Sự việc em Tưng trên các báo làm tôi liên tưởng đến câu chuyện “Người đốt đền Atemis” của Hy Lạp. Tôi không chắc em Tưng đã đọc, đã nghe hoặc muốn làm theo nhưng cách hành xử của em ấy cho việc “được biết đến, được gọi tên” là rất giống với người đốt đền.
PR thành công
Tên Erostrat đáng nguyền rủa ấy đã nổi như cồn ngay thời điểm ấy và vẫn được nhắc tên cho đến ngày nay, sau hơn 2000 năm gây ra tội lỗi. Còn Tưng, dù “chưa đầy tháng”, hơn 11 triệu kết quả được trả về từ cỗ máy tìm kiếm lớn nhất hành tinh cho cái tên của em, đủ khiến bao nhiêu “sao Việt” phải “nuốt hận” vì phấn đấu cả đời mà chả được nổi danh như thế.
Phàm là người, ai cũng mong được nhiều người biết đến theo nghĩa tích cực là “nổi tiếng”, nhưng cũng không ít người (vô tình hay cố ý) cũng được biết đến theo nghĩa tiêu cực là “tai tiếng”! Và rõ ràng, Tưng hay người đốt đền đã được biết đến trong một thời gian rất ngắn, không cần có 1 bề dày thành tích, cũng không cần có công trạng, không tốn thời gian, tiền của. Họ đã được biết đến! “Nổi tiếng” hay “tai tiếng” cũng “có tiếng” làm chung, thơm hay thối từ từ hãy xét.
Về góc độ PR tên tuổi và hình ảnh, Tưng đã thành công vượt bậc!
Giới truyền thông không “vô tội”
Xã hội này có biết bao nhiêu em có “vũ khí hàng khủng”, không thiếu những clip “khoe hàng” nhưng chỉ có Tưng mới được truyền thông săn đón, mổ xẻ… Dù là nâng lên hay hạ xuống, hễ được “lên báo” là Tưng càng nhanh được mọi người biết tới hơn, nhớ lâu hơn.
Nói một cách khác, hiện tượng này là sự phối hợp rất ăn ý theo kiểu “cây đa cậy thần, thần cậy cây đa”. Hễ thấy tên Tưng là độc giả lao vào đọc báo, nhà báo tội gì không viết, vừa tăng lượng bạn đọc, vừa được tiếng là đưa tin nhanh, phản ánh chân thực đời sống, có tác dụng tuyên truyền, định hướng, răn đe với toàn xã hội…
Sự việc làm tôi nhớ đến một kỷ niệm ngày thơ, khi chị em tôi còn nhỏ, con Cún hay được tham gia chung các buổi hội họp của mẹ tôi và những người bạn (vì nó rất xinh) và gần như bao giờ nó cũng được chú ý và khen đẹp trước đám đông. Nhưng rồi khi mọi người mải mê nói chuyện mà quên mất nó, nó hét toáng lên, rất ồn và hỗn láo nhằm gây sự chú ý. Có hôm mẹ tôi và mấy dì cũng giả lơ luôn, thế là nó nằm vạ ra sàn. Mẹ tôi tiếp tục quay đi không để ý, một lát nó tự ngồi dậy phủi quần đứng lên, lại tiếp tục vui vẻ chơi.
Kể câu chuyện đó để thấy rằng, không quan tâm hay hạn chế đề cập đến các hiện tượng này trên các phương tiện thông tin là việc cần thiết, bởi làm không khéo lại thành cổ xúy hay là “vẽ đường cho hươu chạy”. Cái gì cũng lợi bất cập hại, chỉ sợ ai cũng muốn đạt được mục đích của mình mà quên đi sự ảnh hưởng bất lợi đến cả cộng đồng! Tưng sẽ chẳng là gì cả nếu chúng ta đều “ngó lơ” đúng cách!
Giáo dục nhân cách và nhận thức
Sáng nay, tình cờ được dự một buổi giao ban khoa văn của một trường sư phạm, thầy trưởng khoa có nhắc đi nhắc lại về việc: “Bà Tưng là hiện tượng vi phạm thuần phong mỹ tục rất đáng lên án! Đề nghị các thầy cô chú ý không để xảy ra trường hợp này trong khoa ta, trường ta!”.
Tôi chợt băn khoăn, lẽ đâu Tưng lại chẳng biết gì về thuần phong mỹ tục? Hay vì việc giáo dục thuần phong mỹ tục đã không đủ thuyết phục bằng ước mơ nhanh được biết đến của một bộ phận giới trẻ trẻ thời nay? Để đạt mục đích bằng mọi giá, hôm qua đã có một Bà Tưng, ngày mai chắc sẽ còn có những Em Tửng còn “máu lửa” hơn Bà Tưng nữa?
Nhiệm vụ giáo dục lại dồn lên gia đình, nhà trường và xã hội để Tưng chỉ dừng ở hiện tượng chứ không phải là trào lưu. Việc giáo dục nhận thức đa chiều của một hiện tượng hoặc sự việc là quan trọng, mỗi người sẽ tự mình gạn đục khơi trong, chứ không nên cấm đoán, bài trừ. Có như thế, mỗi người sẽ chẳng phải bận lòng giận dữ căm ghét một Bà Tưng trâng tráo phá hoại thuần phong mỹ tục; rồi lại khó chịu với chính mình vì sao ghét thế mà hễ thấy Tưng là đọc, là nhìn, là nghĩ.
Với riêng tôi, tôi vẫn luôn tin tưởng rằng, xã hội tốt đẹp này chỉ có một bộ phận rất nhỏ các em “khác người” như em Tưng.
Và rồi bài viết cũng chỉ nên dừng ở đây vì nếu không lại là một bài gây sự chú ý có lợi cho Tưng mất!
Theo 2sao/Megafun