21 năm bán vé số nuôi... đàn chim sẻ
Lạc giữa cảnh phố sá tấp nập xe cộ, một bức tranh cổ tích ở thế kỷ 21 được vẽ bằng dáng lưng còng của bà lão bán vé số rải từng nắm gạo cho đàn chim sẻ ăn đẹp lung linh lạ thường. 21 năm qua, bà Sao đã chia sẻ ngọt bùi từng hạt gạo của gia đình mình với đàn chim sẻ.
Suốt 20 năm qua bà Phạm Thị Sao luôn dành dụm từng đồng tiền nhỏ để nuôi 7 đứa con và một đàn chim.
Mấy ai tin bà Phạm Thị Sao đã phải bươn chải mưa nắng kiếm vài đồng tiền còm cõi vừa để nuôi bảy đứa con và một đàn chim hơn trăm con. Bà yêu chúng như những đứa con nhỏ, thấy chúng đói, vòi ăn, bà cũng đau lòng như chứng kiến đàn con thơ mình đòi ăn năm nào. Bà từng khóc van người ta đừng bắt chúng về làm món nhậu bán cho các nhà hàng trên địa bàn thành phố Mỹ Tho. Không vụ lợi, chỉ có tình thương yêu động vật, thiên nhiên thúc giục bà làm chuyện xưa nay hiếm có là tình nguyện mua gạo lức (thứ gạo mà đến cả bà cũng chưa dám mua về nấu ăn) để nuôi đàn chim sẻ hoang.
Con gái bà Sao, chị Võ Thị Ánh Lan (SN 1968, ngụ tỉnh Tiền Giang) chia sẻ: "Duyên số đưa đẩy má tôi thành vợ lẽ, ba tôi sống với vợ lớn ở Long Xuyên, lâu lâu mới lên thăm má con tôi và cho ít tiền. Bảy đứa con lần lượt ra đời, một tay má tôi chăm lo miếng cơm manh áo. Ba tôi mất năm 1978, mấy đồng tiền trợ cấp ít ỏi từ ba cũng không còn nữa, má tôi phải làm đủ thứ nghề để lo cho mấy anh em tôi...".
Dù dáng người nhỏ bé, bà Sao cũng phải đội từng bao cá khô nặng mấy chục ký hoặc chạy bưng hủ tiếu cho khách từ đầu đến cuối chợ mà không than vãn trước mặt con cái một lời. Một lần đội cá khô, bà bị sụp ổ gà té bể hai đầu gối, không còn làm được việc nặng nhọc. Thế nên, bà chuyển qua bán vé số từ năm 1992. Mấy tháng đầu, bà rong ruổi khắp mọi nẻo đường của thành phố Mỹ Tho nhưng cái đầu gối cứ trở nặng làm đau nhức nên đành ngồi bên vỉa hè cạnh nhà thờ Chánh Tòa Mỹ Tho bán vé số. Từ đây, bà làm bạn với bầy chim nhỏ sống trên cây ở khuôn viên nhà thờ.
Bà Sao nhớ lại lần đầu tiên cho chim ăn: "Mỗi ngày, tôi bán từ sáng đến tối nên thường mang cơm theo ăn. Tôi đang ăn cơm, đàn chim sẻ trên cây bay ra, đậu xuống vỉa hè kêu ríu rít. Thấy thương quá, tôi mới chia nửa phần cơm trưa cho tụi nó ăn. Ăn xong, tụi nó bay nhảy, rồi cứ bay là là, đậu lên người tôi như để cảm ơn. Khi ấy, tôi thấy nhẹ lòng và rất xúc động nên ngày nào cũng ráng để dành ít cơm cho tụi nó ăn".
Ban đầu, bà Sao cho lũ chim ăn chung phần cơm của mình. Về sau, bà nghĩ đàn chim quá đông, ăn cơm chung chắc không đủ no, nên bà chia nhỏ phần tiền lời ra để lo cho bảy đứa con và dành hẳn một phần mua gạo cho đàn chim sẻ. Để vừa lòng những người bạn thiên nhiên của mình, bà Sao dành dụm tiền mua gạo lức, thứ gạo mà gần như chưa bao giờ bà dám mua về nấu cho gia đình ăn. Bà cho biết, ngày ba lần bà rải gạo gọi đàn chim sẻ xuống ăn. Mỗi ngày, đàn chim ăn khoảng hơn 2kg gạo lức và cơm, khách qua đường thấy đàn chim dễ thương, cũng góp gạo cho bà Sao nuôi.
Với tình yên của bà Sao, đàn chim không lo bị bỏ đói mỗi ngày.
Vẽ cổ tích trên... vỉa hè
Năm nay, bà Sao bước qua tuổi 75, người đã yếu, hai đầu gối đau nhức mỗi khi đi lại nhiều và trời trở lạnh. Mấy người con bà cũng đã lớn, lập gia đình, mỗi người sống một nơi. Hiện bà đang ở cùng người con gái út trong căn nhà nhỏ trên đường Huỳnh Tịnh Của (thành phố Mỹ Tho). Vào lúc 6h sáng, bà lại chống gậy, lững thững bước cùng chú chó nhỏ ra vỉa hè nhà thờ, sửa soạn bán vé số. Bày cái bàn vé số ra, đàn chim liền sà xuống, con nhảy lên bàn, con đậu lên tay bà kêu ríu rít đòi ăn.
Tay vốc lấy nắm gạo, vung cho hạt gạo rớt đều trên mặt đất, bà Sao thấy lòng cho đi những muộn phiền, bao toan tính mưu sinh dường như chững lại, chỉ có không gian tĩnh lặng của buổi sáng trong lành và tiếng mổ gạo theo nhịp đều đặn của đàn chim rộn ràng trong trái tim già nua theo năm tháng. Chị Ánh Lan tâm sự: "Má truyền tình yêu đàn chim sẻ sang cho mấy đứa con trong nhà. Thấy má thương đàn chim quá, mấy anh chị em tôi cũng thương theo, đi đâu thấy gạo lức mà cũng bắt mua về cho chim ăn bằng được. Mẹ tôi còn căn dặn, nếu mẹ không còn nữa cũng phải ráng nuôi đàn chim, có gì cho chim ăn nấy, miễn sao đừng để chúng đói".
Có lần, bà Sao bị bệnh phải mổ mắt, bác sỹ chỉ định phải ở nhà tịnh dưỡng ít nhất ba tháng, không được ra đường tiếp xúc bụi bẩn. Thời điểm đó, chị Lan đảm trách nhiệm bán vé số và chăm sóc đàn chim nhỏ thay bà Sao. Thế nhưng, bà nhớ đàn chim đến nao lòng, mới một tháng chưa tròn, bà chống gậy ra góc đường xem chị Lan chăm sóc đàn chim ra đã sao. Hay mỗi lần, chị Lan quên mang theo túi gạo, bà vội vã mang ra, không quên hờn mát "có mỗi chuyện cho chim ăn cũng quên".
Nuôi đàn chim của trời đất hơn 21 năm qua, chưa ngày nào, bà có ý nghĩ dựa vào nó kiếm tiền. Vậy mà, mấy kẻ nhẫn tâm dùng bẫy bắt chim sẻ về bán cho mấy nhà hàng, quán nhậu. Lúc đầu, bọn chúng dùng máy nhử chim, bắt về bán cho mấy người phóng sinh, chim được thả ra lại bay về đàn, bà vui mừng rơi nước mắt. Bây giờ, kẻ xấu dùng keo chuyên dùng để bắt chim, chim mắc bẫy xơ xác, gãy cánh. Chúng mang đến quán bán lại, lấy tiền tiêu xài. Thấy vậy, bà Sao đến năn nỉ: "Tôi xin mấy anh, chim này tôi cho ăn đã hơn 21 năm nay, không lẽ nhắm mắt để tụi nó bị bắt thì tôi mang tội lắm, thân già có chết cũng không nhắm mắt". Bà gần như van lạy, khóc lóc, bọn người bắt chim thôi không săn chim vào ban ngày chuyển qua hoạt động ban đêm. Bà đành ngậm ngùi, bất lực nhìn đàn con đặc biệt của mình ngày một ít dần.
Gương mặt phúc hậu, đôi mắt nhỏ đã tèm nhem nước mắt tuổi già của bà Sao, khiến ai cũng phải chạnh lòng thương thân già nặng mang nghĩa tình với loài vật. Không huân chương, không lời ngợi khen nào có thể tôn vinh được tấm lòng yêu thương quá đỗi nhân văn của bà lão nghèo bán vé số. Bài học bà cho thế hệ mai sau rất dung dị nhưng thử hỏi mấy ai làm được trọn vẹn và đủ đầy ý nghĩa.
Người dân thành phố Mỹ Tho nói riêng, du khách nói chung, có dịp đi qua con đường Nguyễn Trãi không thể lướt qua trước cảnh đẹp giữa đời thường, bà lão bán vé số ngày ngày còng lưng rải cho đàn chim sẻ từng hạt gạo nhỏ. Tình yêu đó gieo vào lòng người một ánh nhìn nhân văn trước một xã hội đang nhiều thay đổi.
Tôi cũng như con chim mẹ vậy Ánh mắt Bà Sao sáng lên mỗi lần nhắc đến đàn chim: "Đàn chim này khôn lắm, thấy người lạ, tụi nó không đậu xuống đâu. Người khác rải gạo nó không chịu ăn, tôi rải nó đáp xuống thiệt nhiều. Nhìn con chim mẹ mổ đôi, mổ tư hạt gạo mớm cho chim con ăn mà tôi rơi nước mắt. Loài vật cũng như con người, tình mẹ sao thiêng liêng quá. Tôi cũng như con chim mẹ kia vậy, phải bới móc khắp hang cùng ngõ hẻm của cuộc đời để mưu sinh lo cho bảy đứa con thơ dại. Cảm thương tình yêu thương của chúng dành cho nhau, mấy hạt gạo tôi có đáng gì". |
Ngọc Lài - Hà Nguyễn