Bà má “tham mưu” của Trung đoàn 27 và tượng đài “thành đồng”!

Bà má “tham mưu” của Trung đoàn 27 và tượng đài “thành đồng”!

Nguyễn Thị Hường

Nguyễn Thị Hường

Thứ 6, 30/04/2021 20:06

Nhờ tấm bản đồ chỉ đường của “má Sáu Ngẫu” đã giúp quân giải phóng tiến vào Sài Gòn thuận lợi, giảm nhiều thương vong, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975.

Nhân dịp kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2021), tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 27 cùng với chính quyền địa phương đã tổ chức khánh thành tượng đài “má Huỳnh Thị Sáu”, người đã trao tấm bản đồ căn cứ địch cho trung đoàn 27, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975.

Sự kiện - Bà má “tham mưu” của Trung đoàn 27 và tượng đài “thành đồng”!

Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu và đồng đội bên phần mộ "má Sáu Ngẫu".

Cách đây 46 năm về trước, vào đêm 29/3/1975, Trung đoàn Triệu Hải anh hùng, thuộc Sư đoàn 390 (còn gọi là Đại đoàn Đồng Bằng), Binh đoàn Quyết Thắng do Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu chỉ huy. Nhiệm vụ của Trung đoàn là tiến công đập tan tuyến tử thủ Bắc Sài Gòn, chiếm cầu Vĩnh Bình. Tiếp đó, sẽ đánh chiếm Bộ tư lệnh thiết giáp Ngụy ở Gò Vấp và cùng với các cánh quân khác tấn công nhiều cứ điểm trọng yếu của địch, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào trưa ngày 30/4/1975. Theo lệnh của Sư đoàn, Trung đoàn Triệu Hải phải là mũi thọc sâu vào mở cửa Lái Thiêu, đảm bảo thông đường đúng thời gian quy định.

Thế nhưng, khó khăn lớn nhất đối với Trung đoàn lúc này là chưa nắm được địch và tình hình khu vực, trong khi thời gian lại rất gấp. Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu cùng Chính uỷ Trịnh Văn Thư quyết định trực tiếp đi với trinh sát vào quận Lái Thiêu, dựa vào nhân dân để nắm địch.

Sự kiện - Bà má “tham mưu” của Trung đoàn 27 và tượng đài “thành đồng”! (Hình 2).

Má Sáu Ngẫu (thứ ba, từ trái sang) cung cấp tấm bản đồ và hướng dẫn đường tiến quân vào Sài Gòn cho chỉ huy Trung đoàn 27 (Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu, người thứ tư từ trái sang). Ảnh tư liệu. 

Nhớ về ký ức đó, Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu xúc động kể lại: “Khi đoàn quân vào cách Lái Thêu (Bình Dương) khoảng 10km thì được má Sáu Ngẫu – một bà má miền Nam vốn là cơ sở cách mạng ở đia phương trao cho tấm bản đồ chỉ đường để giúp quân giải phóng tiến vào Sài Gòn thuận lợi, tránh được thương vong tổn thất lớn trên trục đường.

Tấm bản đồ này má đã cất công chuẩn bị rất kỹ, ghi lại tất cả những điểm quan trọng trong thành cũng như trên trục đường từ Lái Thiêu về Sài Gòn để chờ trao cho quân giải phóng. Mục đích chính là giúp quân giải phóng tránh được những chỗ địch cài mìn hoặc bố trí tuyến phòng thủ, chốt chặn… Đêm 29/4/1975, má đã tham mưu cho Trung đoàn 27 rất nhiều điều quan trọng trong trận đánh.

Má dặn dò rất tỉ mỉ, ân tình: “Đánh nhanh, chiếm cầu Vĩnh Bình. Phải đánh chiếm thẳng mục tiêu ở Sài Gòn chứ không ham đánh địch dọc đường”.

Tôi có hỏi má là còn cây cầu nào nữa không? Má bảo “còn cầu sắt Lái Thiêu, nhưng xe cơ giới không đi được. Nếu địch phá cầu Vĩnh Bình thì đại quân sẽ không vào được Sài Gòn”. Vì vậy, theo lời dặn của má, chúng tôi quyết định đánh chiếm cầu Vĩnh Bình vào khoảng hơn 9h ngày 30/4. Trong trận tấn công ấy chỉ có hướng đi qua cầu Vĩnh Bình, địch tử thủ rất ngoan cố.

Đánh chiếm cầu Vĩnh Bình, ngoài Trung đoàn 27, có Đại đội xe tăng của tiểu đoàn 66 tăng cường. Dưới sự chỉ huy dũng cảm, mưu trí của Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc, đại đội đã phát huy tối đa sức đột phá của xe tăng. Khi xe tăng của đồng chí Hoàng Thọ Mạc bị hỏng, đồng chí đã nhảy xuống xe, tiếp tục chỉ huy bộ đội chiến đấu, tiêu diệt địch, giành giật với chúng từng mét đường để quân ta tiến qua cầu.

Trong quá trình chiến đấu, đồng chí Hoàng Thọ Mạc đã hy sinh ngay trước lúc quân ta làm chủ cầu Vĩnh Bình.

Đến khoảng gần 10h, mũi thọc sâu của Trung đoàn 27 đã chiếm toàn bộ khu Gò Vấp, xưởng Bộ tư lệnh thiết giáp quân ngụy, Căn cứ 25, 26 truyền tin và Tổng y viện Cộng hòa, làm chủ những khu vực này. Sau đó, Trung đoàn 27 cùng đơn vị khác đánh tiếp các mục tiêu trong nội thành.

Chính tấm bản đồ của má Sáu Ngẫu đã dẫn đường cho Trung đoàn Triệu Hải tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, cùng các đơn vị khác góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước”.

Sự kiện - Bà má “tham mưu” của Trung đoàn 27 và tượng đài “thành đồng”! (Hình 3).

Tượng đài “má Huỳnh Thị Sáu” được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2021).

Ngày ấy và sau này, những người lính quân giải phóng đã gọi “má Sáu Ngẫu” bằng cái tên thân thương là “bà má tham mưu của Trung đoàn 27”. Và cũng ngay sau chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí Hoàng Thọ Mạc đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tấm bản đồ ngày đó được Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu giữ lại làm kỷ niệm và sau này trao tặng lại cho bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Đó là kỷ niệm sâu sắc gắn với cuộc đời chiến đấu của những người lính Trung đoàn 27. Sau ngày giải phóng, nhạc sĩ Văn Thành Nho đã sáng tác bài hát “Tấm bản đồ má trao” chính là câu chuyện cảm động nói về tấm bản đồ ngày ấy.

Sự kiện - Bà má “tham mưu” của Trung đoàn 27 và tượng đài “thành đồng”! (Hình 4).

Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu cùng các đại biểu về dự lễ khánh thành tượng đài “má Huỳnh Thị Sáu” ở Bình Dương.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cho biết: “Rất nhiều năm qua, năm nào tôi cũng về thắp nén hương tưởng nhớ má Sáu Ngẫu. Để ghi nhớ ơn của má, nhân dịp kỷ niệm 46 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 27 đã phối hợp với địa phương và gia đình xây dựng tượng đài “bà má tham mưu” của Trung đoàn ngay tại nơi an nghỉ của má tại phường An Thạnh, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương”.

Tại buổi lễ khánh thành tượng đài, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã tỏ lòng thành kính, biết ơn má Sáu Ngẫu (tên thật là Huỳnh Thị Sáu).

Sự kiện - Bà má “tham mưu” của Trung đoàn 27 và tượng đài “thành đồng”! (Hình 5).

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và phu nhân dâng hoa tri ân bên mộ "má Sáu Ngẫu".

“Tôi trở lại miền Nam dịp 30/4, để tri ân báo đáp má Sáu Ngẫu, tri ân Anh hùng Hoàng Thọ Mạc, tri ân những đồng chí, đồng đội và đồng bào đã hy sinh trong chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng đất nước. Mỗi lần về đây, cảm xúc lại dâng trào trong tôi. Đến nay, sau 46 năm lịch sử, đất nước đã đổi thay, tỉnh Bình Dương cũng đã phát triển về mọi mặt, nhưng những người lính vẫn luôn ghi nhớ tình cảm, công lao mà má Sáu Ngẫu và nhân dân Lái Thiêu đã dành cho Trung đoàn 27 vào thời khắc quyết định ấy. Má Sáu Ngẫu không chỉ là bà má tiêu biểu của Lái Thiêu, mà còn là bà má tiêu biểu của miền Nam thành đồng Tổ quốc!”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu bồi hồi nhấn mạnh.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.