Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda vừa tuyên bố đất nước ông sẵn sàng cho đặt vũ khí hạt nhân nếu NATO quyết định triển khai loại vũ khí này trong bối cảnh Nga đã làm vậy ở Belarus và Kaliningrad.
Ba Lan là một thành viên NATO và là nước ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Nước này có chung đường biên giới với cả vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga và Belarus – đồng minh thân cận nhất của Moscow.
“Nếu các đồng minh của chúng tôi quyết định triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của chúng tôi như một phần của việc chia sẻ hạt nhân, để củng cố sườn phía Đông của NATO, chúng tôi sẵn sàng làm như vậy”, ông Duda cho biết trong một cuộc phỏng vấn được đăng trên nhật báo Fakt của Ba Lan hôm 22/4.
Tổng thống Duda đã nói chuyện với giới truyền thông Ba Lan sau chuyến thăm New York, nơi ông tổ chức các cuộc họp tại Liên Hợp Quốc và thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hồi tháng 3, ông đã đến thăm Washington DC, nơi ông gặp đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Ông Duda cho biết các cuộc thảo luận về hợp tác hạt nhân giữa Ba Lan và Mỹ đã diễn ra “được một thời gian”.
“Tôi đã nói về điều này nhiều lần rồi. Tôi phải thừa nhận rằng khi được hỏi về điều đó, tôi tuyên bố sẵn sàng”, Tổng thống Ba Lan nói, lập luận rằng Nga đang ngày càng quân sự hóa Kaliningrad và gần đây Moscow đã chuyển vũ khí hạt nhân của mình sang Belarus.
Vào tháng 6 năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận rằng Nga đã gửi vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus, quốc gia nằm giáp Ukraine và Ba Lan.
Phản ứng trước tuyên bố mới nhất của Tổng thống Ba Lan về vũ khí hạt nhân, Điện Kremlin hôm 22/4 cho biết Quân đội Nga sẽ phân tích bất kỳ động thái nào của Warsaw nhằm tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ.
“Quân đội sẽ phân tích tình hình. Nếu những kế hoạch này được thực hiện, tất cả các bước cần thiết sẽ được thực hiện để đảm bảo an ninh của chúng tôi”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.
Mỹ hiện đang đặt vũ khí hạt nhân tại 5 quốc gia thành viên NATO, bao gồm Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nga và Mỹ là 2 cường quốc hàng đầu về vũ khí hạt nhân. Hiện nay, Mỹ triển khai 1.419 đầu đạn chiến lược trên hàng trăm máy bay ném bom và tên lửa, trong khi con số của Nga là 1.549. Hai bên đều đang hiện đại hóa hệ thống phóng hạt nhân của họ. Đầu đạn được tính theo quy định của thỏa thuận New START, được gia hạn 5 năm vào tháng 1/2021.
Nga đã đình chỉ tham gia hiệp ước vào ngày 21/2 năm ngoái. Để đáp lại, Mỹ đã tiến hành các biện pháp nhằm hạn chế việc chia sẻ và kiểm tra thông tin. Tuy nhiên, cả Mỹ và Nga đều cam kết tuân thủ các giới hạn trọng tâm của hiệp ước đối với việc triển khai lực lượng chiến lược cho đến năm 2026.
New START giới hạn mỗi quốc gia có 1.550 đầu đạn được triển khai chiến lược và quy định chỉ 1 đầu đạn hạt nhân được triển khai cho mỗi máy bay ném bom hạng nặng được triển khai, bất kể máy bay ném bom đó mang theo bao nhiêu đầu đạn.
Minh Đức (Theo The Guardian, Reuters, Arms Control)