Những ngày cận kề Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, người dân địa phương và du khách khi lưu thông qua những tuyến đường trung tâm huyện Châu Đức không khỏi trầm trồ, thích thú khi nhìn thấy hàng hoa mai đang khoe sắc rực rỡ.
Từng cây mai rực lên màu vàng, những cành chi chít nụ, điểm thêm lộc non xanh mơn man. Đường phố ở huyện những ngày Tết đến Xuân về khoác lên mình tấm áo vàng của cánh mai trở nên lộng lẫy, kiêu sa.
Với mong muốn trồng một loại cây đặc trưng và tạo điểm nhấn riêng cho địa phương đối với hạng mục cây xanh đô thị, hơn 7 năm trước, UBND huyện Châu Đức đã cho trồng thử nghiệm hàng trăm cây mai vàng giữa dải phân cách trên tuyến quốc lộ 56 (đoạn qua thị trấn Ngãi Giao).
Qua một năm trồng, cây mai phát triển tốt và ra hoa đúng dịp tết khiến người dân và du khách vô cùng thích thú. Đến năm 2019, huyện Châu Đức tiếp tục trồng thêm mai vàng trên đường Trần Hưng Đạo và tuyến đường chạy qua trung tâm xã Kim Long.
Loại mai trồng trên dải phân cách ở huyện Châu Đức là mai vàng thu mua trong vườn rẫy của người dân địa phương. Mỗi cây mai được mua với giá giao động từ 1 - 2 triệu đồng/cây, chi phí chăm sóc cắt tỉa một cây mai khoảng 200.000 đồng/năm. Đến nay có gần 1.000 cây mai với độ tuổi từ 12 - 15 năm, cao từ 1,5m - 2m được trồng trên dải phân cách đường phố. Các cây mai được trồng cách nhau từ 4 - 6m trên nhiều tuyến đường kéo dài hơn 5 km.
Chị Phạm Thị Hoa, người dân ở thị trấn Ngãi Giao hồ hởi chia sẻ, chỉ có huyện Châu Đức mới có đường mai vàng nhiều và đẹp như vậy. Tết về, hàng mai đồng loạt bung nở dọc khắp tuyến đường khiến người dân ai nấy vô cùng thích thú. Thậm chí, nhiều du khách lưu thông qua còn tranh thủ chụp hình.
“Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về thì đường mai tại huyện Châu Đức lại nở rộ hoa vàng trông rất là đẹp. Tôi mong muốn trong thời gian tới đường mai Châu Đức này sẽ được nhân rộng, làm điểm nhấn để khách du lịch đến và cảm nhận không khí mùa xuân tại huyện Châu Đức”, chị Hoa thích thú nói.
Cây mai phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng địa phương nên khi mang ra trồng giữa dải phân cách nhanh chóng phát triển, tán lá sum xuê. Người dân sống dọc tuyến đường trồng cây mai thấy cây phát triển tốt, ít bị sâu bệnh và trổ hoa đúng dịp tết nên càng ngày càng thích thú và xem là tài sản chung để cùng nhau bảo vệ. Thêm vào đó hệ thống camera an ninh đường phố giám sát liên tục nên tình trạng trộm cắp mai không còn tái diễn.
Đại diện Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị huyện Châu Đức cho biết, công ty rất chú tâm trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng cây. Hàng năm, từ ngày 15 – 20/12 âm lịch, huyện thuê người dân đi hái lá mai. Công nhân được trả công theo giờ, mỗi người trung bình kiếm được hơn 400.000 đồng/ngày. Người hái được cấp nước, vật dụng và yêu cầu không đứng dưới lòng đường để đảm bảo an toàn. Lá mai sau khi ngắt được thu gom đưa đi xử lý.
Lãnh đạo UBND huyện Châu Đức cho biết, là địa phương có số hộ dân trồng mai nhiều trong vườn rẫy, vì vậy huyện đã quyết định chọn mai vàng để trồng trên dải phân cách tuyến đường lớn và trung tâm của huyện. Trồng mai vàng giữa dải phân cách có tác dụng che chắn, đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời dịp tết cây mai trổ bông vàng rực cả con đường thể hiện điểm nhấn, nét độc đáo riêng biệt của quê hương.
Gio Linh - Thái Bình