Bà Mai Kiều Liên sinh năm 1953, là một nữ doanh nhân Việt Nam, chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam ( Vinamilk ), là người Việt Nam duy nhất trong số 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á bình chọn bởi Forbes.
Bà sinh ra tại Pháp, được đào tạo tại Moscow. Bà cho biết: 'Khi tôi đi học đại học, nhà nước cử tôi đi học, hồi đó còn chiến tranh nên tôi không được chọn ngành, nhà nước chỉ định ngành mình học. Khi thi đỗ đại học thì nhà nước mới phân công ngành mình học. Hồi đó đi học ở Nga, và khi sang đó tôi mới biết mình học ngành gì'.
Năm 1976 bà quay về Việt Nam. Bà gia nhập công ty Sữa - Cà phê miền Nam, tiền thân của Vinamilk do nhà nước quản lý. Khởi nghiệp với tấm bằng kỹ sư công nghệ chế biến sữa, qua nhiều năm bà đã vươn lên để trở thành người lãnh đạo cao nhất của Vinamilk , đóng góp rất lớn trong việc xây dựng Công ty Sữa Việt Nam có được vị thế như hiện nay. Bà có quan điểm bảo thủ về tài chính, tránh vay mượn, đòn bẩy.
Bà Liên chèo lái Vinamilk ra thị trường quốc tế, công ty hiện xuất khẩu sang 23 quốc gia. Hiện nay, Vinamilk là một trong những thương hiệu có lợi nhuận cao nhất và cổ phiếu blue - chip tại Việt Nam có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng ổn định kể từ khi niêm yết năm 2006. Vinamilk đạt 23% tăng trưởng doanh thu năm 2012 với 1,3 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế tăng gần 40% đạt 280 triệu USD.
Trả lời phỏng vấn của BBC, bà Liên đã bày tỏ tham vọng muốn 'Vinamilk sẽ trở thành tập đoàn đa quốc gia và sẽ đạt doanh số 3 tỷ USD vào năm 2017. Sẽ có những trang trại lớn để 2017 sẽ tự túc 40% nguyên liệu từ bò trong nước, giảm bớt nhập khẩu nguyên liệu nước ngoài'.
Khi bàn về vấn đề kinh tế, dưới cương vị là một doanh nhân, bà cho biết: Từ 1976 – 2003 có sự chuyển biến lớn của công ty cũng như kinh tế trong nước từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường. 2003 - nay, kinh tế có bước phát triển nhảy vọt. Với kế hoạch phát triển kinh tế tập trung, công ty sẽ sản xuất theo yêu cầu của nhà nước.
Khi chuyển sang kinh tế thị trường, các công ty được tự chủ, công ty tự quyết chiến lược dài hạn theo nhu cầu người tiêu dùng, theo kinh tế thị trường. Hồi đó là một thách thức khá lớn cho bà cũng như công ty. Và công ty đã trải qua nhiều khó khăn mới đạt được thành công như ngày hôm nay.
Tuy nhiên, do xuất phát điểm cao nên tốc độ tăng trưởng cao nhưng quốc gia nào cũng phải trải qua thời kỳ thấp mới lên cao được. Trong thời kỳ vừa qua, tốc độ tăng trưởng của Việt nam cao do đà tăng trưởng mạnh của thế giới. Hơn nữa, do Việt Nam nhìn thấy một hướng đi rõ ràng đê phát triển kinh tế, dù phát triển chậm nhưng có thể tiến kịp kinh tế thế giới.
Đổi mới kinh tế phải tiến hành liên tục, không thể dừng. Trong khi cả thế giới khủng hoảng thì Việt Nam vẫn có GDP phát triển dù nó chậm lại. Nguyên nhân là do Việt Nam liên tục tiến hành đổi mới, không ngừng, diễn ra hàng năm, liên tục.
Cuộc sống riêng của bà không mấy ồn ào - bà thường xuyên tập yoga, đi bơi, và thỉnh thoảng đi du lịch cùng chồng. Bà Liên nói không thuê người giúp việc mà tự làm lấy việc nhà, và 31 năm nay vẫn chỉ sống trong ngôi nhà ở Sài Gòn.
Theo tạp chí Corporate Governamce Asia (Hong Kong) thì bà là một trong những lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam lọt vào danh sách 'Những CEO thành công nhất châu Á 2012'. Vinamilk được cho là ứng viên có thể lọt vào danh sách Fab 50 (50 công ty niêm yết lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương do Forbes châu Á bình chọn).
Theo Thanh Thảo (Tri thức trẻ)