Ba tháng “bình thường mới”, doanh nghiệp Việt làm ăn thế nào?

Ba tháng “bình thường mới”, doanh nghiệp Việt làm ăn thế nào?

Nguyễn Hoàng Yến

Nguyễn Hoàng Yến

Thứ 4, 05/08/2020 14:57

Trước khi bệnh nhân Covid-19 số 416 được phát hiện vào sáng 25/7/2020 tại Đà Nẵng, Việt Nam đã có 99 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Phần lớn thời gian trong chuỗi ngày này là giai đoạn cả nước bước vào “trạng thái bình thường mới”: Vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, vừa tiếp tục phòng chống dịch. Hàng loạt báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2020 mới công bố nói gì về “sức khoẻ” doanh nghiệp trong giai đoạn này?

Người về từ đỉnh cao…

Mở đầu mùa báo cáo tài chính quý 2 năm nay, hiện số doanh nghiệp (DN) công bố kết quả kinh doanh chưa nhiều, song hàng loạt “ông lớn” báo lãi nghìn tỷ đã bắt đầu lộ diện.

Kết quả cũng không làm nhiều người bất ngờ, bởi hầu hết số đó là những “anh tài” quen mặt như công ty Cổ phần Vinhomes và tập đoàn Vingroup của tỷ phú giàu nhất Việt Nam – ông Phạm Nhật Vượng, công ty CP Sữa Việt Nam – Vinamilk của nữ đại gia Mai Kiều Liên, tổng công ty Rượu – Bia – Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco) của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi cùng hàng loạt ngân hàng mà phần lớn nằm trong “rổ cổ phiếu VN30” – nhóm cổ phiếu có vốn hoá lớn nhất thị trường chứng khoán hiện nay.

Có thể nói, mặc dù đại dịch Covid-19 làm gia tăng nợ xấu tại hầu hết các ngân hàng thương mại (do doanh nghiệp làm ăn khó khăn, phải giãn nợ) tuy nhiên ba tháng qua, nhóm này vẫn có kết quả kinh doanh sáng sủa bậc nhất thị trường.

Đầu tư - Ba tháng “bình thường mới”, doanh nghiệp Việt làm ăn thế nào?

Ngành Ngân hàng vẫn sống khoẻ trong giai đoạn dịch bệnh (ảnh minh hoạ)

Đáng chú ý, ngân hàng VietinBank lãi sau thuế quý II/2020 đạt 3.610 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm lên hơn 6.000 tỷ đồng, cho thấy hầu như không bị ảnh hưởng vì Covid-19.

Ngân hàng Vietcombank (VCB) lãi sau thuế 4.615 tỷ đồng, cao hơn số lãi 4.183 tỷ đồng đạt được trong quý I/2020.

Nhà băng đang dẫn đầu mảng bán lẻ hiện nay - VPBank báo lãi 2.951 tỷ đồng quý 2, tăng 28% so với lợi nhuận đạt được trong quý I (2.314 tỷ đồng). Ngoài ra là một số ngân hàng tăng trưởng nhẹ nhưng vẫn đạt lợi nhuận nghìn tỷ như Techcombank đạt 2.889 tỷ đồng (tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái), ngân hàng Á Châu (ACB) 1.522 tỷ đồng, HDBank 1.025 tỷ đồng (xấp xỉ lợi nhuận quý I/2020)...

Ở tốp sau đó là những ngân hàng không lãi tới nghìn tỷ nhưng vẫn có lợi nhuận dương quý này, cụ thể là Sacombank hơn 343 tỷ đồng và Tiên Phong Bank 819 tỷ đồng.

 

"World Bank tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế sôi động nhất thế giới. Theo dự báo mới nhất của chúng tôi, tăng trưởng GDP sẽ đạt 2,8% vào năm 2020 và phục hồi mức 6,7% vào năm 2021. Kết quả dự báo cho thấy Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020”, bà Stefanie Stallmeister - Quyền Giám đốc World Bank tại Việt Nam phát biểu chiều  30/7 khi công bố báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam T7/2020: “Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? Tác động kinh tế của Covid-19”.

Ở nhóm hàng tiêu dùng, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, Vinamilk gây ấn tượng mạnh khi báo lãi qúy II/2020 là 3.085 tỷ đồng (tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái), Sabeco báo lãi 1.216 tỷ đồng, tuy giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn là kỳ tích trong bối cảnh dịch bệnh người dân cắt giảm bia rượu…

Đóng góp vào danh sách lợi nhuận nghìn tỷ quý này có 2 DN thuộc hệ sinh thái DN của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là Vinhome và Vingroup. Trong đó, Vinhome lãi sau thuế 3801 tỷ đồng còn Vingroup là gần 849 tỷ đồng. Tuy tăng trưởng dương nhưng đây là những con số khá khiêm tốn so với cùng kỳ năm ngoái của cả hai, cụ thể là Vinhomes bị giảm lãi gần một nửa còn Vingroup giảm đến 64% so với quý 2 năm 2019.

Ở quy mô nhỏ hơn nhưng có mức tăng trưởng ngoạn mục, phải kể đến “ông lớn” nông nghiệp Dabaco. Bất chấp khó khăn từ dịch bệnh và lại còn được hưởng lợi từ giá lợn tăng cao trong nước, quý 2/2020 Dabaco ghi nhận lãi gộp gần 670 tỷ đồng, lãi sau thuế lợi 401 tỷ đồng, cao gấp 54 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

 

…Người chìm vào vực sâu

Đứng đầu “danh sách đen” về kinh doanh cả quý II/2020 lẫn trong bối cảnh dịch bệnh này có lẽ không ai khác chính là “ông lớn” hàng không Vietnam Airlines. Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2/2020 vừa mới công bố của hãng Hàng không quốc gia cho hay, doanh thu thuần trong quý chỉ đạt 6.000 tỷ đồng (bằng 1/4 so với cùng kỳ năm ngoái), lỗ gộp 3.874 tỷ đồng, nâng khoản lỗ gộp 6 tháng đầu năm lên hơn 4.500 tỷ đồng.

Đầu tư - Ba tháng “bình thường mới”, doanh nghiệp Việt làm ăn thế nào? (Hình 2).

Vietnam Airlines là doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh Covid-19

Trước đó, tình hình ảm đạm của Vietnam Airlines đã được thể hiện tại báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ quý I/2020 với con số lỗ gộp 632 tỷ đồng, lỗ sau thuế 2.611 tỷ đồng.

Phát biểu tại một buổi toạ đàm hôm 13/7, ông Dương Trí Thành - Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết sản lượng khai thác nội địa của hãng này phục hồi nhanh trong 2 tháng 5 và 6/2020, song đến giờ con số thực tế cho thấy tín hiệu phục hồi của thị trường nội địa là không đáng kể và không gánh nổi con số thua lỗ chung từ đầu năm.

Hãng này dự kiến sẽ lỗ 15.000 tỷ đồng trong cả năm 2020 và đang chờ đợi phản hồi về việc Nhà nước có hỗ trợ 12.000 tỷ đồng để tránh mất thanh khoản hay không.

Chịu chung số phận với Vietnam Airlines là “ông trùm” sân bay: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Trong quý 2/2020, lần đầu tiên ACV kinh doanh dưới giá vốn và ghi nhận lỗ gộp 409 tỷ đồng, là mức lỗ nặng nhất kể từ khi thành lập năm 2012 đến nay.

Mặc dù “ngồi trên đống tiền mặt” là hơn 33.000 tỷ đồng đang gửi ngân hàng, mang về khoản doanh thu tài chính 571 tỷ đồng, song lỗ sau thuế trong kỳ vẫn lên tới 356 tỷ đồng. Tuy nhiên, do quý I/2020, DN này đạt lợi nhuận sau thuế 1.550 tỷ đồng, con số này đã gánh lỗ quý 2 và khiến cho lãi 6 tháng đầu năm vẫn đạt hơn 1.115 tỷ đồng.

Tập đoàn FLC của tỷ phú chứng khoán Trịnh Văn Quyết cũng là một trong những DN báo lỗ kỷ lục sau giai đoạn hồi phục chậm chạp của hàng không và bất động sản nghỉ dưỡng 3 tháng qua. Tiếp tục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, quý 2/2020, FLC lỗ 838 tỷ đồng, do doanh thu trong kỳ (1.722 tỷ đồng) thấp hơn giá vốn dẫn tới khoản lỗ gộp 743 tỷ đồng.

Một số DN lớn tiếp tục thua lỗ như Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức lỗ ròng 65 tỷ đồng, Quốc Cường Gia Lai lỗ ròng 4 tỷ đồng từ lợi nhuận cổ đông công ty mẹ.

Ngoài ra, nhóm DN kinh doanh du lịch mặc dù chưa có báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 song đây là nhóm DN chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì đại dịch, mấy tháng qua mặc dù không có ca mắc Covid mới trong cộng đồng song mức độ hồi phục ngành du lịch chậm chạp, tiên lượng về sức khoẻ tài chính cũng không được tốt. Trước đó, Vietravel đã báo lỗ kỷ lục 41 tỷ đồng trong quý I/2020 và đây là toàn bộ lợi nhuận năm 2019 của công ty này.

M.M

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.