Dư luận đặt câu hỏi, không hiểu một số cán bộ của cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Bắc Giang yếu nghiệp vụ, coi thường pháp luật, vô cảm hay vì lý do gì mà để xảy ra nhiều sai sót nghiêm trọng đến mức khó chấp nhận trong quá trình điều tra, kết án, khiến người vô tội phải ngồi tù oan ức, tức tưởi đến vậy?
“Mày không khai, tao cho mày chết”?
Sau 10 năm ngồi tù oan, bị đày đọa về tinh thần, sức khỏe suy kiệt nên nhiều việc ông không nhớ. Nhưng việc các điều tra viên đánh đập, ép cung bắt nhận tội thì găm vào tim ông. Ông kể, điều tra viên Trần N.L. tay cầm dao, lăm lăm đe doạ ông.
Điều tra viên L. hỏi: “Mày có khai không, tao cho mày chết”. Điều tra viên D. đánh tôi, bắt tôi tập đi tập lại các động tác từ trong trại giam để đi thực nghiệm tại hiện trường” - ông Chấn nói.
Ông Nguyễn Thanh Chấn bị tù oan 10 năm
“Từ đó, các cán bộ: Nguyễn V.D, Ngô Đ.D, Đào V.B, Nguyễn T.T, T, Trần N.L thay nhau túc trực tôi suốt ngày đêm này sang đêm khác không cho tôi về và không cho tôi ngủ, dọa nạt ép buộc bắt tôi”.
“Cán bộ Trần N.L bắt tôi vẽ dao, tôi không vẽ loại dao gì lại bảo cho mày cái búa vào đầu cho mày chết bây giờ vì cán bộ Nguyễn H.T trên tay lúc nào cũng cầm dao hăm dọa ép buộc tôi phải nhận. Tiếp đó, cán bộ Ngô Đ.D đọc và bắt ép tôi viết đơn tự thú ngày 28/9/2003...
Tại trang 10 của bản án phúc thẩm, "tội ác" của Chấn được kết luận hết sức đanh thép: "Hành vi giết người của Chấn thể hiện sự hung hãn, tàn bạo và hết sức độc ác và y cố tình thực hiện tội phạm đến cùng". Và để củng cố cho kết luận của mình, phiên tòa phúc thẩm cũng nêu rõ quan điểm: "Tòa án cấp sơ thẩm quy kết Nguyễn Thanh Chấn theo điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự về tội giết người là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, không oan như lời nại ra của y".
Đặc biệt hơn, tại trang 8 của bản án phúc thẩm đã gạt đi mọi lời kêu oan và tố cáo ép cung của ông Chấn khi cho rằng đó chỉ là ngụy tạo. Thậm chí bản án còn kết luận: "Lời ngụy tạo trên đây của Chấn là không có căn cứ bởi tính manh nha, xảo trá của sự bịa đặt".
8 người bị án oan, 1 người chết trong trại giam
Năm 2003, cùng thời điểm xử án “giết người, hiếp dâm” bị can là ông Nguyễn Thanh Chấn, các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang còn xử án “Trộm cắp tài sản”, bị can là 8 công dân sống trong tỉnh.
Ông Dương Phúc Thịnh, 1 trong những bị cáo của vụ trộm cổ vật tại buổi xin lỗi của VKSND tỉnh Bắc Giang.
8 công dân này bị cáo buộc gây ra hàng loạt vụ trộm cắp tượng, cổ vật trong nhiều đình, chùa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong khoảng thời gian từ tháng 6-2001 đến tháng 7-2003.
Thái độ làm việc cảm tính, chủ quan, dùng vũ lực để ép cung lại gây thêm án oan sai cho 8 công dân trên.
Hơn 2 năm trời, trải qua 4 phiên tòa, không đủ chứng cứ để buộc tội những người bị truy tố, 8 bị can đã được đình chỉ điều tra, xác định bị oan. Trong các phiên tòa các bị can đều một mực kêu oan, và tố cáo mình bị đánh đập, ép cung ở cơ quan cảnh sát điều tra.
Đặc biệt, bị can Phan Hữu Hường - một nhà sư - đã chết trong trại tạm giam Kế (tỉnh Bắc Giang) khi chưa kịp giải oan và sau đó được kết luận do bị bệnh.
Trong các phiên tòa các bị can đều một mực kêu oan, và tố cáo mình bị đánh đập, ép cung ở cơ quan cảnh sát điều tra.
Tuy nhiên, phải tới phiên tòa lần thứ 4 ( khoảng tháng 6/2006), Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang mới tuyên cả 8 bị cáo trong vụ việc này đều vô tội và trả tự do ngay tại tòa.
Mãi 2 năm sau (tháng 7-2008), ban lãnh đạo VKSND tỉnh Bắc Giang mới tiến hành xóa án tích và công khai xin lỗi những nạn nhân chịu án oan.
5 năm tù oan vì bị kết tội buôn người
Ngày 9 tháng 4 năm 1998, Bà Đỗ Thị Hằng (SN 1953) ở tổ 12 phường Mỹ Độ, TP.Bắc Giang, nay là số nhà 73, tổ 2, xóm Cầu Tre, phường Mỹ Độ, TP Bắc Giang, bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Giang với hai tội danh “mua bán phụ nữ” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân
Bà Hằng ngồi tù 5 năm vì bị kết tội “mua bán phụ nữ” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân.
Hơn 10 năm trước, khi bà Hằng là nạn nhân trong một vụ buôn người qua Trung Quốc, nhưng bà may mắn được cảnh sát Trung Quốc giải cứu và đưa về nước an toàn. Thế nhưng "Niềm vui ngắn chẳng tày ngang" thì bà bất ngờ bị công an Bắc Giang bắt giữ vì có liên quan đến đường dây buôn bán người trái phép qua biên giới.
Khi đó, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Bắc Giang cho rằng bà Hằng là người cầm đầu đường dây buôn bán người trái phép trọng vụ buôn người này là Dương Thị Liễu trú tại Hiệp Hòa, Bắc Giang.
Thi hành án xong, bà Hằng ra tù thì cũng là lúc bà nạn nhân Dương Thị Liễu đã trở về quê sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc, bà Dương Thị Liễu đã xác nhận về việc bà Hằng không phải là thủ phạm lừa bán bà Liễu qua biên giới.
Tuy nhiên đã hơn 10 năm nay, rất nhiều lá đơn gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng, nhưng mọi việc vẫn đang trong quá trình ... xem xét.
4 lần tuyên án tử với tội danh “Giết người, hiếp dâm”
Sáng 13/11, bà Nguyễn Thị Mai, 43 tuổi là vợ của bị cáo Hàn Đức Long (SN 1959, ngụ xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, người bị các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang 4 lần tuyên án tử hình với tội danh “Giết người, hiếp dâm trẻ em”.) đã mang đơn kêu cứu khẩn cấp nộp lên VKSND Tối cao để nhờ cơ quan công lý này soi xét minh oan.
Bị cáo Hàn Đức Long (giữa) tại phiên tòa phúc thẩm cuối tháng 11/2011 (Ảnh do VKSND tỉnh Bắc Giang cung cấp).
Nhận thấy vụ án có dấu hiện oan sai nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã có thư tay gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị điều tra lại.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, khoảng 19 giờ ngày 26/6/2005, vợ chồng anh Sơn, chị Liễu (ngụ huyện Tân Yên) không thấy con gái tên là Yến (5 tuổi) nên đi tìm. Sáng hôm sau, có người phát hiện xác của cháu Yến tại mương nước ngoài đồng. Khám nghiệm hiện trường và tử thi cho thấy âm đạo cháu bị rách.
Sau 4 tháng không tìm ra thủ phạm, Cơ quan điều tra (CQĐT) Công an tỉnh Bắc Giang tạm đình chỉ điều tra vụ án và kêu gọi dân tố giác tội phạm, trình báo việc trước nay có ai bị hiếp dâm hoặc biết được hành vi tình dục bất thường của ai đó thì báo. Khoảng thời gian sau, CQĐT bất ngờ nhận được đơn tố cáo của bà Ngô Thị Khuyến (SN 1930) và con gái của bà Khuyến là Trương Thị Năm (SN 1960) đều tố cáo bị ông Long hiếp dâm (hai người này từng có mâu thuẫn tranh chấp đất đai với ông Long). CQĐT lập tức bắt giam ông Long để điều tra. Trong quá trình hỏi cung, bị can Long thú nhận hiếp dâm mẹ con bà Khuyến và hiếp, giết cháu Yến.
TAND tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm tuyên Hàn Đức Long án tử hình, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao xử phúc thẩm tuyên y án tử hình. Sau đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xử Giám đốc thẩm hủy 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm và yêu cầu điều tra lại từ đầu. Năm 2011, TAND tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm lần hai và Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao xử phúc thẩm lần hai vẫn giữ nguyên phán quyết tử hình.
Tại phiên tòa xét xử, căn cứ vào hồ sơ điều tra thể hiện bị cáo đã nhận tội nhưng trong phiên tòa, bị cáo Long đều chối tội và khai bị đánh đập, bức cung. Đáng chú ý, vụ án xảy ra vào năm 2005 nhưng đến khi phải điều tra lại vào năm 2011 thì bị hại Trương Thị Năm cùng Trương Văn Sáu (con trai bà Khuyến) đã xin rút đơn đề nghị xử lý ông Long.
Theo lời bà Mai, từ lúc chồng bà bị tuyên án tử hình, đã rất nhiều lần bà trực tiếp được gặp chồng trong trại giam. Chồng tôi nói rằng: “anh bị oan, vì bị ép nhận tội nên anh nghĩ rằng cứ nhận để khi ra toà được minh oan”.
TS. Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên giảng viên Đại học An ninh nhân dân (từ những khóa học đầu tiên). Sau này, khi về công tác tại vụ Pháp chế (bộ Công an), TS. Hùng nhận thấy, trên thực tế, việc xác định chứng cứ buộc tội còn quá nhiều khoảng trống. Vì vậy, theo TS. Hùng: Nguyên nhân xuất phát từ sự hạn chế về trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ; thiếu tinh thần trách nhiệm, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của một số cán bộ thi hành công vụ. Bên cạnh đó, ngay chính các quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 về vật chứng cũng thể hiện nhiều bất cập dẫn đến việc áp dụng pháp luật tuỳ tiện, không thống nhất như thời điểm, cách thức chuyển giao vật chứng để bảo quản, một số khái niệm liên quan đến tài sản được xác định là vật chứng, biện pháp xử lý vật chứng. |
Theo
Loan Hoàng
(Đời sống & Pháp luật Online)