Cán bộ xã, phường đồng loạt xin thôi việc
Từ đầu năm 2018 đến nay, khi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) ban hành quyết định chấm dứt chế độ trợ cấp cho những người có trình độ đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) về làm việc tại xã, phường, thị trấn. Rất nhiều cán bộ, công chức,… tại phường, xã, thị trấn,… trên địa bàn tỉnh này đã nộp đơn xin nghỉ việc. Lý do nghỉ việc là thu nhập quá thấp dẫn đến khó khăn trong cuộc sống, không đủ trang trải chi phí sinh hoạt,…
Theo tìm hiểu của PV, tỉnh BR-VT hiện có khoảng 2.159 người hoạt động không chuyên trách và một số chức danh khác ở cấp xã. Trong đó có 2 người trình độ thạc sĩ, 839 người có trình độ ĐH, 234 người có trình độ CĐ.
Nhiều năm trở về trước, nhằm thu hút người tài, UBND tỉnh BR-VT có quyết định trợ cấp cho những người có trình độ ĐH, CĐ về các phường, xã, thị trấn,… làm việc. Mức hỗ trợ tỉnh này đưa ra để hỗ trợ người tài là từ 0,8 - 1,6% của mức lương cơ bản.
Với mức hỗ trợ này, mỗi tháng, cán bộ xã, phường sẽ nhận được mức lương khoảng 3,5 - 4,5 triệu đồng tùy vị trí. Cũng nhờ mức hỗ trợ trên, tỉnh BR-VT đã thu hút được rất nhiều người tài về công tác tại phường, xã,… giúp nhiều địa phương phát triển mạnh.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2017, Kiểm toán Nhà nước có văn bản số 660 đề nghị tỉnh BR-VT chấm dứt chế độ chi hỗ trợ cho cán bộ cấp xã, phường có trình độ ĐH, CĐ với lý do có sự trùng lặp về chế độ.
Từ văn bản 660 của Kiểm toán Nhà nước, đầu năm 2018, tỉnh BR-VT đã ban hành quyết định bãi bỏ chế độ trợ cấp. Như vậy, các cán bộ phường xã đã bị mất đi chế độ hỗ trợ, phải nhận mức lương và phụ cấp bình thường theo quy định (khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng).
Theo ghi nhận của PV, từ khi bị cắt khoản trợ cấp hàng tháng, rất nhiều cán bộ phải từ bỏ vị trí công việc đã gắn bó lâu dài để tìm công việc khác do thu nhập quá thấp. Được biết, tỉnh BR-VT đã có hơn 100 cán bộ phường, xã,… xin nghỉ việc.
Nhằm khắc phục tình trạng có quá nhiều cán bộ và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã xin nghỉ việc, UBND tỉnh BR-VT cũng đã ban hành quyết định số 3210 về việc “Quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về số lượng cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách và một số chức danh khác và kinh phí quản lý hành chính đối với các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh”.
Tiếp đó, tỉnh này cũng ban hành thêm công văn số 2521 gửi các bộ, ngành xin ý kiến về việc “Thực hiện chế độ chi phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách và một số chức danh khác ở cấp xã với mức phụ cấp từ ngân sách địa phương (Người có trình độ ĐH trở lên được phụ cấp với tổng hệ số 2.34 mức lương cơ sở/người/tháng; trình độ CĐ 2.1; trình độ trung cấp 1.86).
Tuy nhiên, hiện nay, UBND tỉnh BR-VT vẫn đang chờ ý kiến và hướng dẫn từ các bộ, ngành có liên quan. Chia sẻ với báo chí về vụ việc, đại diện sở Nội vụ tỉnh BR-VT cho biết, sở đang phối hợp với các sở, ngành liên quan tích cực tìm giải pháp để giúp cán bộ giảm đi áp lực về thu nhập.
Lương không đủ sống
Chị Thu Thúy từng là cán bộ xã thuộc huyện Long Điền chia sẻ, chị có bằng ĐH và xin làm việc tại xã để được gần gia đình, đi lại thuận tiện. Lúc này, chị có mức thu nhập ổn định nhờ vào hỗ trợ. Tuy nhiên từ khi bị cắt giảm hỗ trợ, thu nhập của chị chỉ còn hơn 2 triệu đồng/tháng.
Mức lương này không đủ chi tiêu cho cuộc sống bởi hiện tại, chị còn nuôi con nhỏ và mẹ già. Do đó, chị đã làm đơn xin nghỉ việc để tìm công việc khác. Sau khi nghỉ việc tại xã, chị đã xin vào làm việc cho một công ty trên địa bàn huyện.
“Cũng muốn làm ở xã cho gần nhà, tiện lợi và đã quen với công việc của mình rồi nhưng mức thu nhập như vậy buộc tôi phải dứt áo ra đi vì không thể nào trụ được nữa. Trước đây có chế độ phụ cấp bằng ĐH, tôi cũng thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng. Mức lương này giúp tôi lo cơm áo gạo tiền cho con và mẹ già. Tuy nhiên, khi bị cắt trợ cấp, lương chỉ còn hơn 2 triệu đồng/tháng. Mức lương này thật sống không nổi”, chị Thúy chia sẻ.
Cùng hoàn cảnh, chị Nguyễn Ngọc Ngân, cán bộ không chuyên trách tại một phường thuộc TP.Vũng Tàu (tỉnh BR – VT) cũng chia sẻ rằng công việc ở phường nhiều nên chị phải kiêm nhiệm nhiều việc cùng một lúc. Tuy nhiên, do chính sách mới nên thu nhập của chị quá thấp dẫn đến việc chị phải nghỉ việc vì không đủ khả năng trang trải cuộc sống ở thành phố.
“Quen việc, quen anh em ở đây nên không muốn nghỉ nhưng cuộc sống ở thành phố rất đắt đỏ. Với mức thu nhập hơn 2 triệu đồng thì không thể sống được. Do đó tôi cũng mong sớm có quy chế mới để các anh chị em khác có cuộc sống ổn định hơn. Còn tôi thì quyết định đi tìm công việc mới để lo cho gia đình”, chị Ngân buồn bã nói.
Trong khi đó, theo chia sẻ của một Chủ tịch xã tại huyện Châu Đức, đầu năm đến nay, rất nhiều cán bộ nghỉ việc. Do đó, đơn vị phải tuyển dụng thêm. Tuy nhiên, không có người đến xin ứng tuyển, làm việc, đơn vị buộc phải để một cán bộ đảm nhiệm nhiều vị trí công việc dẫn đến tình trạng quá tải.
“Lương quá thấp khiến cho các cán bộ nghỉ việc hết, không muốn làm. Dù có tuyển dụng liên tục nhưng không ai đến ứng tuyển. Không biết đến khi nào tình hình mới ổn trở lại. Với lại ngoài vấn đề các cán bộ không chuyên trách nghỉ việc, chúng tôi còn khổ về việc thiếu biên chế so với quy định. Do đó, công tác chuyên môn gặp nhiều khó khăn”, vị Chủ tịch này chia sẻ.