Nhân dịp kỷ niệm 38 năm giải phóng miền Nam (30/4/1975-30/4/2013) và kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống Trung đoàn Triệu Hải Anh hùng, tướng Hiệu cùng phu nhân, Ban Liên lạc cựu chiến binh E27 Đông Nam Bộ và chi hội cựu chiến binh E27 tại Lái Thiêu lại tổ chức dâng hương tại nghĩa trang của tỉnh Bình Dương và mộ má Sáu Ngẫu tại Lái Thiêu (Bình Dương). Nghe tướng Hiệu ôn lại những kỷ niệm trước đây trong trận đánh lịch sử ngày 30/4/1975, tất cả những người có mặt đều rưng rưng xúc động. Chúng tôi chợt nhận thấy, khóe mắt vị tướng cũng ngân ngấn nước, giọng ông nghẹn lại mỗi lần nhắc đến má. Hai con của má cùng cô Hai Mỹ và anh Sáu Châu cũng rất vui khi gặp lại Nguyễn Huy Hiệu.
Từ trái sang phải: Em Phước, Chính uỷ Trịnh Văn Thư, má Sáu Ngẫu, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu và em Đức (ảnh chụp tháng 4/1975).
Anh Phước, con của má kể lại: “Hồi đó tôi mới 17 tuổi, em Đức 14 tuổi, chị Hai Mỹ 24 tuổi, còn anh Sáu Châu thì lớn tuổi hơn. Đêm ngày 29/4/1975, anh Hiệu là trung đoàn trưởng và anh Trịnh Văn Thư là chính ủy trung đoàn Triệu Hải, cùng tổ trinh sát vào bắt liên lạc với cơ sở cách mạng ở búng Lái Thiêu.
Đêm ấy, khi nhận được mật khẩu “Hồ Chí Minh” của các anh nói qua khe cửa, má mừng lắm, liền đáp lại “Muôn năm”! Nhận ra quân Giải phóng, má mở cửa, cầm tay các chiến sĩ kéo vào trong nhà và đóng cửa lại. Dưới ánh đèn dầu, anh Hiệu và anh Thư đưa tấm bản đồ chỉ huy đặt lên bàn. Má đeo kính nhìn mãi không ra. Má bảo “Má không rành tấm bản đồ này, để má vào buồng lấy tấm bản đồ đô thành Sài Gòn mà má đã ghi lại từng địa điểm địch bố trí quân. Má chỉ cho các anh nắm rõ từng vị trí của địch để khi tấn công, ta có thể chủ động. Những điểm má đánh dấu bắt đầu từ búng Lái Thiêu trên trục đường 13 (mà địch gọi là đường Đại Hàn) để thọc sâu vào Sài Gòn.
Má biểu: “Sáng mai khi tấn công, không cần đánh vào trại huấn luyện Huỳnh Văn Lương. Ở đó, có khoảng 2000 tên đang rất hoang mang tư tưởng. Cần đánh thẳng, chiếm cầu Vĩnh Bình, vào Gò Vấp, Lục quân công xưởng, Bộ tư lệnh thiết giáp quân ngụy, Tổng y viện cộng hòa, Căn cứ 25, 26 truyền tin… Anh Hiệu và anh Thư hỏi má những nơi địch cài mìn, đặt vật cản nhiều nhất để khi tấn công sẽ hạn chế được thương vong tổn thất. Rồi, má trao lại tấm bản đồ của má cho các anh”.
Sáng ngày 30/4, theo đội hình thọc sâu bằng bộ binh cơ giới, má bảo má và hai con của má cùng đi trên xe để dẫn đường. Nhưng trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu nói: "Thưa má, hai em Đức và Phước còn nhỏ, má thì lớn tuổi rồi, để Hai Mỹ và Sáu Châu lên xe dẫn đường cho chúng con. Cám ơn má và hai em. Đánh xong, chúng con sẽ quay về thăm má”.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu
Sáng 30/4, chính tấm bản đồ của má Sáu Ngẫu đã dẫn đường cho Trung đoàn Triệu Hải tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân 1975. Trong trận tấn công ấy chỉ có hướng đi qua cầu Vĩnh Bình, địch tử thủ rất quyết liệt. Đánh chiếm cầu Vĩnh Bình, ngoài Trung đoàn 27, có Đại đội xe tăng của Tiểu đoàn 66 tăng cường. Dưới sự chỉ huy dũng cảm mưu trí của Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc, đại đội đã phát huy tối đa sức đột phá của xe tăng. Đồng chí Hoàng Thọ Mạc nhảy xuống xe chỉ huy bộ đội chiến đấu, tiêu diệt địch, giành giật với chúng từng mét đường để quân ta tiến qua cầu. Hoàng Thọ Mạc đã hy sinh trước lúc quân ta làm chủ cầu Vĩnh Bình. Với chiến công ấy, Hoàng Thọ Mạc đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngay sau chiến dịch.
Trưa 30/4, Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc, Sài Gòn được giải phóng hoàn toàn. Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu mở tấm bản đồ của má Sáu Ngẫu ra cho anh em trong Trung đoàn xem. Ai cũng bảo chữ má đẹp quá. Sau này có người cho biết, má Sáu là giáo viên dạy tiếng Pháp của một trường tiểu học ở Sài Gòn. Gia đình má di cư từ Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh vào trong đó.
Vậy là ngay cái buổi chiều lịch sử ấy, trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu cùng một số anh em trong trung đoàn đánh cái xe Jép chiến lợi phẩm trở lại Lái Thiêu thăm và cảm ơn má Sáu như đã hứa. Má Sáu cùng nhiều bà con Lái Thiêu ùa ra đứng quanh chiếc xe chào đón những người lính Giải phóng. Má và bà con hái tặng những người lính Giải phóng rất nhiều trái cây.
Sau này, cứ đến dịp 30/4, Nguyễn Huy Hiệu lại vào thăm má và các gia đình chính sách của địa phương. Tháng 8/1989, thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đang đi công tác nước ngoài thì má mất. Khi về, tướng Hiệu đã nhờ người khắc bia đá ở Thanh Hóa, rồi tự tay mang vào Bình Dương và cùng gia đình xây phần mộ cho má. Tấm bia ghi rằng: “Đại đoàn Đồng Bằng/ Trung đoàn 27 Triệu Hải - Anh hùng/ Ghi ơn bà má Sáu Ngẫu đã chỉ đường cho trung đoàn vào giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975”.
Năm nay, ngoài tướng Hiệu và gia đình còn có cả đoàn cựu chiến binh E27, chính quyền địa phương cũng tổ chức tri ân má. Các con của má nghẹn ngào nói: “Chúng em xúc động quá. Ngần ấy năm trời mà chưa bao giờ các anh quên nghĩa tình. Các anh vẫn gọi má em là “bà má tham mưu” của Trung đoàn!”.
Tấm bản đồ ngày đó được trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu gìn giữ rất cẩn thận và sau này ông trao tặng cho Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam. Cứ đến dịp kỷ niệm 30/4, chiến sĩ các thế hệ trung đoàn 27 lại kể cho nhau nghe câu chuyện năm xưa về má Sáu Ngẫu. Trải qua chiến đấu và nhiều năm tháng, đến nay tấm bản đồ không còn được nguyên vẹn, nhưng đó vẫn là kỷ niệm sâu sắc gắn với cuộc đời chiến đấu của những người lính trung đoàn 27 - trung đoàn Triệu Hải anh hùng và nó vẫn khắc sâu trong ký ức của người Trung đoàn trưởng năm xưa, nay đã là viện sĩ - thượng tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu.
Văn Minh - Nguyễn Hường