Sau Sea Games 26 thi đấu đặc biệt xuất sắc mà vẫn chỉ có thể đoạt tấm HCB (thứ 4), Lê Thị Phương đã quyết định chia tay ĐTQG để tập trung cho thiên chức làm mẹ, làm vợ. Đúng 1 năm sau, chị lại lên tuyển, chỉ khác là lần này thực hiện vai trò của một HLV phụ tá cho chuyên gia ngoại.
Lê Thị Phương miệt mài tập luyện
Hoàn toàn chuyên tâm cho việc làm thầy, nhưng nghiệp VĐV hãy còn bám chặt lấy chị. Nhảy sào nữ không bói đâu được nhân tố mới, trong khi Phương vẫn duy trì được thể lực và thành tích quá tốt. Từ đó, các nhà quản lý, huấn luyện đã ra sức thuyết phục cựu binh xứ Thanh trở lại, làm nốt nhiệm vụ ở Sea Games 27.
Lúc đầu chị cũng trăn trở lắm, bởi nếu làm tuyển thủ, việc tập luyện và thi đấu liên tục chắc chắn sẽ làm cuộc sống đảo lộn, gây khó khăn cho sinh hoạt, nhất là khi lại đang nuôi con nhỏ. Nhưng cuối cùng, niềm đam mê cùng sự động viên của chồng lẫn mẹ chồng đã giúp chị có thể tự tin trở lại, yên tâm cố gắng... nốt lần này.
Với nỗ lực cao độ cùng sức vóc sẵn có, Phương đã nhanh chóng lấy lại gần như nguyên vẹn đẳng cấp hàng đầu. Thông số trong những buổi tập của Phương đã thường xuyên chạm đến cột mốc cao nhất và duy trì một mức ổn định trên dưới 4m80.
Chứng kiến những gì Phương thể hiện, ngay cả những chuyên gia ngoại khó tính cũng phải hài lòng, đồng thời dự báo cô học trò cưng có thể giành HCB, thậm chí là HCV tại Sea Games 27. Niềm tin càng trở lên lớn hơn khi đối thủ chính của Phương, Roslinda Samsun (Malaysia) bất ngờ xin rút lui vì chấn thương.
Trong trường hợp không phải đối đầu với Samsun, nhà ĐKVĐ nội dung nhảy sào nữ ở 3 kỳ Sea Games gần nhất, Phương chỉ cần vượt qua mức sào 4m80 là có thể nghĩ đến tấm HCV khu vực đầu tiên trong sự nghiệp. Trong khu vực Đông Nam Á, ngoài Phương và Samsun, không ai có thể vượt qua mức xào 4m80.
Nếu Phương đoạt HCV thì đó có thể coi là phần thưởng xứng đáng với những nỗ lực của bà mẹ một con này, đồng thời cũng là món quà chia tay thực sự ấn tượng. Tất cả đều đứng sau lưng và cổ vũ cho Phương và cô giữ phong độ tốt nhất.
Lâm Anh