Sáng 8/1, ngày thứ 2 phiên tòa xét xử cựu đại tá Dương Tự Trọng về việc tổ chức đưa anh trai Dương Chí Dũng bỏ trốn ra nước ngoài tiếp tục diễn ra.
Tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Đình Hưng trình bày lại quan điểm của mình đối với vụ án, đề nghị HĐXX xem xét đánh giá so với quan điểm định tội của VKS, hướng nào có lý hơn. Luật sư cho rằng, VKS cáo buộc Dương Chí Dũng sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch, vi phạm quy định quản lý về hải quan, xuất nhập cảnh nhưng thực tế Dương Chí Dũng có làm thủ tục hợp pháp, được cửa khẩu đóng dấu thị thực nhập cảnh Campuchia. Như vậy, theo luật sư, việc đó không xâm phạm quy định quản lý về xuất nhập cảnh.
Dương Tự Trọng và các bị cáo tại tòa.
Luật sư Hưng cũng cho rằng, tình tiết định tội “tổ chức” để người khác trốn đi nước ngoài không phải là tình tiết để định khung tăng nặng tội trạng của các bị cáo như VKS cáo buộc.
Luật sư cho rằng vì tính chất vụ án tại Vinalines lộ ra sau này, các bị cáo trong vụ án này đã phải chịu áp lực ảnh hưởng là vi phạm nghiêm trọng. Chính tình tiết có người mật báo với Dương Chí Dũng nói “chú né đi” nên mới có hành động của các bị cáo. Do đó, luật sư cho rằng nên dừng vụ án này, chờ làm rõ hành vi đó thì mới xem xét vụ tổ chức người khác đưa đi nước ngoài mới được xem xét đúng bản chất.
Việc các bị cáo Thắng, Dũng, Ánh đề nghị được giảm mức án, nữ kiểm sát viên cho rằng, đáng ra các bị cáo phải bị truy tố ở khung hình phạt cao hơn nhưng cơ quan tố tụng đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như thành khẩn khai báo, động cơ mục đích là vì tình cảm, vì quan hệ với Dương Tự Trọng nên mới có thể hạ khung truy tố xuống khoản 1 Điều 275.
Đại diện VKS đối đáp các quan điểm của luật sư. Về nội dung đưa ra của LS Nguyễn Đình Hưng cho rằng việc truy tố Dương Tự Trọng ở khoản 3 Điều 275 không có căn cứ, đại diện VKS lập luận, bị cáo đã giúp anh trai trốn sang Campuchia một cách nhanh nhất, trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan hải quan ở cửa khẩu Mộc Bài. Ngay trong chiều 17/5/2012 Dương Chí Dũng đã là bị can. Mặc nhiên lúc này CQĐT không bắt được bị can thì sẽ phải truy nã. Các bị cáo đã dùng thủ đoạn, lén lút đưa bị can trốn tránh. Về mặt chủ quan, các bị cáo thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.
Đại diện viện kiểm sát đã bác lại hồ sơ yêu cầu điều tra lại vụ Dương Chí Dũng bỏ trốn.
Dương Chí Dũng trốn chạy trong 4 tháng và chỉ bị bắt lại vì có sự phối hợp, làm quyết liệt của công an 2 nước Việt Nam, Campuchia.Việc bị bắt lại nằm ngoài mong muốn của Dương Chí Dũng và các bị cáo.
Việc này gây ảnh hưởng ngay tức thì với việc điều tra, gây ảnh hưởng với xã hội, làm cho dư luận nhân dân có sự nghi ngờ các cơ quan nhà nước không đảm bảo sự thực thi của pháp luật.
Vụ án này có kẻ chủ mưu tổ chức, điều hành, có người thực hiện. Dương Tự Trọng là người chỉ huy cầm đầu, ngoan cố. Vì vậy thực hiện việc truy tố bị cáo ở khoản 3 là hợp lý.
Với bị cáo Sơn, đại diện VKS cho rằng bản thân Vũ Tiến Sơn đã thừa nhận mình là người đứng thứ 2 trong số các bị cáo. Thực tế Vũ Tiến Sơn tiếp nhận thông tin vụ việc từ ngày 17/5/2012 và tham gia hết cả quá trình Dương Chí Dũng sau đó, tích cực thực hiện mong muốn của Dương Tự Trọng là tổ chức cho anh trai trốn đi được. Chính Sơn là người trực tiếp liên lạc với Dũng Bắc Kạn và Đồng Xuân Phong để 2 người này đưa Dương Chí Dũng từ Việt Nam trốn sang Campuchia. Sơn cũng là người trực tiếp yêu cầu Dũng Cạn, Phong Gió nhiều lần sang Campuchia lo liệu, sắp xếp cho Dương Chí Dũng trốn.
Bác lại các ý kiến của luật sư, đại diện cơ quan công tố đề nghị người bào chữa phải tập trung vào những quan điểm định tội đưa ra.
Về các tình tiết mới phát sinh trong vụ án, đại diện VKS khẳng định đã đề nghị để tòa yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ theo quy định pháp luật.
Với đề xuất trả hồ sơ vụ Dương Chí Dũng bỏ trốn để điều tra lại của luật sư, đại diện VKS cho rằng đã đủ căn cứ kết tội tất cả các bị cáo trong vụ án. Vụ án được điều tra đầy đủ nên không có căn cứ nào để trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Kiểm sát viên thứ 2 tham gia phiên tòa ý kiến thêm về quan điểm của luật sư bảo vệ cho Phạm Minh Tuấn. Theo nữ kiểm sát viên, Tuấn khai là bạn thân của Dương Tự Trọng nhưng sẵn sàng giúp đỡ, tiếp nhận chỉ đạo, ý kiến của bị cáo Trọng trong bất cứ điều kiện nào. Như vậy, dù không được bàn bạc nhưng tính chất, tinh thần tiếp nhận của Phạm Minh Tuấn rất cao. Vì vậy, theo đại diện cơ quan công tố, việc truy tố Phạm Minh Tuấn là đúng tinh thần, đúng pháp luật.
Văn Nguyễn