LTS: Quá trình nghiên cứu, tìm hiểu việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, phòng chống cháy nổ liên quan đến các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, phóng viên Người Đưa Tin nhận thấy nhiều bất cập trong việc quản lý cũng như xử lý vi phạm tại địa phương này. Nhiều dấu hiệu cho thấy các cơ quan chức năng tại Bắc Giang đã buông lỏng quản lý dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường. Các cơ sở chế biến gỗ hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong thời gian dài nhưng không được xử lý dứt điểm gây bức xúc cho người dân và gây thiệt hại cho chính các cơ sở sản xuất này.
Những vấn đề trên cùng với tâm tư của người trong cuộc sẽ được Người Đưa Tin đề cập đến trong loạt bài “Bắc Giang: Bất cập công tác quản lý các cơ sở chế biến gỗ"
Loạt cơ sở chế biến gỗ hoạt động khi chưa đủ điều kiện
Yên Thế là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Bắc Giang. Thời gian gần đây, nhiều địa phương ở huyện Yên Thế đang thay da đổi thịt từ những xưởng chế biến gỗ như: Xưởng bóc gỗ, xưởng ép gỗ, xưởng băm dăm... Mô hình này đã góp phần thoát nghèo, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, do dấu hiệu bị buông lỏng trong công tác quản lý quá trình xây dựng, hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ nên đã dẫn đến nhiều hệ lụy về đất đai, xây dựng, môi trường, giao thông và nhất là phòng chống cháy nổ.
Video hàng loạt cơ sở chế biến gỗ Yên Thế - Bắc Giang.
Theo ghi nhận, thời gian qua trên địa bàn huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang tràn lan tình trạng các nhà xưởng chế biến gỗ có dấu hiệu xây dựng trái phép trên đất nông và lâm nghiệp, thậm chí xây dựng trên hành lang thoát lũ…
Hầu hết các cơ sở vi phạm đều nằm tập trung tại địa bàn các xã như: Đông Sơn, Đồng Vương, Đồng Hưu, Tân Sỏi, Đồng Tâm… thị trấn Bố Hạ và thị trấn Phồn Xương.
Tài liệu phóng viên thu thập được thể hiện, cơ quan chức năng huyện Yên Thế dù đã vào cuộc kiểm tra và nắm được vi phạm của các cơ sở chế biến gỗ, thế nhưng việc hướng dẫn, xử lý vi phạm vẫn còn nhiều bất cập. Chính vì vậy, một số doanh nghiệp hoạt động không đầy đủ các quy định, khi gặp sự cố không biết phải “bấu víu" vào đâu.
Nhà máy chế biến gỗ “mọc” trên hành lang thoát lũ?
Từ thông tin của người dân, về việc một doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ ngang nhiên xây dựng trên hành lang thoát lũ sông Thương tại TDP Liên Tân, thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế, phóng viên đã có mặt để ghi nhận hiện trạng của cơ sở này.
Theo quan sát của phóng viên, nơi mà người dân phản ánh là của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Fulin Wood. Từ trên cao có thể thấy cơ sở này rộng hàng chục nghìn mét vuông, được chia thành nhiều khu nhà xưởng với quy mô rất lớn.
Được biết người đại diện của doanh nghiệp trên là bà Doãn Thị Nguyệt có địa chỉ tại huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.
Tài liệu của UBND thị trấn Bố Hạ cung cấp, khu đất Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Fulin Wood được bà Nguyệt thuê lại của Công ty CP Thương mại Chế biến Lâm sản Vĩnh Hợp do ông Nguyễn Văn Hà là người đại diện. Mức giá thuê là 450.000.000/tháng.
Căn cứ theo biên bản làm việc của UBND thị trấn Bố Hạ ngày 12/6, tại thời điểm kiểm tra Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Fulin Wood, bà Nguyệt chỉ cung cấp được giấy phép kinh doanh và một số hợp đồng lao động với công nhân đang tham gia sản xuất tại doanh nghiệp này. Về phương án phòng cháy chữa cháy và phương án bảo vệ môi trường, thời điểm kiểm tra doanh nghiệp chưa cung cấp được dù đang hoạt động bình thường với thành phẩm tại kho khoảng 1000m3 ván ép.
Mặc dù vậy, phía UBND thị trấn Bố Hạ chỉ đề nghị Công ty hoàn thiện các giấy tờ liên quan và đảm bảo cho người lao động mà không có bất kì biện pháp ngăn chặn hoạt động “chui” của doanh nghiệp này.
Trong buổi làm việc với UBND thị trấn Bố Hạ, ông Mai Xuân Vinh - Chủ tịch UBND thị trấn Bố Hạ cho biết, do mới về quản lý địa phương nên chưa thể nắm rõ hết các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên ông Vinh khẳng định sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp hoạt động không đảm bảo quy định của pháp luật, đồng thời ông Vinh cũng cắt cử cán bộ phối hợp với phóng viên trực tiếp đi khảo sát các cơ sở có dấu hiệu vi phạm nhằm tuyên truyền và ghi nhận thực trạng. Chủ tịch thị trấn Bố Hạ cũng hứa xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm trên địa bàn.
Sau vụ cháy nhà xưởng trái phép vẫn "vô tư" xây dựng lại
Tại xã Đông Sơn, huyện Yên Thế nơi được coi là “thủ phủ” của các cơ sở chế biến gỗ. Đáng nói, công tác quản lý ở đây còn có dấu hiệu bị buông lỏng một cách đáng báo động.
Cụ thể vào ngày 26/8, Công an huyện Yên Thế (Bắc Giang) nhận được tin báo của Công an xã Đông Sơn về việc xưởng ép gỗ của gia đình ông Nguyễn Văn Hà (SN 1962), trú tại thôn Bến Trăm, xã Đông Sơn bị cháy.
Đám cháy đã thiêu rụi nhiều tài sản, kho tàng của cơ sở sản xuất gỗ nêu trên. Qua vụ cháy trên Công an huyện Yên Thế khuyến cáo các hộ gia đình, chủ các cơ sở kinh doanh, sản xuất trên địa bàn huyện cần nêu cao tinh thần trách nhiệm và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật đối với công tác phòng, chống cháy nổ.
Tưởng rằng sau việc ở trên công tác quản lý PCCC, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường được các cơ quan chức năng xã Đông Sơn và huyện Yên Thế thắt chặt hơn thế nhưng, theo người dân ngay sau đó chủ cơ sở này ngay lập tức cho xây dựng lại nhà xưởng và tiếp tục sản xuất chế biến gỗ với quy mô lớn.
Cũng tại khu vực Bến Trăm, xã Đông Sơn, phóng viên ghi nhận có hàng loạt các cơ sở chế biến gỗ có dấu hiệu hoạt động trái phép với quy mô rất lớn. Hầu hết các cơ sở này đều sản xuất mặt hàng gỗ ép… Một số cơ sở còn có dấu hiệu thực hiện việc nấu hóa chất (keo dán gỗ) ngay tại trong khu sản xuất. Khu vực phía trong các nhà xưởng này và bên ngoài đều tập kết rất nhiều vật liệu dễ bắt lửa, các thùng đựng hóa chất nhưng phóng viên cũng không ghi nhận được hệ thống thiết bị PCCC theo đúng quy định của cơ quan quản lý.
Tại khu vực Đồi Lánh, xã Đông Sơn nơi đây cũng có hàng loạt các cơ sở chế biến gỗ với quy mô không kém khu vực Bến Trăm. Đáng chú ý, ngay cạnh trạm Y tế xã Đông Sơn hàng loạt cơ sở chế biến gỗ cũng "bủa vây" nơi đây. Có thể thấy, ngoài các xưởng sản xuất gỗ ép thì nơi đây lại phát triển mạnh mẽ về bóc và băm các loại gỗ.
Tại xã Đồng Tâm, một khu nhà xưởng sản xuất gỗ rộng hàng nghìn mét vuông cũng đang trong quá trình hoàn thiện và hoạt động. Xung quanh được chắp vá bằng tôn, xây tường gạch và chia thành nhiều khu để sản xuất và chứa thành phẩm.
Ngay sau khu chợ tại xã Đồng Hưu đường vào mỏ than Bố Hạ, theo ghi nhận của phóng viên một khu chế biến gỗ “khủng" cũng đang hoạt động hết công suất. Phía sau cơ sở này cũng xuất hiện dấu hiệu đào bới khai thác tài nguyên một cách nham nhở. Theo người dân việc đào bới này đã diễn ra từ lâu, quan sát bằng mắt thường có thể thấy một phần lớn diện tích đất đồi đã được “bóc tách” để tạo mặt bằng.
Trong khi đó nằm sát nghĩa trang xã Tân Sỏi một cơ sở chế biến gỗ quy mô lớn cũng đang hoạt động rầm rộ. Ngoài ra, thời điểm phóng viên ghi nhận cũng phát hiện một số nhà xưởng đang được xây dựng mới.
Ngoài những địa điểm ở trên, ghi nhận của phóng viên trên địa bàn huyện Yên Thế còn rất nhiều các cơ sở chế biến gỗ nằm rải rác tại các xã. Một số cơ sở dù chỉ cách UBND huyện vài trăm mét nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động khi chưa đảm bảo các quy định pháp luật.
Xe quá khổ, quá tải "ăn theo" các cơ sở chế biến gỗ
Từ những nhà xưởng chế biến gỗ tại huyện Yên Thế, phóng viên cũng ghi nhận tình trạng các phương tiện có dấu hiệu quá khổ quá tải "ăn theo" vào các cơ sở này.
Cụ thể, các phương tiện chở gỗ nguyên liệu như gỗ kéo, bạch đàn đều được chất cao hơn rất nhiều so với kích thước thùng hàng. Quá trình di chuyển nhiều xe chở gỗ dăm lại không được che chắn kỹ khiến gỗ rơi vãi xuống đường ảnh hưởng đến môi trường cũng như người dân khi tham gia giao thông.
Đơn cử như tại xã Đông Sơn hàng ngày những xe chở gỗ với hàng chục khối gỗ được chất cao vút, nghênh ngang di chuyển như chỗ không người khiến cho các phương tiện tham gia giao thông cảm thấy lo sợ những khúc gỗ rơi xuống đường.
Thế nhưng điều đáng nói, ở đây không hề thấy bóng dáng lực lượng chức năng tuần tra xử lý và kịp thời ngăn chặn các hành vi trên.
Một người dân tại huyện Yên Thế cho biết, mỗi lần đi đón cháu tan học gặp những xe chở gỗ này họ đều rất lo sợ. Ngoài ra mỗi khi xe chở gỗ dăm đi qua bụi gỗ bay vào mắt rất khó chịu...
Cán bộ huyện Yên Thế: "tất cả đều vi phạm...phóng viên cứ viết vì cả tỉnh như vậy"
Liên quan đến cơ sở vật chất của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Fulin Wood được xây dựng trên hành lang thoát lũ, trao đổi với phóng viên, một cán bộ huyện Yên Thế cho biết, có nắm sơ qua nội dung trên, tuy nhiên theo vị này khu vực phóng viên đề cập đang vướng phải quy hoạch 257 về quyết định phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều, bởi quy hoạch này đã có từ lâu và thực tế hiện nay quy hoạch này gây nhiều bất cập và khó khăn cho người dân.
Nói về hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ tại huyện Yên Thế, lãnh đạo phòng Tài nguyên và Môi trường huyện nay cho biết:"Toàn huyện có khoảng hơn 200 cơ sở chế biến sản xuất gỗ. Trước đây các xã đã gửi danh sách lên nhưng chưa được chính xác, bởi các đơn vị quy mô khác nhau, xưởng ít xưởng nhiều, có xưởng dừng sản xuất. Đối với chỗ Bến Trăm xã Đông Sơn nấu keo và có trường hợp cháy nhưng vẫn tái hoạt động xây dựng tôi không nắm được, chưa nghe được thông tin vụ việc trên, hiện giờ bọn tôi mới tiến hành rà soát. Tất cả các xưởng đang phản ánh đều có vi phạm, đến bây giờ mới đang chỉ đạo và thực hiện theo chỉ thị 19, và đang xem xét các trường hợp vi phạm đất đai từ 2020 đến nay. Quan điểm là phải xử lý nghiêm tất cả các vi phạm, còn cái gì đã xảy ra thì đành chấp nhận. Trước đây không ai kiểm tra xử lý thì bây giờ phải đang làm. Hiện tại thì chưa có xưởng nào bị xử phạt."
Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc các cơ sở chế biến gỗ xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang thoát lũ, phòng Tài nguyên môi trường huyện có lập biên bản xử lý không? thay vì trả lời câu hỏi vị này lại cho rằng: "Đúng thế, cả một quá trình nó xây thật, phóng viên cứ viết thế… cả tỉnh như vậy."
Về giấy phép bảo vệ môi trường của các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn huyện Yên Thế… vị này thông tin: “Cái có, cái không, trước đây các cơ sở tự phát mở ra do các hộ dân có đất ở, đất vườn xây dựng, họ chỉ có đăng ký kinh doanh. Về trường hợp xây dựng trên hành lang thoát lũ của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Fulin Wood đây là trong khu công nghiệp…"
Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị tiếp cận tài liệu liên quan đến nguồn gốc đất của cơ sở trên thì vị này không cung cấp được. Thêm vào đó, vị này còn cho rằng nhiều doanh nghiệp “chết dở” với quy hoạch 257, đặc biệt những trường hợp xây dựng trước khi quyết định ra đời.
Quay trở lại tình trạng các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn huyện Yên Thế, theo tìm hiểu của phóng viên, điểm chung của các cơ sở này là thiếu các thiết bị PCCC và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, đồng thời có dấu hiệu xây dựng trái phép trên nhiều loại đất khác nhau như đất lâm nghiệp, nông nghiệp và đất ở nông thôn thậm chí là hành lang thoát lũ.
Đáng nói, không hiểu vì lý do gì mà việc ngăn chặn xử lý vi phạm lại không được thực hiện một cách triệt để. Vì vậy, dư luận cho rằng tại huyện Yên Thế đang có dấu hiệu “bật đèn xanh" cho các vi phạm tồn tại và tái diễn.
Trước đó Người Đưa Tin đã có bài viết: "Bắc Giang: Phê bình Chủ tịch, Phó Chủ tịch huyện Yên Thế". Cụ thể, ngày 23/05 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang đã có Công văn số 2640/UBND-KTN về việc nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm về đất đai tại huyện Yên Thế.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang có ý kiến: Phê bình Chủ tịch, Phó Chủ tịch huyện Yên Thế (phụ trách lĩnh vực đất đai) trong việc không kịp thời chỉ đạo và tổ chức xử lý nghiêm vi phạm đất đai trên địa bàn đối với 11 trường hợp, trong đó tại xã Xuân Lương 02, xã Đồng Vương 02, xã Tam Tiến 06, thị trấn Phồn Xương 01.
UBND huyện Yên Thế nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra các tồn tại vi phạm đất đai nêu trên. Yêu cầu xử lý vi phạm, khắc phục hậu quả vi phạm trước ngày 30/08/2024. Rà soát, chấn chỉnh công tác xử lý vi phạm đất đai trên địa bàn huyện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Chỉ thị số 19-CT/TU.
Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin.