Sáng 24/12, các lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cùng nhiều sở, ban, ngành đã tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống cơn bão số 16 (bão Tembin) tại các địa phương ven biển của tỉnh này.
Theo đó, trong sáng 24/12, tâm bão còn cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 320km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất khoảng 115km/h (cấp 11), giật cấp 14 và khi đi vào Biển Đông, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 25km/h và được dự báo sẽ tiếp tục mạnh thêm.
Đến sáng 25/12, tâm bão cách bờ biển các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau khoảng 300-400km về phía Đông với sức gió mạnh nhất 135 km/h (cấp 12), giật cấp 15.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, vùng gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 130km tính từ vùng tâm bão. Cấp độ rủi ro thiên tai của cơn bão được đánh giá cấp 3.
Trước nguy cơ ảnh hưởng của cơn bão, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã triển khai kế hoạch phòng chống bão.
Trước mắt, để phòng tránh bão số 16, UBND TP.Vũng Tàu đã lên kế hoạch tổ chức di dời, sơ tán dân khi bão đổ bộ vào bờ. Theo đó, tình huống khi bão mạnh - rất mạnh (bão cấp 15-16) đổ bộ trực tiếp vào thành phố, dự kiến có khoảng 16.500 hộ với 36.752 người cần phải di dời, sơ tán (9.452 hộ sơ tán tại chỗ, 5.291 hộ sơ tán tập trung).
UBND TP. yêu cầu các hộ dân nằm trong diện di dời phải tuân thủ lệnh di dời nếu không sẽ buộc cưỡng chế. Ngoài ra, các đơn vị viễn thông hỗ trợ thông tin xuyên suốt, điện lực TP.Vũng Tàu chuẩn bị các phương án cung cấp điện,…
Bên cạnh đó, UBND TP.Vũng Tàu nghiêm cấm các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch trên địa bàn trước 12h ngày 24/12 nhận khách lưu trú qua đêm, không tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí phục vụ khách.
UBND TP. Vũng Tàu lưu ý đặc biệt các khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch dọc bãi biển phải thông tin cho khách về cơn bão và đề nghị khách rời Vũng Tàu nếu khách ở khu vực miền Đông Nam bộ.
Từ ngày 24/12 - 26/12, các cơ sở kinh doanh lưu trú, khu du lịch trên địa bàn không nhận khách lưu trú nghỉ ngơi vui chơi. Đối với các cơ sở kinh doanh lưu trú đã nhận khách không thể trả do khách ở xa thì đại diện cơ sở liên hệ với các khách sạn kiên cố ở khu vực lân cận từ 2 sao trở lên.
Trong khi đó, cơ quan chức năng cũng cho biết, khu vực huyện Côn Đảo có thể phải di dời 1.800 người và 651 khách du lịch đến các trường học, trụ sở cơ quan, khách sạn kiên cố để tránh bão.
Ngoài ra, Côn Đảo tiến hành vận động, di dời khoảng 5.500 ngư dân từ tàu thuyền lên đảo và bố trí ngư dân vào trụ sở các cơ quan, đơn vị kiên cố để tránh bão. Việc thực hiện di dời ngư dân hoàn tất trước 12h ngày 24/12 còn việc thực hiện di dời, sơ tán người dân và khách du lịch sẽ hoàn tất trước 20h ngày 24/12.
Trong khi đó, tại huyện Đất Đỏ đã có hơn 10.000 ngôi nhà được chằng chống vững chắc để đối phó với bão. Còn đối với các nhà không thể chằng, chống và không có nơi trú ẩn, ban Chỉ huy PCTT-TKCN các xã, thị trấn đã có kế hoạch di dời dân đến nơi an toàn,…
Ngoài các địa phương trên, nhiều địa phương khác cũng đã có phương án di dời dân, chằng néo nhà cửa, neo đậu tàu thuyền an toàn để phòng chống bão,…