Trong phiên tòa ngày hôm qua tại Tế Nam, Bạc Hy Lai, một thời là ngôi sang đang lên của chính trường Trung Quốc, xuất hiện với sự mệt mỏi, rầu rĩ và đối mặt với các tội danh hối lộ, và lạm dụng chức quyền.
Một thời là chính trị gia đầy lôi cuốn và gây tranh cãi, ông Bạc đã bị giam giữ trong hơn một năm qua. Trong suốt thời gian đó, tên của ông vẫn thường xuyên xuất hiện trên các dòng tin chính nhưng bản thân ông thì chưa bao giờ xuất hiện trước công chúng.
Trong phiên tòa ngày hôm qua tại Tế Nam, Bạc Hy Lai xuất hiện với sự mệt mỏi, rầu rĩ và đối mặt với các tội danh hối lộ, và lạm dụng chức quyền.
Các nhà phân tích cho rằng tiến trình của tòa án mang ý nghĩa thu xếp công việc nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiều hơn là tìm ra công lý.
“Đó là cuộc diễn tập về chính trị”, Joseph Cheng, giáo sư chính trị học của Đại học Hồng Kông, trả lời phỏng vấn kênh CNN (Mỹ) trước khi phiên tòa bắt đầu.
“Đó không phải là phép thử, mà là vụ thu xếp về chính trị”, ông nhận định.
Ông Cheng cho rằng mức án dành cho ông Bạc sẽ là sự trừng phạt dành cho ông vì đã thách thức Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc vì chính “mô hình Trùng Khánh” và chiến dịch lấy lòng dân rầm rộ của ông Bạc.
Toàn cảnh phiên tòa xét xử Bạc Hy Lai, Cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh.
Theo nhà báo Kathleen McLaughlin trên tờ Christian Science Monitor, vụ “ngã ngựa” của ông Bạc Hy Lai cho thấy phong cách cá nhân “khác người” của ông khiến các nhà lãnh đạo Đảng khó chịu và ông bị “trừng phạt” để làm gương cho các nhà lãnh đạo nào có phong cách tương tự dù cho các nhà lãnh đạo đó được dư luận yêu mến.
“Các chính trị gia và các thị trưởng đầy nhiệt huyết khác nên rút ra bài học từ vụ việc của ông ấy rằng họ không nên khiến các quan chức khác tức giận. Thực sự thì Bạc Hy Lai rất giỏi sử dụng sự ủng hộ của dư luận và truyền thông để nâng mình lên nhưng ông ấy quá hiếu thắng và khiến các phe phái xung quanh cảm thấy lo ngại. Họ không muốn nhìn thấy một nhân vật chính trị mới giống Mao Trạch Đông”, nhà sử học và chính trị học Zhang Lifan nhận xét.
Hối lộ là tình trạng phổ biến trong hệ thống chính trị Trung Quốc nhưng vụ bê bối của Bạc Hy Lai là điều không thể tránh khỏi do Vương Lập Quân, giám đốc công án Trùng Khánh đã tiết lộ về vụ giết người mà vợ ông là nghi can. Vụ bê bối đã phơi bày sự chia rẽ trong nội bộ Đảng Cộng sản trong lúc giới lãnh đạo Trung Quốc chuẩn bị cuộc chuyển giao quyền lực 10 năm một lần vào tháng 11 năm ngoái và Bạc Hy Lai còn là một trong những ứng cử viên sáng giá cho vị trí Ủy viên thường trực Bộ Chính trị.
Các nhà quan sát tình hình Trung Quốc cho rằng có khả năng vụ “ngã ngựa” của ông Bạc cũng khiến chính trường Trung Quốc có cái nhìn coi thường đối với những nhà lãnh đạo nào chọn phong cách cá nhân lôi cuốn hay lối lãnh đạo dựa trên sự “sùng bái cá nhân”.
Hiện chưa rõ Bạc Hy Lai sẽ bị “trừng phạt” như thế nào nhưng những gì ông Bạc thể hiện tại tòa ngày hôm qua cho thấy ông sẽ không đơn giản làm theo kịch bản đã dựng sẵn (nếu có).
Và tại Mỹ, Bạc Qua Qua, con trai ông Bạc, gửi lời nhắn nhủ mong cha mình “tự bào chữa mà không hề run sợ”.
Tờ Thời báo New York (New York Times) dẫn lời Bạc Qua Qua hôm 19/8 rằng: “Tôi hi vọng trong phiên tòa tới, cha tôi sẽ có cơ hội được phản hồi trước những lời chỉ trích ông ấy và tự bào chữa cho mình mà không hề run sợ”.
Nhưng Bạc Qua Qua cũng bày tỏ: “Nếu tính mạng của tôi được dùng để đánh đổi lấy việc cha tôi nhận tội hay mẹ tôi phải hợp tác nhiều hơn nữa thì đó sẽ là bản án vô đạo đức”.
Theo Infonet