Ngày 24/9, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành văn bản về việc đi lại của người dân giữa các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh này thống nhất giao cho UBND cấp xã, phường, thị trấn giải quyết nhu cầu cho người dân đi lại, ra, vào địa phương để đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19.
Người dân có nhu cầu di chuyển ra khỏi địa bàn huyện, thị, thành phố cần đăng ký với UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi đi và khi đến nơi, phải có xác nhận của UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi đến. Sau khi trở về địa phương, người dân phải nộp lại giấy và khai báo y tế tại trạm y tế gần nhất.
Quy định trên được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa ra sau khi một số huyện, thị, thành phố còn lúng túng trong việc hướng dẫn, quản lý, kiểm soát người dân đi lại giữa các địa phương trên địa bàn theo tinh thần Chỉ thị 15.
Trước đó, từ 0h ngày 23/9, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định thực hiện Chỉ thị 15 cho đến khi có thông báo mới trên toàn địa bàn tỉnh, trừ huyện Côn Đảo và các khu vực có lệnh phong tỏa. Huyện Côn Đảo được áp dụng Chỉ thị 19 cho đến khi có thông báo mới.
Nhiều hoạt động sản xuất, dịch vụ, du lịch tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được phép mở cửa trở lại dần dần, việc đi lại của người dân cũng được nới lỏng hơn.
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục tạm dừng các hoạt động như: dịch vụ ăn uống có tổ chức hát với nhau; buffet; chợ đêm, nhà hàng tiệc cưới; các cơ sở chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; các tụ điểm, khu vui chơi, giải trí; sân khấu ca nhạc, vũ trường, quán bar; các điểm kinh doanh trò chơi điện tử, truy cập internet…
Các cơ sở kinh doanh thể dục thể thao trong nhà, ngoài trời, khu vực thể dục công cộng; các cơ sở, địa điểm nghỉ dưỡng. Đáng chú ý, địa phương này vẫn cấm các hoạt động tắm biển.
Bên cạnh đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho phép và nới lỏng nhiều hoạt động kinh tế, xã hội, sự kiện. Tất cả các hoạt động được phép này, UBND tỉnh đều ban hành kèm phụ lục hướng dẫn thực hiện.
Cụ thể, cho phép các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung không quá 10 người trong một phòng (diện tích tối thiểu là 40m vuông), trường hợp cần thiết phải tổ chức với số lượng người tham dự vượt quá quy định nêu trên phải được Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho phép.
Về hoạt động sản xuất kinh doanh: Các cơ sở sử dụng 100% lao động là người dân đang sinh sống trên cũng một huyện, thị, thành phố thì người lao động được sử dụng phương tiện cá nhân đi làm. Điều kiện bắt buộc là doanh nghiệp và người lao động phải đăng ký lịch trình di chuyển; được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận.
Về hoạt động nông, lâm, ngư nghiệp: Người lao động đi lao động, sản xuất ngoài địa bàn huyện, thị, thành phố thì UBND nơi đi có trách nhiệm xem xét, thống nhất với UBND nơi đến. Các phương tiện vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản được hoạt động nhưng phải đảm bảo quy định phòng chống dịch.
Các cảng cá, tàu đánh cá, ngư dân được hoạt động trở lại khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện phòng chống dịch theo quy định.
Về hoạt động thương mại - dịch vụ, du lịch: Các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ mặt hàng thiết yếu phải đánh giá an toàn trong phòng chống dịch trước khi trở lại. Chợ truyền thống được mở cửa trở lại và chỉ bán hàng hóa thiết yếu.
Đặc biệt, các cơ sở dịch vụ nhà hàng, dịch vụ ăn uống được hoạt động buôn bán trở lại nhưng thông qua hình thức mua bán trực tuyến, không bán trực tiếp...
Gio Linh