Phát hiện con có những dấu hiệu bất thường, chị Nguyễn Như Mai (36 tuổi, Hà Nội) đưa con đi khám thì được bác sĩ thông báo cậu con trai 3,5 tuổi bị rối loạn tăng động, giảm chú ý. Ngoài những phương pháp giúp cậu con trai tập trung chú ý mà bác sĩ đưa ra, bé nhà chị cần phải sử dụng thuốc điều trị hàng ngày.
Với những đứa trẻ bình thường khi bị ốm, việc cho trẻ uống thuốc đã là một việc cực kỳ khó khăn. Còn với một đứa trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý thì việc cho con uống thuốc trở thành “cực hình” đối với chị Mai.
Chị Mai tâm sự: “Tôi phải mất cả ngày mà chính xác là mất 2,5 ngày để cho cậu con trai uống thuốc. Theo bác sĩ dặn dò thì loại thuốc dành cho bé khi uống không được nhai, phải nuốt chửng cả viên và phải uống vào giờ cố định. Nhưng do con là cậu bé bị tăng động nên khá ương bướng, không chịu nghe lời và liên tục chống đối”.
Lần đầu cho con uống thuốc, chị Mai sử dụng phương pháp phân tích cho con và khuyên bảo con tác dụng của thuốc. Nhưng vì con còn quá nhỏ nên con chưa hiểu được tầm quan trọng của việc uống thuốc và không chịu nghe lời.
Lúc này, cả nhà chị Mai bàn bạc nghĩ ra cách đè con ra và ép con phải nuốt viên thuốc. Nhưng khi viên thuộc vào được đến cuống họng, cả nhà vui mừng tưởng chừng như đã thành công thì con lập tức nôn ra ngay.
“Tôi chưa bao giờ cảm thấy chật vật như vậy, huy động 6 người hỗ trợ cho con uống thuốc mà cũng không được. Con thì liên tục la hét, ăn vạ và nôn trớ. Tôi càng nhìn càng xót”, chị Mai kể.
Biết rằng, chẳng thể ép buộc bé uống thuốc bởi càng ép con càng chống đối. Chị Mai cho con sang nhà bạn chơi trò bác sĩ thăm khám bệnh nhân nhưng trước đó con đã bị ép phải uống thuốc thành ra cách này không hiệu quả. Con không uống thuốc, bệnh tình sẽ không thể đỡ được, nghĩ vậy, chị Mai sinh ra stress nặng.
Chị kể: “Hôm đó, tôi xin nghỉ làm, từ dỗ dành, nói chuyện với con về mục đích của việc uống thuốc đến dọa nạt con từ sáng sớm đến trưa mà con vẫn bất hợp tác. Con không hề chú tâm vào những gì tôi nói, tôi làm. Lúc này, tôi không giữ được bình tĩnh mà gào lên quát tháo, đe dọa con và còn đánh con nữa. Sau đó, tôi ngất lịm đi”.
Đến khi tỉnh lại, chị thấy bé con ngồi bên cạnh nhìn mẹ. Chị ôm chầm lấy bé, nước mắt lại rơi vì thương con mà không biết làm thế nào. Chị Mai cứ vừa ôm con vừa nói: “Con cần phải uống thuốc thì con mới khỏe được. Viên thuốc này sẽ không làm con đau đâu, nó cũng không đắng. Con chỉ cần đặt nó vào cuống lưỡi và uống nước vào, viên thuốc sẽ trôi đi. Mẹ biết con trai mẹ làm được mà. Con cứ không nghe lời thế này mẹ sẽ ốm mất. Con có thương mẹ không?”.
Bằng những lời thủ thỉ, tâm sự, cuối cùng cậu con trai chị Mai cũng đồng ý uống thuốc. Tối hôm đó, bé uống thuốc một cách dễ dàng. Chị vui mừng gọi điện khắp nơi khoe ông bà, bạn bè thì bé bảo: “Mẹ không cần khoe đâu. Có mỗi việc uống thuốc thôi mà, đơn giản”. Trước khi đi ngủ, bé còn dặn mẹ: “Sáng mai mẹ nhớ gọi con dậy đúng giờ để uống thuốc”.
Cuối cùng cũng trút được gánh nặng, chị Mai mong bệnh tình của con sẽ có tiến triển tốt. Qua những ngày vật lộn với việc cho con uống thuốc, chị Mai khuyên các mẹ: “Hãy tập cho con cách uống thuốc càng sớm càng tốt, đừng chờ đến khi con có bệnh mới tập cho con. Ngoài một số mẹo như cho thuốc vào quả chuối, cháo, sữa thì với những viên thuốc bắt buộc phải nuốt cần phải huấn luyện cho các con bằng cách tập uống dạng thuốc vitamin, thuốc bổ…
Bên cạnh đó, các mẹ cũng cần hướng dẫn con tập nuốt, việc này khá đơn giản nhưng cũng khá khó với những bé nhát.
Ngoài ra, tôi nhận ra một điều không nên gượng ép con, hãy giúp con hiểu việc uống thuốc là giúp con sức khỏe con tốt hơn. Việc cha mẹ nôn nóng sốt ruột ép con uống tạo rào cản khiến con không chịu tiếp nhận và sẽ chống đối một cách kịch liệt. Hãy dùng tình yêu thương giúp con hiểu rằng việc cha mẹ cho con uống thuốc là muốn tốt cho con”.
Phong Linh