước đây, việc xét hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT theo Nghị định 89/NĐ-CP yêu cầu số phiếu phải đạt tới 90% tổng số thành viên đồng ý mới được hoàn thiện và chuyển tiếp. Tiêu chí này từng gây ra nhiều tranh cãi khi không ít nghệ sĩ kỳ cựu, có nhiều cống hiến cho nghệ thuật, được khán giả yêu mến cũng bị trượt danh hiệu.
Theo Nghị định sửa đổi, các hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT tú đạt từ 80% phiếu đồng ý của tổng số thành viên hội đồng có mặt tại cuộc họp lấy ý kiến là có thể được hoàn thiện và chuyển lên hội đồng cấp cao hơn. Đây chính là điểm mới nổi bật trong nghị định này.
Cũng theo điều 8 khoản 4c của Nghị định 40/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/2014 quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho phép xét duyệt đối với những trường hợp đặc biệt, ví dụ nghệ sĩ có quá trình cống hiến lâu năm và có tài năng nghệ thuật xuất sắc nhưng thiếu giải thưởng vẫn có thể xét phong tặng.