Hành trình lên núi
Bà Võ Thị Ba, vốn là một người buôn bán, kinh doanh sống ở Cần Thơ. Năm 1991 khi tuổi đã già, bà nghỉ công việc kinh doanh của mình để nghỉ ngơi. Một dịp tình cờ, bà đến núi Cấm cùng những người bạn. Trong 2 ngày du ngoạn núi Cấm, bà bỗng cảm thấy có tình cảm đặc biệt với vùng đất này. Sau khi về lại Cần Thơ, bà nói với anh Nguyễn Tấn Bông (út Bông, 50 tuổi), là con trai thứ của bà: "Mẹ muốn đi núi nữa con ạ".
Nói là làm, bà rời nhà bắt xe một mình quay lại núi Cấm cho thỏa lòng mong nhớ. Tại đây, bà thuê nhà trọ để ở, hàng ngày lên núi xuống núi để thăm thú hết các địa điểm ở núi Cấm. Bà không phải là người mê tín, cũng không lên núi để cầu khấn bất cứ điều gì, bà chỉ cảm thấy mình yêu thích nơi đây mà không lý giải được nguyên nhân.
Đại gia đình anh út Bông
Sau nhiều lần đi lại ở núi Cấm, bà quyết định sẽ sinh sống phần đời còn lại của mình trên ngọn núi linh thiêng này. Lúc này, bà chỉ ở với một mình anh út Bông, những người con khác đã có gia đình và sinh sống những nơi khác nhau. Anh út Bông là bộ đội xuất ngũ từ năm 1987, là một Xã đội phó quân sự ở quê nhà.
Lúc nghe mẹ bày tỏ nỗi lòng, thương mẹ không nỡ để mẹ một mình trên núi, anh quyết định đi theo phụng dưỡng mẹ già và sống cuộc sống ẩn dật trên núi. Bà Ba bán ngôi nhà lụp xụp ở quận Bình Thủy (TP. Cần Thơ) để lên núi sinh sống. Nhưng thời gian đầu đến núi Cấm, bà chưa thể lên núi ở ngay được vì trên đỉnh núi là nơi hiểm trở ít người sinh sống, vì vậy nên lãnh đạo địa phương vẫn chưa thể đồng ý ngay với bà. Vậy là bà bắt đầu cuộc sống ở chân núi Cấm.
Thời gian ở chân núi Cấm, bà Ba luôn tìm cách để được lên ở trên đỉnh núi, nơi mà người dân đặt tên gọi là vồ Mồ Côi. Đây là nơi mà bà Ba rất ấn tượng bởi phong cảnh hữu tình mà hoang sơ.
Sau một năm sinh sống ở chân núi Cấm, nhiều lần gặp gỡ trưởng ấp nơi bà sinh sống, bà xin phép được chuyển lên núi Cấm, bà Ba nói: "Tôi chỉ có một nguyện vọng là được sinh sống phần đời còn lại trên ngọn núi này, chỉ cần địa phương đồng ý cho tôi ở, tôi chỉ che một túp lều nhỏ ở cũng được, sẽ không làm gì ảnh hưởng đến ngọn núi này cả". Bị thuyết phục trước tấm lòng nhiệt thành ấy, ông trưởng ấp cũng phải đồng ý cho bà Ba được thỏa mãn nguyện vọng.
"Bà tiên" trên núi Cấm
Đến năm 2001, bà Ba và anh út Bông đã có cuộc sống khá ổn định trên núi Cấm. Một ngày nọ, bà Ba nhận được một cuộc điện thoại từ người cháu gái đang khám bệnh ở bệnh viện Cần Thơ bảo có một phụ nữ sắp tới ngày sinh nở nhưng không một người thân chăm sóc, đang sống lay lắt bên hành lang bệnh viện. Người cháu gái này mong muốn bà có thể giang tay cứu giúp cuộc đời của người phụ nữ bị phụ tình này.
Vốn là một người giàu lòng nhân ái, bà Ba cùng anh út Bông từ trên đỉnh núi Cấm, bắt xe xuống thành phố Cần Thơ để tìm gặp. Khi bà vào bệnh viện nhìn người phụ nữ đáng thương nọ, bà vẫn không hề nghĩ đến một ngày đứa bé mà người phụ nữ này đang mang sẽ gọi mình là bà nội. Bà làm thủ tục nhập viện và chịu hết chi phí sinh nở cho người phụ nữ này. Lúc sinh ra đứa bé trai kháu khỉnh, người mẹ nắm lấy tay bà với khuôn mặt đẫm lệ, van xin bà có thể nuôi nấng hoặc tìm một nơi chốn nào đó cho đứa bé được nương thân.
Không nỡ lòng nào từ chối lời cầu khẩn, bà quyết định nhận nuôi đứa bé. Và đó chính là cậu bé Nguyễn Sơn Ngọc, bây giờ đã vào lớp 5, sống vui tươi bên cạnh những đứa trẻ khác cùng cảnh ngộ dưới vòng tay chăm sóc của bà Ba và anh út Bông.
Bà Ba, mẹ của anh út Bông
Bà Ba và anh út Bông cũng không nghĩ đến một con số nào cụ thể về những đứa trẻ bị bỏ rơi mà hai mẹ con có thể nhận nuôi. Nhưng rồi sau đó, tình thương với Sơn Ngọc đã giúp cho bà Ba và anh út Bông mạnh dạn nhận nuôi thêm những đứa trẻ khác. Nhờ có mối quen biết ở một số bệnh viện, nên khi có những đứa bé chào đời bị bỏ rơi, anh út Bông lại cùng mẹ gói ghém tìm đến để nhận về nuôi dưỡng. Kỉ lục nhất là vào năm 2003, anh nhận nuôi đến 4 đứa trẻ. Đến năm 2008, thì số trẻ mồ côi, trẻ bất hạnh bị bỏi rơi tại các bệnh viện trên khắp miền Tây được anh và bà Ba nhận về nuôi đã lên đến con số 12.
Ngồi tâm sự, điều khiến bà Ba thấy đau buồn đến "đứt ruột" là trong 12 đứa trẻ mà bà và con trai nhất mực yêu thương đó, không may có một em nhỏ không chiến thắng nổi căn bệnh bại não nên đã chết lúc chưa tròn tuổi. Đó là Nguyễn Sơn Thành, lúc anh út Bông nhận Thành về nuôi thì biết em bị bệnh nguy hiểm, nhưng với hi vọng của một người cha đối với con của mình. Anh út Bông cùng mẹ quyết cứu con cho bằng được.
Thời gian đưa bé Thành về nuôi, anh út Bông và mẹ phải thường xuyên đưa em đi chạy chữa từ Cần Thơ cho đến TP.HCM, những mong em có thể sống được với các em nhỏ khác. Tuy nhiên, sau đó Thành trút hơi thở cuối cùng ở tháng thứ 8. Cái chết của Thành càng làm cho anh út Bông và bà Ba cố gắng để nuôi dưỡng những đứa trẻ khác tốt hơn. Nuôi dạy 12 đứa trẻ vất vả, đằng này hai mẹ con bà Ba lại một lúc chăm lo cho 12 đứa trẻ xấp xỉ tuổi nhau, cái khó khăn đó không gì có thể so sánh được.
Đại gia đình của bà Ba sống êm đềm trên núi Cấm từ năm này qua năm khác, có khó khăn gì cũng cùng nhau vượt qua. Nhưng vấn đề bắt đầu nảy sinh khi những đứa con lớn đến tuổi đi học. Cả gia đình sống cheo leo trên đỉnh núi, việc đi học của các con gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều đêm hai mẹ con trăn trở không ngủ được vì nghĩ tới tương lai lâu dài của đàn con. Nhưng hoàn cảnh hiện tại của gia đình khó mà có thể tìm một nơi khác thuận lợi hơn. Mọi thu nhập của gia đình đều trông chờ vào 3ha cây ăn trái trên núi Cấm, nếu bây giờ chuyển nhà thì công việc sẽ khó khăn hơn rất nhiều, hơn nữa nếu chuyển nhà thì phải cần đến nhiều vốn liếng, trong khi tình cảnh của đại gia đình bà Ba chỉ đủ sống qua ngày cho 13 miệng ăn.
Bước ngoặt đến với gia đình vào năm 2009, một Việt kiều Mỹ về nước. Vốn biết được câu chuyện cảm động của mẹ con anh út Bông dang tay cứu giúp trẻ em cơ nhỡ nên người Việt kiều này ngỏ lời muốn giúp đỡ. Hai mẹ con bà Ba sau nhiều lần bàn bạc mới quyết định nhận lời giúp đỡ của người Việt kiều giàu lòng nhân ái. Anh út Bông tìm một miếng đất ở ngay dưới chân núi, gần trường học để thuận tiện cho các con đi học. Một ngôi nhà khang trang, khá đầy đủ tiện nghi được xây dựng lên trong niềm hân hoan, vui mừng của các em nhỏ.
Sau 9 năm anh út Bông nuôi dưỡng đàn trẻ, UBND xã An Hảo, huyện Tri Tôn đã quyết định trợ cấp cho các em nhỏ là 360 ngàn đồng/tháng cho mỗi em. Đây không phải là số tiền lớn nhưng cũng đã phần nào giúp anh út Bông nuôi dạy các con của mình được tốt hơn. |
Nguyên Việt - Đăng Văn