Ukraine đang vật lộn với tình trạng thiếu nhân lực nghiêm trọng trong cuộc chiến đã kéo dài gần 26 tháng chống lại các lực lượng Nga. Trong nỗ lực giải quyết tình hình, Kiev hồi giữ tháng 4 đã thông qua một đạo luật nhằm xem xét lại cách thức huy động quân.
Theo luật mới, tất cả nam giới trong độ tuổi nhập ngũ sẽ phải đến văn phòng tuyển quân để cập nhật giấy tờ của họ, từ xa hoặc trực tiếp trong vòng 60 ngày. Đàn ông trong độ tuổi tòng quân ở nước ngoài sẽ cần những giấy tờ đó để làm dịch vụ lãnh sự.
Theo ước tính của cơ quan thống kê Eurostat, khoảng 4,3 triệu người Ukraine đang sống ở các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) tính đến tháng 1 năm nay, trong đó có khoảng 860.000 người là nam giới trưởng thành.
Các chuyên gia pháp lý nói với Brussels Signal rằng Ba Lan và Litva (Lithuania) có nguy cơ vi phạm luật pháp của cả EU và Ukraine nếu họ chọn giúp Ukraine hồi hương những người đàn ông từ 18 đến 60 tuổi để thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Theo Quy chế Bảo vệ Tạm thời của EU, được kích hoạt vào ngày 4/3/2022, người tị nạn Ukraine chạy trốn xung đột có quyền tiếp cận chỗ ở, phúc lợi, chăm sóc y tế, giáo dục và việc làm ở Ba Lan, Litva và các nước EU khác, theo bà Brandi Amiss-Towler, một học giả của Hiệp hội Danh dự Lincoln's Inn nghiên cứu về vấn đề này.
“Nếu Ba Lan và Litva không tuân theo quy chế, cho phép công dân Ukraine có quyền về chỗ ở, phúc lợi… thì những nước này sẽ vi phạm luật pháp EU”, bà Amiss-Towler nói với Brussels Signal hôm 29/4.
Ba Lan, nơi tiếp đón khoảng 200.000 nam giới Ukraine trong độ tuổi từ 18 đến 60, cho biết họ sẽ không gia hạn quyền ở lại của những người này, và rằng Warsaw “có thể” sẽ đưa họ trở lại Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Władysław Kosiniak-Kamysz cho biết hôm 24/4.
Litva, nơi có ít đàn ông Ukraine hơn sinh sống, cho biết họ sẽ xem xét hạn chế “các phúc lợi xã hội, giấy phép lao động, giấy tờ” của những người này nhưng loại trừ việc trục xuất họ, Bộ trưởng Quốc phòng Litva Laurynas Kasčiūnas cho biết hôm 25/4.
Trước đó, hôm 23/4, Ukraine đã đình chỉ các dịch vụ lãnh sự đối với nam giới từ 18-60 tuổi sống ở nước ngoài, khiến họ khó ở lại nước sở tại hơn. Lãnh sự quán nước này tại Warsaw cho biết sau ngày 24/4, cơ quan này không thể cấp hộ chiếu cho bất kỳ ai trên 12 tuổi, dù là nam hay nữ.
Chuyên gia Amiss-Towler giải thích rằng điều khoản trên cũng có nguy cơ vi phạm Điều 47 của Hiến pháp Ukraine và không bị hạn chế bởi thiết quân luật.
Nghị sĩ đối lập Ukraine Volodymyr Viatrovych không đồng tình với cách làm trên. Theo ông Viatrovych, một số nam giới Ukraine đã sống ở các nước EU trước năm 2022 khi xung đột quân sự với Nga bùng phát.
Cho đến nay người Ukraine ở nước ngoài không có cách nào để đăng ký với cơ quan huy động quân và không có yêu cầu pháp lý nào bắt họ phải làm như vậy.
Người ta cũng “không rõ” liệu đàn ông Ukraine có thể đăng ký huy động từ nước ngoài hay không hay bằng cách nào, nghị sĩ Ukraine Olena Khomenko cho hay. Họ vẫn không thể khám sức khỏe ở nước ngoài như luật huy động hiện nay yêu cầu, bà Khomenko nói.
Minh Đức (Theo Brussels Signal, CTV News)