Trò chuyện với PV báo Người Đưa Tin, mới đây tác giả cuốn sách Mẹ sẽ không để con ở lại, chị Dương Thanh Nga đã có những chia sẻ thú vị về hành trình cùng con đi khắp thế gian.
Chào chị! Ý tưởng chu du cùng cậu con trai nhỏ tuổi đã được chị “thai nghén” từ khi nào?
Từ khi còn là học sinh, sinh viên, tôi đã rất ham đi. Thầy tôi bảo, chắc tại chân tôi có cái nốt ruồi. Trong thời gian học thạc sĩ ở Thuỵ Điển, tôi cũng thường thực hiện các chuyến đi quanh châu Âu.
Sau đó tôi cùng chồng về Bắc Kinh làm việc, rồi tiếp tục sang Mỹ. Một thời gian dài tôi cứ trì hoãn chuyện có bầu, vì tôi sợ khi có con rồi mình sẽ "đầu bù tóc rối" cả năm với bỉm sữa. Tôi sợ cái chân có nốt ruồi của tôi sẽ không được tung tăng đi bất cứ nơi nào nó muốn.
Tôi không muốn sinh con ra phải giam mình nhìn ngó 4 bức tường suốt ngày. Khi biết mình mang thai tôi đã đặt hàng ngay với ba mẹ: "Ông bà nuôi cháu giúp con đi nhá, con còn bận rộn đi chỗ này chỗ nọ, không xách nó theo được đâu". Nhưng đến lúc sinh xong rồi không hiểu sao lại chẳng buông được tay, xa con chẳng đặng. Nên tôi không gửi được ai lấy một ngày. Tôi không muốn xa con, nhưng tôi cũng không muốn nghỉ làm, ngừng đi và thôi nhìn ngắm thế giới.
Nhiều người cho rằng: Bé con miệng còn hôi sữa thì biết gì mà “cảm nhận thế giới”. Tôi thì nghĩ ngược lại. Trẻ em được “quăng” vào một thế giới phong phú bên ngoài sẽ có tư duy và giác quan tốt hơn những trẻ em bị bó hẹp trong khuôn khổ nhất định. Lý thuyết này càng thôi thúc tôi địu con đi mọi nơi. Tính thích nghi, khả năng quan sát và tư duy của con nhờ thế cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Vì con nhìn thấy cuộc sống làm từ rất nhiều thứ. Những thứ rất thật, chứ không phải trong tranh.
Nhiều người cho rằng, chị đã đi ngược lại quan điểm của các cụ thời xưa “gái đẻ phải kiêng cữ”, chị nghĩ thế nào?
Tôi nghĩ kiêng cái gì mà làm cho mình khoẻ mạnh thì nên kiêng, ví dụ như mang thai hay không thì tôi cũng vẫn kiêng dầu, mỡ, muối, đường, phụ gia, hoá chất... Nhưng một số chuyện kiêng cữ khác hoàn toàn không có căn cứ.
Mình vận động cho con nó tập theo, tôi vẫn vác bụng bầu hàng tháng bay đi công tác, vẫn đạp xe đạp đi làm đến tuần hai mươi hai, vẫn đi bơi và chạy bộ đến tận ngày sinh.
Hai ngày sau khi sinh xong, bác sĩ bảo tôi: “Sao không đi tắm cho thoải mái!”, trong khi nhiều người chúng ta vẫn còn giữ tư tưởng “kiêng nước” cả tháng.
Hay như chuyện mới sinh thì phải kiêng đi lại, phải nằm cữ trên giường. Cũng như bao nhiêu bà mẹ trẻ khác, mới đầu tôi khá lo lắng về việc khi nào thì có thể bắt đầu dẫn con ra khỏi nhà, khi nào thì bản thân mình mới có thể đi siêu thị và dạo công viên trở lại. Mấy người bạn “từng trải” chuyện sinh đẻ trước tôi đều kể rằng họ nằm “kiêng cữ” trên giường ít nhất 1 tháng, có người cả 2-3 tháng.
Tôi đem băn khoăn trải lòng với bác sĩ, bác sĩ nói ngay: “Không có lý do khoa học gì để một em bé và bà mẹ khoẻ mạnh trốn núp cuộc sống tươi đẹp ngoài kia cả”. Không khí trong lành và thay đổi nhịp độ hoạt động đều tốt cho cả mẹ và bé.
Chị có thể chia sẻ về hành trình chu du khắp thế gian mà chị cùng con trai bé nhỏ mình đã chinh phục?
Tôi nhớ có lần tay xách đồ, nách mang con ra sân bay Istanbul lúc 5h sáng, cãi nhau mỏi mồm với British Airlines vì họ không tìm thấy tên của con trong hệ thống. Lóc cóc đẩy hành lý đi kiếm khách sạn khác. Ở lại thêm Istanbul 1 ngày. Dù tôi có yêu quý Istanbul đến nhường nào, thì bụng tôi vẫn bực bội ấm ức vì toàn bộ các kế hoạch bị đảo lộn. Phải mua vé mới để có thể bay vào ngày hôm sau.
Một chuỗi các sự kiện đã được lên lịch (chỗ ở, xe cộ di chuyển, công việc....) bị hủy bỏ theo hiệu ứng Domino. Mất thời gian 2 tháng kiện tụng hãng hàng không, dù họ đã đền bù lại tiền vé nhưng cũng không bù hết được lượng tâm trí, thời gian, sức lực, tiền bạc cho một lần lỡ chuyến.
Lần khác vào nhà hàng thì con tôi quơ quẹt tay sao làm đổ hết ly nước xuống quần. Tôi quên đem quần sơ cua theo cho bé. Con tuột cái quần ướt ra, lổm nhổm muốn đứng ra khỏi bàn và chạy đi, còn tôi chỉ vừa mới bắt đầu đụng đũa. Con khóc to như loa phát thanh, mọi người trong quán đều ái ngại nhìn tôi, môi đang mím chặt, mặt tái đỏ, hùng hục "xách" một cậu bé hơn một tuổi trên người không mặc quần và đang gào thét. Tôi chỉ muốn chui xuống đất.
Nói là nói thế, nhưng phần lớn đi chung với con, tôi hưởng lây sự chú ý và gặp được một số lượng đáng kể những người tốt bụng xa lạ trên đường. Con thu thập được kha khá quà. Đó là bịch bánh từ hai bố con đang đi dạo trong công viên, quyển sổ lưu niệm có in hình Istanbul của lão già bán hàng rong trên phà, cái nón đỏ của một cô đứng đợi mua bánh mì. Và không đếm hết những nụ cười nựng yêu của những người vừa vụt qua và đi mất.
Về nhà con “tương tư” cả những người bạn chỉ gặp một lần trong đời. Thỉnh thoảng con hay ôm lấy xấp ảnh tôi chụp, chỉ vô: “Thích bạn ý!”. Những “bạn ý” của con đủ mọi màu da, có đủ kiểu tóc, từ xoăn đến thẳng, từ ngắn đến dài, đến chỉ loe ngoe vài cọng, nói đủ mọi thứ tiếng, những tình bạn chỉ mới chớm nở mà con còn quá nhỏ để xin số điện thoại hay email.
Quyết định đưa con trai mới 7 tuần tuổi đi đến để trải nghiệm tại những vùng đất xa lạ chị đã gặp những rào cản gì từ gia đình?
Nói chung những người can ngăn việc tôi đeo con đi lung tung thì nhiều lắm. Hàng xóm, đồng nghiệp, người thân, người dưng tôi không kể hết, ai cũng bảo tôi điên.
Lần đấu tranh tư tưởng dài nhất là khi tôi phải đi công tác Romania 2 tháng khi Liam 15 tháng tuổi. Ông bà bảo thay đổi khí hậu con sẽ trở bệnh cho mà xem. Sếp ngần ngại: “Xách con theo thì cô làm việc thế nào?”. Chồng tôi bảo: “Ai sẽ chăm con lúc em đến văn phòng?”. Tôi cũng muốn bỏ cuộc để con ở nhà cho rồi. Phân tích A, B, C, D thế này thế kia, gạch đầu dòng tới lui cân nhắc được và mất kiểu này kiểu nọ.
Nhưng chục lần như một, không lần nào và không lý lẽ nào thắng nổi một mệnh đề duy nhất: "Tôi nghĩ con chỉ lớn lên chứ không bao giờ quay nhỏ lại, và tôi không muốn mất đi hay vắng mặt trong những lần-đầu-tiên của con".
Cảm ơn chị về những chia sẻ thú vị trên!
Xem thêm:
Em không còn chênh vênh ở tuổi 27
Người đàn bà ép dẻo bằng bàn ủi cổ và ước mơ cho con vào đại học
M.Thu