Bà lão “ký sinh” trên vỉa hè nửa thế kỷ “đòi” hiến xác

Bà lão “ký sinh” trên vỉa hè nửa thế kỷ “đòi” hiến xác

Thứ 5, 27/12/2012 23:44

Đã gần 30 năm nay, người dân sinh sống tại khu Bách hóa Thanh Xuân (phường Thanh Xuân Nam, Hà Nội) đã quen thuộc với hình ảnh một người bà già ngồi ngoài vỉa hè mưu sinh cùng chiếc cân trọng lượng". Đó là bà Đinh Thanh Hạnh, 82 tuổi (quê gốc ở Thái Bình).

Đã 27 năm nay, dù ngày nắng hay mưa, từ mùa hè oi bức cho đến mùa đông lạnh giá, bà đều ngồi ở đây cùng với chiếc cân nhỏ kiếm kế sinh nhai qua ngày.

Cuộc đời bất hạnh nên phải đổi tên

Lúc chúng tôi đến cũng là khi bà Hạnh vừa mở hàng. Ngồi co ro một góc, nhìn dòng người đi lại hối hả mà trên nét mặt bà thoáng vẻ đượm buồn. Nhìn dáng người mảnh khảnh, khuôn mặt nhăn nheo vì sương gió nhưng bà Thanh vẫn còn minh mẫn lắm. Bà kể cho tôi một cách mạch lạc về cuộc đời mình. Quê bà ở Thái Bình. Sau nạn đói năm 1945, cả bố, mẹ, anh chị em bà đều mất. Đứng trước nỗi mất mát quá lớn, mới tròn 15 tuổi, bà lau nước mắt đứng dậy và bắt đầu học cách kiếm sống qua ngày.

Pháp luật - Bà lão “ký sinh” trên vỉa hè nửa thế kỷ “đòi” hiến xác

Bà Hạnh nói chuyện với PV.

Ngày ấy, từ sáng sớm bà Hạnh ra chợ cầu Bo kiếm ăn, tối về ngủ dưới gầm cầu. Rồi cuộc sống của bà cứ thế vạ vật ngoài đầu đường, xó chợ. Năm 23 tuổi, bà Hạnh lập gia đình với một người đàn ông cùng xóm và sinh được một người con trai. Tưởng rằng cuộc sống của bà từ nay sẽ hạnh phúc, sẽ có người đàn ông chở che mưa nắng. Tuy nhiên, mấy năm sau, người chồng bội bạc bỏ bà đi biệt tăm. Con nhỏ, việc làm không có, một mình bà phải "đánh vật" với cơm áo gạo tiền chăm con khôn lớn. Không chịu lùi bước trước số phận, sau ngày giải phóng Thủ đô, bà đành dứt lòng để lại đứa con ở nhà, lên Hà Nội kiếm sống.

Vào làm công nhân tại nhà máy điện Mễ Trì, bà đã nên duyên cùng với một đồng nghiệp. Họ đến với nhau bằng sự cảm thương từ hai phận nghèo. Và rồi, cậu con trai ra đời là sự kết tinh của cuộc tình thứ hai. Tám năm sau, người chồng thứ qua đời vì bệnh hiểm nghèo trong sự đau đớn tột cùng của bà Hạnh. Bất hạnh chưa dừng lại ở đấy với người đàn bà này. Khi tang chồng chưa hết thì người con trai thứ hai của bà cũng qua đời vì bạo bệnh.

Nén đau thương, bà lao vào cuộc đống mưu sinh để quen hết những nỗi tủi cực. Có lẽ ở Hà Nội, chưa có con ngõ nào mà bà chưa từng đặt chân. Từ giữ trẻ, bán hàng rong... bà đều kinh qua. Nói chuyện với chúng tôi, bà Hạnh cho biết: "Ngày ấy tôi làm việc linh tinh lắm. Gặp nghề gì làm nghề ấy. Nói chung là làm việc gì có tiền nuôi con là được".

Cách đây 27 năm, khi thấy mình tuổi đã cao, không thể làm việc nặng nhọc được nữa, bà sắm một cái cân sức khỏe ra ngồi ở hè Bách hóa Thanh Xuân. Thời gian đầu, buổi sáng bà ra hè ngồi, tối lại trở về căn nhà sống vò võ một mình. Nhiều đêm nằm suy tư, bà quyết định bán căn nhà đi để mua một căn nhà khác nhỏ hơn ở gần Bách hóa Thanh Xuân để tiện cho việc đi lại và có chút tiền làm vốn phòng khi ốm đau bệnh tật. Thế nhưng, do không hiểu pháp luật, mua nhà mới được hơn một tháng thì bị chủ nhà vu cho là chiếm nhà. Tờ giấy mua bán viết tay cũng bị lừa mất. Bà mất trắng căn nhà và bị đuổi ra ngoài đường từ ấy.

Được biết, hiện nay bà phải thuê tạm bợ căn nhà vẻn vẹn chỉ có 5m2, kê đủ cái giường để ngủ, cách Bách hóa Thanh Xuân hơn 1km với giá 600.000 đồng/tháng. Mỗi ngày bà ngồi cho thuê cân cũng kiếm được từ 30 - 40.000đồng/ngày. Gần đây, bà Hạnh lấy thêm vài quyển sách khấn Nôm về bán cho có thêm thu nhập. "Tuổi già rồi nên kém ăn, kém ngủ. Mỗi ngày tôi chỉ mua một hộp cơm ăn cả hai bữa trưa và bữa tối. Mùa này thời tiết đang chuyển lạnh nên cũng ít khách nên tôi phải sống tằn tiện. Có khi cả ngày chỉ ăn một chiếc bánh mỳ cho qua bữa", bà Hạnh tâm sự.

Khi chúng tôi đang ngồi dở từng trang sách dạy khấn Nôm ra đọc bỗng nghe bà Hạnh nói: "Tôi vốn không phải tên là Hạnh đâu chú ạ. Đời tôi gặp nhiều bất hạnh quá nên phải đổi tên đấy. Tên khai sinh của tôi là Đinh Thị Thanh. Nhiều khi ngẫm lại thấy mình gặp nhiều bất hạnh quá nên tôi đổi thành Đinh Thanh Hạnh. Hạnh có nghĩa là bất hạnh, chứ đừng nhầm tưởng thành Hạnh phúc nhé. Thế nhưng tưởng là đổi tên sẽ thay đổi được vận hạn nhưng ai ngờ đời tôi vẫn vất vả và tủi nhục chú ạ".

Pháp luật - Bà lão “ký sinh” trên vỉa hè nửa thế kỷ “đòi” hiến xác (Hình 2).

Đã gần 30 năm nay, người đàn bà này mưu sinh trên vỉa hè.

Ước nguyện cả đời được hiến xác

Trong mái tóc bạc phơ, miệng tóp tép nhai trầu bằng hai hàm răng đã rụng gần hết bà Hạnh chia sẻ: "Ước nguyện cả một đời của tôi là được hiến xác, giúp ích cho đời". Bà nghĩ rằng, bản thân mình khi sinh ra đã không đóng góp được gì cho xã hội. Gia đình lại không giàu có tiền để làm từ thiện. Tài sản duy nhất mà bà có là sự nhân hậu, tình người. "Vì thế, thay vì chết vô nghĩa thì trước khi chết mình sẽ đem xác đi hiến để họ lấy nội tạng, để các sinh viên trường Y thí nghiệm hoặc cho ai đó còn trẻ mà không may gặp bệnh tật mà phải thay thế các bộ phận trong cơ thể", bà Hạnh rưng rưng.

Nghĩ là làm, không biết bao nhiêu lần bà viết đơn gửi lên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai để được thực hiện ước nguyện. Tuy nhiên, bà chỉ nhận được những cái lắc đàu từ chối. Thậm chí, có lần người đàn bà này còn lên gặp trực tiếp Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai để đề đạt nguyện vọng của mình. Thấy bà quyết tâm quá, họ không biết làm cách nào khác đành dẫn bà đi xem các bộ nội tạng được ướp và bảo: "Nếu bà cảm thấy không sợ thì mới được hiến xác". Những tưởng như thế là "dọa" được bà từ bỏ ý định đấy nhưng sau khi xem bà chẳng những không sợ mà lại càng quyết tâm thực hiện ước nguyện hiến xác hơn.

Trải qua hơn 50 năm nung nấu ước nguyện chưa thành, bây giờ bà đã ngoài 80 tuổi, ở cái tuổi "gần đất xa trời", bà Hạnh lại càng tìm thêm ra cho mình lý do để được hiến xác. Bà bảo: "Tuổi cao sức yếu không có nơi lương tựa nhỡ mình có chết đi lại làm phiền người khác... Nếu bây giờ ai đồng ý cho tôi hiến xác thì tốt quá, tôi sẽ cảm ơn người đó lắm!". Tuy không được học hành đầy đủ nhưng Luật Hiến xác thì bà hiểu tường tận. Nheo mắt nhìn về phía xa xăm, bà Hạnh đọc làu làu: "Điều 5 có quy định, người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác"...

Tuy đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm" nhưng mắt bà Hạnh vẫn tinh tường lắm. Hàng ngày bà vẫn bỏ ra một khoản tiền nho nhỏ để mua báo về đọc. Bà bảo: "Đọc báo thấy nhiều tin giết người rồi tự tử hay đánh nhau đến thiệt mạng, tôi thấy tiếc cho họ quá".

Câu nói của bà khiến chúng tôi tò mò mà buột miệng hỏi: "Bà thấy tiếc điều gì?". Bà Hạnh cười nhạt cho biết: “Trong lúc khốn khó nhất cũng chưa lúc nào tôi nghĩ là mình tự tìm đến cái chết. Đời còn dài và còn nhiều điều tốt đẹp ở phía trước, tội gì mà phải chết. Tự tử không phải là cách duy nhất để giải thoát... và thử nghĩ xem, khi ta tự tử và tự đánh mất đi tính mạng của chính mình thì ba mẹ và những người thân họ sẽ ra sao?".

Khi tôi chào bà ra về, bà Hạnh còn níu tôi lại nói thêm: "Tôi nói cho chú biết không phải vì tôi muốn nổi tiếng đâu nhé. Mà vì tôi muốn có người biết đến ước nguyện của tôi và giúp tôi thực hiện ước nguyện đó... chú nhớ giúp tôi nhé".

Ngủ đường vì không ai dám cho thuê nhà

Người dân sống ở quanh khu vực Bách hóa Thanh Xuân cho biết, tuy bà nghèo đói là thế nhưng sống rất nhân hậu, chưa mất lòng ai bao giờ. Để minh chứng cho điều ấy, chị Nguyễn Thị Huyền, người bán nước ở gần đấy chỉ vào nơi người đàn bà bất hạnh bảo: "Vì bà ấy nghèo mà tốt quá nên chủ cửa hàng không nỡ đuổi đi, cứ để cho ngồi với đống đồ trước cửa. Thi thoảng bà còn cho lũ trẻ nhà tôi kẹo bánh". Chị Huyền cho biết thêm, mấy năm gần đây thấy bà già quá, chủ nhà không dám cho bà thuê nữa vì sợ trời lạnh bà chết trong nhà của họ thì phiền phức. Chính vì thế, suốt mùa đông bà Hạnh phải ngủ ngoài hè Bách hóa.

Phương Phương - Trung Tuyến


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.