Tiếng con thơ khóc đòi mẹ, tiếng chồng gọi vợ trong nỗi đau xé lòng, khiến vùng quê nghèo bên sông Gò Trâu buồn lặng...
Tai họa bất ngờ
Sáng 30/12, chúng tôi tìm về ngôi làng nhỏ Thạch Tân, xã Tam Thăng, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Con đường nhỏ độc đạo dài hơn 2km từ quốc lộ 1A đi về thôn Thạch Tân những ngày thường vốn đã hiu hắt, không có một bóng người qua lại nay lại càng thưa thớt. Từ xa, chúng tôi đã nhìn thấy những ngọn nêu được làm từ những thân tre già chắc chắn trồng bên dòng sông Gò Trâu, báo hiệu một bầu không khí tang tóc đang bao trùm ngôi làng nhỏ chưa đầy 100 nóc nhà này.
Gặp chúng tôi, ông Huỳnh Kim Ta, Trưởng thôn Thạch Tân nghẹn ngào trong nước mắt: “Đau đớn quá các chú ơi. Từ ngày hòa bình lặp lại, gần bốn chục năm nay, chưa khi nào ở thôn Thạch Tân cùng một lúc ba ngôi nhà liền kề nhau phải cùng chứng kiến nỗi tang thương như thế này. Cũng chưa bao giờ những người dân nghèo ở đây phải đưa đám tang người này rồi vội vã quay về để kịp đưa đám tang người khác trong một ngày. Cùng lúc, tại thôn Thạch Tân, có 3 ngôi nhà liền kề nhau phải chứng kiến nỗi tang thương...”.
Bà Loan (quần hoa) thẫn thờ bên thi thể em gái.
Chúng tôi kịp mở lời động viên an ủi, trước sự việc quá đau lòng đó ông Ta tiếp lời: “Cũng giống như rất nhiều địa phương khác ở Quảng Nam, bà con ở đây cũng đang cấp tốc chuẩn bị đồng ruộng, giống lúa để có thể gieo cấy vụ xuân hè cho đúng tiến độ. Rất nhiều hộ gia đình do thiếu lao động nên phải thuê mướn người khác về làm cho kịp con nước.
Sáng 27/12, ông Phạm Công Đường, ngụ thôn Mỹ Cang, xã Tam Thăng, TP. Tam Kỳ điều khiển chiếc ghe nhỏ đưa 8 người phụ nữ vượt sông Gò Trâu (một nhánh của sông Bàn Thạch) cho kịp giờ đi cấy lúa thuê. Do chở quá tải nên chiếc ghe nhỏ bị lật chìm dưới sông. Do biết bơi, ông Đường và 5 người phụ nữ đi trên ghe thoát nạn. Còn lại 3 phụ nữ gồm: Trần Thị Phượng (SN 1963), Trần Thị Lanh (SN 1963) và Trần Thị Yến (SN 1961), cả 3 đều trú tại thôn Thạch Tân do không biết bơi nên thiệt mạng”.
Nói về hoàn cảnh của những nạn nhân trong vụ lật ghe, ông Ta cho biết: “Tất cả những nạn nhân mất trong vụ lật ghe này đều có hoàn cảnh rất đặc biệt. Ai cũng nghèo khó nên phải đi làm thuê làm mướn cho người khác mưu sinh kiếm sống. Lúc đi thì mong có việc làm, lúc về thì là nắm tro tàn. Chẳng ai cầm được nước mắt khi chứng kiến những cảnh đó”.
Gặp chúng tôi trong đám tang của nạn nhân Trần Thị Phượng, chị Nguyễn Thị Lâm ( SN 1971, ngụ thôn Thạch Tân, Tam Thăng, TP. Tam Kỳ), người có mặt trên chuyến đò kinh hoàng đó nhưng may mắn sống sót, nhớ lại thời khắc kinh hoàng trước khi chiếc ghe chìm dưới đáy sông, cướp đi mạng sống của ba người phụ nữ khốn khó: “Tôi ngồi phía cuối ghe. Mấy chị em đang chuyện trò vui vẻ thì nước tràn vào trong lòng ghe rồi chìm hẳn xuống. Tất cả chúng tôi đều nhảy ra khỏi ghe và cố gắng bơi vào bờ”.
Ông Đoàn Anh Diệm, người chứng kiến vụ tai nạn thương tâm đó chen ngang: “Khi nghe thấy tiếng kêu cứu của những nạn nhân đang chấp chới giữa dòng nước lạnh các ông Trần Văn Dũng, Trần Văn Quới và Phạm Minh Đinh (cùng ngụ thôn Mỹ Cang, Tam Thăng-PV) đã lao mình ra dòng nước dữ cứu người. 5 người phụ nữ may mắn được cứu sống... Chiếc ghe ấy chỉ để chở 2 người, nhưng lại chở tới 8 người nên mới gây ra thảm cảnh này. Toàn bộ 8 phụ nữ đi cấy thuê tại cánh đồng Đùi bên kia sông Gò Trâu. Khi đến giữa sông do chiếc ghe chở quá nặng và vượt số người quy định nên ghe bị lật khiến toàn bộ 9 người trên ghe rơi xuống sông. Rất may 6 người sống sót còn ba người là Phượng, Yến và Lanh chắc do mặc áo mưa, mang đôi ủng trong chân nên bơi không được và chết đuối”.
Anh Tuyến thẫn thờ khi mất đi người vợ tảo tần của mình.
Những người phụ nữ nhịn ăn tiết kiệm tiền
Trong gian nhà có mùi hương khói nghi ngút, bà Lê Thị Vận, vẫn không tin rằng mình có thể may mắn thoát chết nhớ lại, mấy ngày trước, bà cùng mấy chị em nhận thông tin được mướn đi cấy lúa thuê với số tiền 140 ngàn một ngày công. Cùng cảnh nghèo với nhau, nên ai cũng nhẩm tính sẽ để ra được một số tiền kha khá để dành sắm sửa cho mấy ngày Tết Giáp Ngọ sắp tới. Thế nhưng chẳng ngờ ba chị em phải bỏ mạng dưới đáy sông lạnh lẽo khi bấm bụng nhịn đói đi làm.
Ngồi cạnh bà Vận, bà Trần Thị Loan (SN 1949) dù may mắn thoát chết trong vụ lật ghe, nhưng bà vẫn chưa hết kinh hoàng khi tử thần đã kịp cướp đi mạng sống của cô Trần Thị Yến em gái bà. Hai chị em bà sống cùng nhau trong căn nhà cũ, xập xệ theo năm tháng vẫn chưa có tiền tu sửa. Sáng hôm đó khi có người thuê cấy, hai chị em bà Loan chỉ kịp nhét vô bụng chén cơm nguội với nước mắm cho chắc dạ rồi xuống ghe để kịp giờ.
Bà Loan kể: “Được mọi người cứu lên bờ, chẳng thấy nó đâu (tức cô Yến), tôi nhờ mọi người xuống tìm. Nó vốn chẳng có chồng con gì, sống nương tựa với tôi, ngày ngày làm thuê cho người ta kiếm sống qua ngày. Chẳng ngờ phúc nó mỏng, bạc phận”. Mấy ngày hôm nay, bà Loan chưa thôi gào khóc gọi tên em gái mình. Bà thầm trách tử thần tại sao không gọi tên mình mà lại gọi tên em gái côi cút của mình. Bà tâm sự: “Khi đi thì có chị có em. Khi về thì nó bỏ tôi lại một mình”.
Trong ngôi nhà nhỏ của nạn nhân Trần Thị Phượng cách nhà bà Loan mấy bước chân, chúng tôi chứng kiến cảnh mẹ chồng chị Phượng đang gào khóc gọi tên đứa con dâu xấu số bên chiếc quan tài đã đóng chặt nắp. Lúc nghe tin dữ vọng về, bà không muốn tin đó là sự thật dù tận mắt chứng kiến thi thể chị Phượng được chuyển về nhà.
Bà không muốn chứng kiến cảnh con bà mất vợ, ba đứa cháu nội của mình phải chịu cảnh mồ côi mẹ khi chúng còn quá nhỏ. Trong góc phòng mấy ngày hôm nay anh Tuyến (SN 1971, chồng chị Phượng) con trai bà ngồi thơ thẩn ôm mấy đứa con nhỏ đang khóc đòi mẹ vào lòng, đôi mắt vô hồn hướng về phía bàn thờ nghi ngút hương khói nơi đặt di ảnh của chị Phượng, phó mặc chuyện ma chay của chị Phượng cho họ hàng giúp đỡ. Nỗi đau quá lớn, khiến những giọt nước mắt cứ chực trào ra khi có ai hỏi về vợ mình. Nhà nghèo nên cả hai vợ chồng anh phải vất vả lắm mới có thể nuôi mẹ già với ba đứa con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học.
Mất mạng vì tấm áo ấm cho con ngày tết
Sáng hôm đó, chị Phượng dậy sớm nấu cơm cho cả nhà. Thấy anh Tuyến dậy chị bảo: “Cố gắng làm thuê kiếm mấy đồng về mua cho mấy đứa nhỏ bộ quần áo mới đón Tết cho bằng bạn bằng bè”. Anh cũng đi làm thuê thì nửa buổi được người nhà báo tin chị Phượng đã chết. Vừa nói anh Tuyến vừa vỗ về mấy đứa con đang khóc đòi mẹ. Cháu Lê Thị Hồng My (SN 2001, con của chị Phượng) nức nở: “Mẹ cháu cứ nằm im từ sáng tới giờ không dậy nữa. Mấy người lớn bảo mẹ cháu chết rồi nhưng cháu không tin. Mẹ cháu hứa đi làm về sẽ mua áo ấm cho mấy chị em. Không có mẹ Tết này mấy chị em cháu không có áo ấm mặc rồi!”. Nghe cháu My nói mà mọi người xung quanh chết lặng vì những lời ngây thơ của con trẻ.
Người dân trong làng bảo số chị Yến đã khổ khi phải một mình làm thuê làm mướn để nuôi con ăn học, thì số chị Phượng càng khổ gấp bội phần khi từ lúc sinh ra chị đã phải chịu nhiều khổ cực. Từ tấm bé mấy chị em tự nuôi nhau, đến tuổi dựng vợ gả chồng, có với nhau được ba mặt con, chị chưa được một ngày thảnh thơi để có tiền nuôi con ăn học thì tai họa ập xuống đầu chị. Chúng tôi ra về mà lòng nặng trĩu nỗi buồn cho những phận người nghèo khó những ngày cuối năm.
Xem xét các quy định liên quan để khởi tố vụ án Trao đổi với chúng tôi, đại diện cơ quan CSĐT Công an TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Do đây chỉ là loại ghe nhỏ được người dân sử dụng để đi làm hàng ngày, không phải phương tiện vận chuyển hành khách thu tiền nên cơ quan CSĐT đang xem xét các quy định liên quan để khởi tố vụ án. Trước đó, vào sáng 27/12, ông Phạm Công Đường (SN 1981, chủ ruộng ở thôn Mỹ Cang) đã mượn chiếc ghe này để chở 8 thợ cấy từ thôn Thạch Tân sang cấy giúp. Nhưng đến giữa dòng thì ghe bị lật khiến ba thợ cấy Trần Thị Lanh, Trần Thị Yến và Trần Thị Phượng thiệt mạng, 6 người khác may mắn được cứu sống”. |
Nguyễn Cường