Cũng giống như hầu hết các nhà du hành khác, Armstrong là người có sự điềm tĩnh siêu phàm. Trong một lần luyện tập tại căn cứ không quân Ellington, khi Armstrong lái cỗ máy rời mặt đất được chừng 100m, nó đã đột ngột dừng hoạt động và chao đảo liên tục vì bị rò nhiên liệu. Rồi nó bị rơi theo chiều thẳng đứng, mọi người nghĩ rằng Neil khó mà sống sót. Vậy mà khi Al Bean, đồng đội của ông đến nơi thì thấy Armstrong vẫn bĩnh thản, sau đó Neil còn ngồi làm công việc giấy tờ như chưa có chuyện gì xảy ra.
Khi Al Bean hỏi về vụ tai nạn và hỏi về tình hình sức khỏe của Neil thì tất cả những gì nhà du hành này trả lời chỉ là Mm -hmm. Rất lâu về sau ông mới tiết lộ: "Tôi đã cắn phải lưỡi mình, đó là tổn thất duy nhất”.
Nụ cười của Neil Armstrong sẽ sống mãi trong lòng công chúng
Năm 1968, một năm trước khi Apollo cất cánh, Armstrong phải tập thoát ra bằng cửa thoát hiểm của máy bay thử nghiệm từ độ cao 60m. Lúc đó, sự việc diễn ra giống như một cảnh trong phim hành động Hollywood, Neil nhảy khỏi máy bay và bung dù khi chiếc máy bay nổ tung như quả bóng lửa ngay phía sau anh. Trước đó, chuyến bay vẫn bắt đầu bình thường. Armstrong cất cánh theo phương thẳng đứng và lên tới độ cao 150m để bắt đầu tập hạ cánh. Đột nhiên, chiếc máy bay bay liệng và tăng tốc. Armstrong cố gắng kiểm soát cần điều khiển nhưng không được. Chiếc máy bay nghiêng hẳn về bên phải và bắt đầu rơi. Trong vài giây, Armstrong nhận ra rằng anh chỉ còn cách thoát khỏi máy bay. Khi máy bay cách mặt đất 60m, Armstrong đã quyết định nhảy dù.
Vụ việc giúp NASA rút ra kinh nghiệm quý giá. Một năm sau, Armstrong đáp xuống Biển yên bình (Sea of Tranquility) trên mặt trăng, đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử chinh phục không gian của loài người, một cách thuận lợi nhờ kinh nghiệm anh rút ra được từ vụ tai nạn suýt khiến anh mất mạng.
Một tai nạn khác khiến Armstrong suýt mất mạng chính là lần trở về trái đất cùng module Eagle vào ngày 20/7/1969. Theo dự kiến, hệ thống máy tính sẽ tự điều khiển việc tiếp đất nhưng trục trặc xảy ra khi bước vào giai đoạn hạ cánh cuối cùng. Hệ thống bị quá tải, đèn báo động chớp liên tục, còn nhiên liệu trên tàu hầu như đã cạn. Nhờ sự bình tĩnh phi thường, Armstrong nhanh tay tắt hệ thống lái tự động và tự điều khiển hạ cánh bằng tay. Armstrong đã cứu một bàn thua trông thấy vì chỉ chậm 30 giây thì phi thuyền đã hoàn toàn mất điều khiển và rơi tự do xuống đất.
Vết chân đầu tiên của con người trên mặt trăng là của Neil Armstrong
Chuyến bay đã ghi dấu cái tên Neil Armstrong vào lịch sử, nhưng không nhiều người biết rằng, trước khi Neil Armstrong và Buzz Aldrin đổ bộ xuống mặt trăng, NASA và Tổng thống Richard Nixon đã chuẩn bị một bài điếu văn trước toàn thể nước Mỹ có tựa đề về sự kiện thảm họa mặt trăng như một điếu văn viết trước nếu phi hành đoàn không trở lại trái đất. Rất may là Tổng thống Nixon không bao giờ phải đọc bài "điếu văn" ấy vào năm đó nhưng giá trị của nó thì luôn đúng.
"Điếu văn có đoạn: "Định mệnh đã an bài rằng những người đàn ông lên thám hiểm mặt trăng trong hòa bình sẽ an nghỉ vĩnh hằng ở đó. Những người đàn ông dũng cảm đó, Neil Armstrong và Buzz Aldrin biết rằng họ không có cơ hội được cứu thoát. Nhưng họ cũng biết rằng sự hy sinh của họ sẽ thắp lên niềm hy vọng cho nhân loại. Từ xa xưa, con người đã nhìn lên các vì sao và thấy những người anh hùng giữa các chòm sao. Ngày nay, chúng ta cũng nhìn lên bầu trời, nhưng những người anh hùng chính là những con người bằng xương bằng thịt. Mỗi con người chúng ta nhìn lên mặt trăng trong bầu trời đêm sẽ biết rằng ở một chốn nào đó trên thế giới kia vĩnh viễn lưu dấu nhân loại. Đây cũng chính là tâm niệm của gia đình Neil Armstrong sau sự ra đi đầy tiếc nuối của ông".
Thanh Xuân