Cách đây không lâu, chị Dương Thanh Nga, tác giả cuốn sách "Mẹ sẽ không để con ở lại" khiến nhiều bà mẹ khâm phục khi con chị mới 2 tuần tuổi chị đã đưa bé ra ngoài để "chào hỏi cuộc đời", khám phá cuộc sống. Mới đây nhất, dù đang mang thai bé tiếp theo, nhưng chị Nga vẫn tiếp tục hành trình của mình.
Chị Nga chia sẻ: “Những ngày sắp sinh này dù vẫn đi đường ngắn, nhưng hay nằm mơ những chuyến rong ruổi dài, qua những cung đường uốn lượn, những cánh đồng vàng, những dãy núi trắng. Liam (con trai) bảo vài bữa nữa mẹ sinh em bé xong, mình lại kéo vali bỏ vô cốp xe đẩy vào khách sạn nữa nha. Tôi rất muốn xách balo lên và đi ngay sau khi sinh con. Vì từ chuyến đi trước tôi đã có nhiều kinh nghiệm”.
Đối với chị Nga, mỗi chuyến đi không chỉ giúp chị được khám phá mọi điều trong cuộc sống mà chị còn tích lũy nhiều kinh nghiệm để có được một chuyến cắt giảm tối đa các chi phí mà vẫn thú vị đúng nghĩa.
Dưới đây là những nguyên tắc vàng chị Dương Thanh Nga bật mí với những bạn có cùng sở thích xê dịch:
1. Mở cửa cho những lời chào mời đến với bạn. Đăng kí nhận email miễn phí tại một số trang web hàng không, tour trọn gói mà bạn quan tâm. Khi ấy không cần phí thời gian tìm kiếm, bạn sẽ là người đầu tiên biết những thông tin khuyến mãi mà đôi khi giá trị tác dụng hấp dẫn của nó tính từng giây.
2. Tuyệt đối tránh những mùa cao điểm, các ngày cuối tuần khi mà giá cả khách sạn đều tăng 10% - 20%, thậm chí đến 50%. Kinh nghiệm đau thương của tôi khi đặt vé máy bay đi Warsaw (Ba Lan) mà quên nhìn lịch rằng đó là ngày Chủ nhật nên xe buýt đến sân bay chỉ có 1 chuyến thay vì 10 chuyến như những ngày trong tuần (và không trùng với giờ bay). Kết qủa là tôi phải bấm bụng đi taxi ra sân bay với giá đắt hơn gấp 5 lần.
3. Lên kế hoạch sẽ giúp bạn nhanh chóng quyết định việc mua vé. Khi mua vé tàu xe, đặc biệt là vé máy bay, cần chú ý đến vị trí bến dừng, địa điểm phi trường vì đôi khi chi phí đi lại đến sân bay đắt hơn nhiều lần tiền vé máy bay.
4. Một số hãng máy bay giá rẻ thường tính thêm tiền vào những khoản khác. Trong trường hợp này nếu chọn check in trên mạng và chỉ mang hành lý xách tay thì bạn sẽ không bị tính thêm phí. Nếu có hành lý kí gửi bạn nên chuẩn bị sẵn một cái túi không để nếu nhỡ có quá kí thì có thể nhanh chóng lấy một ít đồ ra đóng gói lại.
5. Luôn để ý đến xe đạp: Vừa vui, vừa tiện lại rẻ, đôi khi miễn phí như ở Copenhagen (Đan Mạch). Hay ở Amsterdam (Hà Lan), xe đạp là phương tiện phổ biến nhất với giá thuê 10 USD/ngày, rẻ hơn nhiều so với xe buýt và taxi.
6. Mua sắm và ăn uống tại những khu vực chợ, siêu thị nhỏ, xa khỏi trung tâm và những điểm tham quan chính một chút. Luôn hỏi cẩn thận trước khi ngồi xuống ăn nếu không muốn gặm cá mắc xương. Rẻ nhất là mua đồ ở chợ hay siêu thị và làm một cuộc picnic tại công viên, bờ biển, lại có thể tận hưởng thiên nhiên trong lành.
7. Đổi tiền ở những ngân hàng địa phương hoặc trong thành phố sẽ lời hơn đổi tiền ở sân bay. Trước khi bạn đi hãy tìm hiểu kĩ về phí giao dịch chuyển đổi của ngân hàng nơi bạn đăng ký thẻ.
Hãy tận dụng trả tiền bằng thẻ tín dụng vì thường thường tỷ giá chuyển đổi thấp nhất và tránh khỏi những nguy hiểm khi cầm tiền mặt nhiều. Ở một số nước, thuế giá trị gia tăng được bao gồm trong tất cả những thứ bạn mua, nhưng chỉ có tác dụng đối với người địa phương. Do đó bạn có thể lấy lại tiền hoàn thuế nếu giữ các hóa đơn.
8. Dù giá phòng khách sạn đã ghi nhưng bạn vẫn có thể thương lượng để có cơ hội được giảm hơn nữa hoặc những ưu đãi khác như buffet, ăn sáng…Vào mùa thấp điểm, nếu bạn đến khách sạn từ 4-6h chiều, khi mà họ đang muốn lấp đầy những phòng trống. Bạn hãy nói với họ rằng bạn sẽ trả bằng tiền mặt và sẽ ở ít nhất 3 đêm, cơ hội được giảm giá của bạn càng cao.
9. Tận dụng thẻ “Pass” tại mỗi thành phố tham quan.
10. Để gọi điện thoại quốc tế, bạn có thể mua từ nhà những loại thẻ trả trước.