Bên trong những công trình phục vụ Euro 2012, mọi thứ diễn ra thật yên bình. Các trận đấu vẫn diễn ra sôi nổi theo đúng lịch. Từ các góc máy quay truyền hình, cảm giác về những sân vận động hào nhoáng, hiện đại khiến người ta có cảm tưởng Euro 2012 thật sự hoàn hảo. Nhưng phía sau cảm giác bị đánh lừa đó, bên ngoài các SVĐ ở cả Ba Lan lẫn Ukraine, quang cảnh ngổn ngang như một đại công trường vẫn đang tồn tại.
Bên ngoài sân vận động Kiev
Chạy đua với thời gian
Khoảng 50 tỷ euro đã được Ba Lan - Ukraine chi ra trong cam kết hoàn thiện các công trình phụ trợ và hạ tầng cơ sở phục vụ cho vòng chung kết Euro 2012. Trên thực tế thì với khoản tiền khổng lồ này, hai nước đồng chủ nhà đã trang hoàng, thiết kế lại khá nhiều hạng mục, đặc biệt là nội thất, khán đài và mặt cỏ của các sân vận động.
Ba Lan - Ukraine buộc phải đẩy nhanh tiến độ của phần nội thất ấy, bởi nếu họ không đáp ứng, phái đoàn kiểm tra của UEFA có thể xem xét tước quyền tổ chức của cả hai. Tuy nhiên, với những hạng mục bên ngoài, như đường giao thông, khuôn viên sân vận động, thì cả Ba Lan lẫn Ukraine đều đã không thể hoàn thành đúng như kế hoạch.
Tại Ba Lan, sân vận động quốc gia nước này, đồng thời cũng là địa điểm tổ chức đăng cai trận khai mạc (kèm thêm vòng bán kết) cho đến giờ vẫn đang tiếp tục hoàn thiện nốt việc lắp đặt các tấm kính khổng lồ bao quanh bên ngoài.
Trong ngày Euro 2012 khai mạc, nhiều phóng viên quốc tế đã bày tỏ sự ngỡ ngàng khi thấy hàng loạt giàn giáo khổng lồ vẫn được dựng lên bên ngoài. Đâu đó ở một góc khuất, rác thải phế liệu gồm bê tông và giấy bao hàng chất đống nhưng không hề được dọn dẹp.
Ở Ukraine, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Sân vận động Kiev vẫn đang vương vãi đầy cát sỏi và đập vào mắt những CĐV đến đây xem đá bóng luôn là hình ảnh thường trực của các công nhân đào xới suốt ngày đêm.
Nhưng không chỉ các sân vận động, tình hình tại nhiều tuyến đường giao thông dẫn đến các sân vận động hay khu vực Fanzone (dành cho cổ động viên) cũng không khá khẩm hơn.
Tại một đường phố ở Ba Lan, suốt nhiều ngày qua, các công nhân bị huy động làm thêm giờ để lát gạch cho những vỉa hè vừa đang trong quá trình chỉnh trang lại. Xe cẩu, gạch lát, đất đá bị đào xới, bởi thế là hình ảnh thường thấy của du khách đến Ba Lan những ngày này. Nó khác hẳn với Euro 2008 tại Áo - Thụy Sỹ. 4 năm trước, hai nước đồng chủ nhà thậm chí hoàn thiện các công trình phụ trợ, sân vận động từ khi Euro còn cả năm nữa mới chính thức khai mạc.
Ngổn ngang ở Ba Lan
Nỗi bức xúc của người dân
Khi Sol Campbel nói rằng UEFA đã sai lầm vì trao quyền tổ chức Euro 2012 cho Ba Lan - Ukraine, cựu tuyển thủ Anh từng bị các nhà tổ chức của hai nước Đông Âu chỉ trích kịch liệt. Nhưng thật ngạc nhiên, khi một bộ phận không nhỏ những người dân sở tại lại đồng tình với quan điểm của Campbel. Với họ, Euro 2012 giống như một gánh nặng. Và thực trạng các công trình phục vụ Euro 2012 thi công chậm trễ cũng bắt nguồn từ nỗi bức xúc trước hàng loạt vấn nạn phơi bày từ gánh nặng đó.
Tại Ukraine, ngay trước khi Euro 2012 khai mạc, người ta đã được chứng kiến cuộc biểu tình rầm rộ của hàng ngàn công nhân ngay tại trung tâm thủ đô Kiev. Những người biểu tình đã giương cao khẩu hiểu đòi được trả lương. Một số người thậm chí còn mang theo xiềng xích tự còng tay, chân mình lại để thu hút sự chú ý của du khách nước ngoài và truyền thông quốc tế. Người dẫn đầu cuộc biểu tình ấy, ông Denis Levin nói rằng Ukraine đã chi hàng tỷ euro để xây lên SVĐ khổng lồ nhưng lại bắt công nhân lao động làm việc trong điều kiện tệ hại và không được trả lương.
Không chỉ tại Kiev, cuộc biểu tình của các công nhân còn diễn ra ở nhiều nơi khác. Ngoài chuyện yêu cầu được trả lương đầy đủ, họ còn yêu cầu chính phủ đưa ra ánh sáng những kẻ bị nghi ngờ đã tham nhũng, rút ruột ngân sách trong việc xây dựng các công trình phục vụ Euro 2012. Khi sự phẫn nộ lên đến đỉnh điểm, các nhóm biểu tình thậm chí đã đe dọa sẽ đình công cho đến khi Euro 2012 kết thúc. Đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy các cuộc biểu tình sẽ sớm kết thúc.
Ở Ba Lan, người ta chưa thấy được các cuộc biểu tình hay tuần hành nào tương tự. Nhưng rõ ràng, sự chậm trễ trong tiến độ xây dựng các công trình phụ trợ cho thấy tiền bạc, dường như là gánh nặng lớn. Ba Lan không có được nền tảng hạ tầng cơ sở tốt bằng Ukraine. Do đó, họ phải đầu tư nhiều hơn. Số tiền lên đến hàng chục tỷ euro phần lớn trông đợi vào ngân sách và các khoản vay ưu đãi. Nó khiến cho việc giải ngân trở nên khó khăn hơn.
Chính quyền Ba Lan - Ukraine đều đã hứa sẽ sớm hoàn tất việc xây dựng hạ tầng cơ sở sau đây ít ngày nữa. Nhưng rõ ràng, hình ảnh ngổn ngang như một đại công trường bên ngoài các sân vận động đã cho thấy giải quyết mọi chuyện trên thực tế không hề dễ dàng. Euro 2012 vốn đã bị phủ bóng đen vì nhiều rắc rối như bạo lực, phân biệt chủng tộc, nay lại càng kém lung linh vì những đống gạch đá ngổn ngang.
Vòng chung kết Euro khó khăn nhất lịch sử Cũng vì vấn đề tiền bạc, Ba Lan trước đó đã phải hủy bỏ kế hoạch xây mới một ga tàu hỏa. Thay vào đó, nước đồng chủ nhà Euro 2012 đã chuyển sang nâng cấp nhà ga trung tâm sẵn có. Vì những trục trặc ở Ba Lan - Ukraine, quan chức UEFA đã phải thừa nhận Euro 2012 là vòng chung kết khó khăn nhất trong lịch sử. Nhưng họ cũng bày tỏ sự thông cảm cho hai nước đồng chủ nhà. Bởi trong một tính toán trước Euro 2012, thì việc giá thành nguyên vật liệu bị đội lên quá cao cũng khiến chính quyền hai nước không thể xoay sở kịp. |
Gia Mẫn