Theo Straistimes, bà Yingluck cho biết ngôi nhà của bà hiện đang bị chính quyền tịch thu và các tài sản của bà đã bị Cục Thực thi Pháp luật mang bán. Cựu Thủ tướng Thái Lan nói rằng bà đã dùng mọi quá trình pháp lý để đấu tranh cho những tài sản này nhưng không thể ngăn được việc tài sản bị bán. Bà cáo buộc các quan chức liên quan tới vụ việc không làm đúng theo điều 44 của Hiến pháp Tạm thời 2014.
Bà cho rằng theo luật pháp, tài sản của bà không thể bị thanh lý, trừ khi bà bị phán thua trong một phiên tòa hành chính.
“Tôi đã tranh đấu cho mọi tài sản bao gồm những thứ mà cha mẹ tôi để lại cho tôi nhưng không thể bảo vệ bất cứ tài sản nào. Mỗi lần tôi nghe tin tài sản bị bán, tôi cảm thấy rất buồn”, bà Yingluck nói.
Bà cũng tuyên bố sẽ không bị mắc kẹt trong quá khứ vì có rất nhiều người đã đặt hy vọng vào bà.
Cựu Thủ tướng Yingluck bị phế truất sau một cuộc đảo chính quân sự hồi năm 2014 và bị cáo buộc sơ suất trong chính sách trợ giá gạo gây thất thoát hàng tỷ USD cho Thái Lan trong thời gian đương chức. Bà Yingluck chạy khỏi đất nước hồi tháng 8/2017 để trốn tránh phiên tòa luận tội.
Tháng 9/2017, tòa án tối cao Thái Lan đã tiến hành phiên xét xử vắng mặt đối với bà Yingluck. Theo phán quyết của tòa, bà Yingluck lĩnh án 5 năm tù và phải bồi thường thiệt hại.
Theo nhiều hãng thông tấn, chính phủ Serbia đã quyết định cấp quốc tịch cho bà Yingluck vào cuối tháng 6/2019, viện dẫn một điều khoản pháp lý nói rằng "một công dân nước ngoài có thể được cấp quốc tịch Serbia nếu phù hợp với các lợi ích quốc gia của Serbia".
Bà Yingluck, em gái của ông Thaksin Shinawatra, cũng là thủ tướng Thái Lan và hiện cũng sống lưu vong, nói việc bà bị hạ bệ không giống bất cứ nhà lãnh đạo nào trong lịch sử. Bà cũng cho rằng việc "đặt đặc quyền được quy định trong điều luật này lên trên phán quyết của tòa án là phi pháp".
Ông Thaksin cũng từng bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006 và đã phải trốn đi nhằm tránh phải thi hành án do bị cáo buộc tham nhũng.