Trong khi bản án được tuyên, an ninh bên ngoài tòa án được xiết chặt, với hàng chục cảnh sát đứng bảo vệ quanh tòa án. Nhiều hàng rào được dựng lên cách tòa án hơn 50 mét nhằm ngăn không cho người dân tới gần. 10h8’ sáng 22/9, cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai đã được dẫn vào phòng xét xử để nghe phán quyết của tòa đối với 3 tội danh tham nhũng, nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực. Theo thông tin từ tài khoản mạng xã hội Sina Weibo của Tòa án nhân dân thành phố Tế Nam, phiên tòa sáng nay có sự tham dự của 3 thành viên gia đình ông Bạc, 22 phóng viên và 89 người “thuộc mọi tầng lớp xã hội”.
Tòa đã lần lượt bác bỏ những biện hộ của ông Bạc trong các phiên xét xử hồi tháng 8 vừa qua, như ông cho rằng vợ ông bị “tâm thần” khi ra làm chứng chống lại ông, hay ông không nhận hối lộ cũng như không lạm dụng quyền lực để che đậy cho vụ giết người của vợ. Tòa án Tế Nam lần lượt công bố nội dung kết luận của tòa án. Trong đó nêu rõ thông qua quá trình xác thực, nghe lời khai và biện hộ, tòa án xác nhận Bạc Hy Lai phạm tội và lời biện hộ không có căn cứ.
Chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán Vương Húc Quang đã thông báo phán quyết trên lúc 10h56’ sáng 22/9 (giờ địa phương), tuyên án Bạc Hy Lai 64 tuổi, từng là một trong 25 chính trị gia hàng đầu của Trung Quốc tù chung thân, tước quyền tham gia các tổ chức chính trị suốt đời và tịch thu mọi tài sản cá nhân với những tội danh nhận hối lộ, biển thủ công quỹ, lạm quyền.
Bản án trên đối với ông Bạc Hy Lai nặng hơn dự đoán của giới chuyên gia. Trước khi phiên tuyên án bắt đầu, giới phân tích khẳng định ông sẽ bị kết án có tội nhưng họ chỉ dự đoán về một bản án tù nhiều năm, chứ không phải là tù chung thân. Vụ xét xử ông Bạc cũng cho công chúng Trung Quốc có lần hiếm hoi biết về đời sống của người giàu, quyền lực ở Trung Quốc, khi xuất hiện những chi tiết về các chuyến đi nghỉ cùng những dinh thự xa xỉ.
Bạc Hy Lai tại phiên toà.
Bức thư gửi gia đình trước khi án chung thân được công bố
Trong khi chờ đợi phiên tòa phán quyết này, Bạc Hy Lai đã viết một tâm thư gửi tới gia đình, được tin là viết từ ngày 12/9. Đây là lần đầu tiên liên lạc giữa cựu Ủy viên Bộ Chính trị 64 tuổi với gia đình ông được công khai kể từ khi ông bị bắt giữ vào hồi tháng ba năm ngoái. Hai người thân thiết với gia đình Bạc Hy Lai đã xác nhận với báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) rằng lá thư, vốn được truyền tay trong một nhóm những người ủng hộ ông từ hôm thứ Ba (17/9), do chính tay ông viết. "Tôi sẽ im lặng chờ đợi trong tù, cha tôi từng bị giam nhiều lần. Tôi sẽ theo chân của ông ấy". Cha Bạc Hy Lai, ông Bạc Nhất Ba là một trong những lão thành cách mạng có ảnh hưởng nhất từng bị giam dưới thời Cách mạng Văn hóa nhưng sau đó được minh oan.
Trong bức thư của mình, Bạc Hy Lai nói rằng: "Cha và mẹ đã qua đời, nhưng những lời dạy của họ sẽ mãi theo tôi. Tôi sẽ không làm hổ thẹn vinh quang của họ trong quá khứ. Tôi có thể chịu đựng được khổ cực hơn". Cựu bí thư Trùng Khánh nói rằng ông vẫn giữ một bức ảnh của mẹ bên mình và không cảm thấy cô đơn nữa khi mẹ luôn ở bên. Mẹ Bạc Hy Lai, bà Hồ Minh, đã tự vẫn trong Cách mạng Văn hóa. Trong bức thư viết trước ngày bị tuyên án của mình, Bạc Hy Lai cũng cảm ơn tới những người thân trong gia đình đã ủng hộ mình.
Trước đó, Bạc Hy Lai bị Tòa án nhân dân thành phố Tế Nam đưa ra nhiều cáo buộc như nhận hối lộ 21,79 triệu Nhân dân tệ (tương đương 3,55 triệu USD), biển thủ công quỹ 5 triệu Nhân dân tệ và lạm dụng quyền lực để can dự vào cuộc điều tra vụ vợ ông này giết hại thương nhân người Anh Neil Heywood hồi tháng 11/2011. Tòa án này đã có bước đi chưa từng có tiền lệ, khi công bố chi tiết phiên xử trên tiểu blog của tòa ở mạng Weibo.
Trong tuyên bố tóm tắt cáo trạng, phía công tố khẳng định các bằng chứng đưa ra trước tòa cũng như các đối chất tại tòa đủ để kết tội Bạc Hy Lai và yêu cầu tòa phán quyết mức án nặng. Tuy nhiên, Bạc Hy Lai đã phủ nhận phần lớn cáo buộc của bên công tố. Bị cáo cho rằng: “Những kết luận của phía kiểm sát là không đầy đủ. Đó chỉ là ý kiến riêng của bên kiểm sát. Trong 5 ngày xét xử, Bạc Hy Lai gọi nhân chứng là "chó điên", vợ "bị điên", người bạn "cánh tay phải" một thời là kẻ gian xảo và hai mặt. Bạc Hy Lai nói không hay biết số tiền hay căn nhà mà vợ mình được tặng, cũng không tham ô số tiền dự án ở Đại Liên. Bạc Hy Lai cũng đưa ra nhiều lập luận để chứng minh sự vô tội của mình và không liên quan đến số tiền hay việc phạm tội của vợ và các cấp dưới. Thông tin mới nhất cho biết sau phiên toà, ông Bạc Hy Lai đã tuyên bố kháng án.
Ngôi sao đã tắt trên “bầu trời chính trị” Trung Quốc
Bạc Hy Lai sinh năm 1949, sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, có cha là cựu Phó thủ tướng Bạc Nhất Ba. Vị thế này dường như đã biến Bạc Hy Lai nghiễm nhiên trở thành một trong những người được coi là thế hệ lãnh đạo kế cận của Trung Quốc. Bản thân Bạc Hy Lai là một nhà lãnh đạo đầy năng lực, được cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân để mắt và ủng hộ. Năm 2004, nhờ chứng tỏ được khả năng, Bạc Hy Lai được bầu vào Ban Chấp hành trung ương, giữ chức Bộ trưởng Thương mại và đã có nhiều đóng góp trong quá trình ký kết Hiệp định Thương mại Mỹ - Trung vào năm 2005.
Năm 2007, Bạc Hy Lai trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban thường vụ, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh. Dưới thời Bạc Hy Lai, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trùng Khánh đã khiến báo giới Trung Quốc hết lời ca ngợi. Bạc Hy Lai còn gây ấn tượng thông qua giải quyết êm thấm vụ đình công của tài xế taxi, giáo viên thành phố, không phải bằng cách cũ là cho cảnh sát bắt giữ người đình công. Ông mời những người đại diện đình công đến dự một diễn đàn cùng với ông được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình và thương thuyết điều kiện chấm dứt đình công một cách công khai. Thế nhưng, con đường công danh của ông Bạc bỗng dưng tàn lụi bởi bà vợ Cốc Khai Lai đã sát hại doanh nhân người Anh Neil Heywood…
Ông Bạc có mối quan hệ với nhiều diễn viên, người mẫu
Cặp vợ chồng đầy uy quyền một thời này của Trung Quốc vì sao mà tan vỡ? Rạn nứt ban đầu của cuộc hôn nhân có lẽ là do thói trăng hoa của ông Bạc. Theo tờ Want China Times, ông Bạc đã có quan hệ ngoài luồng với rất nhiều phụ nữ khi ông làm Thị trưởng thành phố Đại Liên. Nhưng mối quan hệ tình cảm với nữ phát thanh viên Trương Vĩ Kiệt là nổi bật nhất vào lúc cô này sinh cho ông Bạc một cô con gái. Thông tin về vụ việc này đã lan truyền khắp Đại Liên. Và “nàng Trương” rất biết cách phát huy mối quan hệ với đại gia của mình để mưu cầu lợi ích, chẳng hạn như thường xuyên nói với cấp trên của mình rằng: “Ông có thông tin nào muốn chuyển tới Bạc Hy Lai không? Tối nay tôi sẽ gặp ông ấy”. Trước mối quan hệ bất chính này, bà Cốc nổi giận và yêu cầu tỷ phú Từ Minh, Chủ tịch Tập đoàn Thực Đức Đại Liên thay mặt gia đình bà trao cho cô Trương 10 triệu nhân dân tệ (1,6 triệu USD) buộc cô này phải cắt đứt quan hệ với ông Bạc và giữ kín chuyện. Do ông Bạc nắm giữ vị trí cao trong Nhà nước, doanh nhân giàu có Từ Minh luôn tặng gia đình những món quà xa xỉ để đổi lấy việc được giúp đỡ trong kinh doanh. Hơn nữa, bà Cốc cũng bắt cô Trương phải chấp nhận rời khỏi thành phố, từ bỏ công việc và đem con gái đến nơi khác sinh sống.
Do bản tính háo sắc, ông Bạc còn cho thành lập một đội nữ cảnh sát trên lưng ngựa ở Đại Liên vào năm 1994, gồm các cô gái trẻ đẹp làm nhiệm vụ tuần tra đường phố. Theo Hoàn cầu Thời báo, việc này một thời đã gây tranh cãi trong dư luận vì chi phí để duy trì đội ngũ này rất tốn kém trong khi ngân sách lại eo hẹp. Hiện người ta đồn rằng đội nữ kỵ sĩ cảnh sát này có thể bị giải thể. Ngoài ra, ông Bạc có quan hệ tình ái với hơn 100 phụ nữ, trong đó có nhiều cô là diễn viên, người mẫu, phát thanh viên truyền hình nổi tiếng.
Theo tờ The Telegraph, vào cuối những năm 1990, tức giận vì bị chồng phản bội, bà Cốc trả đũa bằng cách quan hệ tình cảm với những người đàn ông và đem con trai của họ tới Anh sinh sống. Công ty mà bà Cốc thuê nhà cũng cho hay bà đã chung sống với 3 người đàn ông tại căn hộ trên, trong đó, có một kiến trúc sư người Pháp. Không chỉ vậy, bà Cốc còn có quan hệ tình cảm với cựu Cảnh sát trưởng Trùng Khánh Vương Lập Quân. Theo tờ South China Morning Post, mối quan hệ tình cảm của họ rất gắn bó thân thiết với nhau. Trong một bức thư gửi tới bà Cốc, Vương đã bày tỏ tình cảm thầm kín rằng ông đã chìm đắm trong tình yêu với bà và không thể kiểm soát được bản thân. Tuy nhiên, biết mối quan hệ tình cảm của mình là bất hợp pháp, Vương đã tự tát vào mặt mình 8 cái.
Bản án chung thân coi như dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của Bạc Hy Lai. Rất có thể ông sẽ kháng cáo, và vụ việc có thể phải được giải quyết ở một tòa án cấp cao hơn trong vòng 2 tháng tới. Theo luật, ông sẽ có 10 ngày để đệ đơn sau khi phán quyết của tòa được tuyên. Một cựu tù chính trị cam đoan với AFP, cho dù Bạc Hy Lai có bị kết án bao nhiêu năm tù đi nữa, ông hầu như có thể an tâm là sẽ được ở trong một nhà giam tiện nghi, và một ngày nào đó sẽ được giảm án.
Bạc Hy Lai sẽ ở “nhà tù 5 sao”?
Theo nhà báo Celia Hatton của BBC News tại Bắc Kinh, Bạc Hy Lai có thể sớm bắt đầu thụ án tù dài trong cùng nhà tù kiểu Liên Xô cũ, nơi cha ông, ông Bạc Nhất Ba, từng bị giam trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa hỗn loạn ở Trung Quốc. Nhà tù Tần Thành được xây dựng trên các ngọn đồi ở mạn Bắc của Bắc Kinh hồi năm 1958. Sử dụng kinh phí của Liên Xô, nhà tù ban đầu được xây cất để giam những người theo Quốc Dân Đảng của Trung Quốc chống lại những người cộng sản của Mao Trạch Đông. Ngày nay, Tần Thành vẫn là nhà tù "sang trọng" của Trung Quốc, nơi giam các chính trị phạm nhưng được đối xử như thường phạm, và các quan chức đảng cấp cao, những người thụ hưởng một loạt đặc quyền. Các tù nhân cao cấp của nhà giam Tần Thành có thể xem truyền hình trong thời gian từ 14:00 tới 21:00 hàng ngày và có thể đi dạo một mình trong các khuôn viên trại giam tới sáu lần mỗi tuần, theo một bài báo gần đây trên tờ Tin tức Bắc Kinh, một nhật báo có uy tín. Các tù nhân ở cấp cao như ông Bạc Hy Lai cũng được hưởng các bữa ăn tốt hơn. Không giống như các thường phạm, các tù nhân cao cấp dùng sữa vào bữa sáng. Bữa trưa và bữa ăn tối bao gồm hai món ăn Trung Quốc và một tô súp, mà đôi khi do một đầu bếp từ một khách sạn Bắc Kinh tới nấu. Sau mỗi bữa ăn, mỗi tù nhân cấp cao nhận được nhận một trái táo.
Hầu hết những người được hãng BBC phỏng vấn tin rằng ông Bạc sẽ theo chân các quan chức ngã ngựa khác tới Tần Thành để thụ án. Danh sách dài các cựu tù nhân bao gồm góa phụ nóng tính của Mao Trạch Đông, bà Giang Thanh, người đã thụ án trong suốt một thập niên trước khi bà được thả do lý do sức khỏe vào năm 1991, vài tháng trước khi bà tự sát. Cha của ông Bạc Hy Lai, ông Bạc Nhất Ba, đã bị giam ở Tần Thành sau khi ông bị tuyên án là một "kẻ phản cách mạng". Theo Tổ chức Nhân quyền ở Trung Quốc có trụ sở ở New York, một số người biểu tình từ thời Thiên An Môn vẫn còn thụ án chung thân tại Tần Thành. Ông Bạc Hy Lai nhiều khả năng đối mặt với nhiều kẻ thù hơn là bạn bè trong tù. Theo truyền thông Hong Kong, cựu cánh tay phải của ông Bạc, ông Vương Lập Quân, đang chấp hành hình phạt trong nhà tù Tần Thành chính là người đã châm ngòi cho sự sụp đổ của ông Bạc Hy Lai, khi ông chạy trốn vào tòa lãnh sự Mỹ để báo cáo sự can dự của ông Bạc và bà vợ Cốc Khai Lai trong cái chết của thương nhân Anh, Neil Heywood. Giám đốc công an Bắc Kinh hồi cuối những năm 1950 từng giám sát việc xây cất nhà tù Tần Thành. Nhiều năm sau, chính ông ta đã bị giam tại đây, khi bị chính quyền tuyên bố là một "kẻ phản bội" Đảng Cộng sản. "Nếu tôi biết tôi sẽ bị tù ở đó," ông này từng nói, "tôi đã có thể xây cho nhà tù đẹp hơn", theo BBC.
Sau Bạc Hy Lai có thể đến Chu Vĩnh Khang ?
Ngày 30/8, tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn một số nguồn tin cấp cao cho hay giới lãnh đạo Trung Quốc vừa đồng ý mở cuộc điều tra về cáo buộc tham nhũng và lạm quyền đối với ông Chu Vĩnh Khang, Ủy viên Thường vụ bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa trước. Ông Chu từng là một trong những nhân vật có quyền hạn cao nhất ở Trung Quốc khi giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Chính trị - Pháp luật Trung ương (gọi tắt là Ủy ban Chính Pháp) trước khi về hưu hồi tháng 3.
Thông tin mới được đưa ra chỉ vài ngày sau khi 4 quản lý cấp cao của Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), nơi ông Chu từng lãnh đạo vào đầu thập niên 1990, bị liệt vào diện điều tra tham nhũng. Theo SCMP, cuộc điều tra sẽ tập trung vào thời gian ông Chu làm việc tại CNPC cũng như giai đoạn ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên (1999 - 2002). Đặc biệt, giới chức sẽ tìm hiểu nghi vấn ông Chu và gia đình có hưởng lợi bất chính từ các thỏa thuận bất động sản khổng lồ liên quan đến con trai ông là Chu Bân và những người thân cận khác.
Theo báo Kwong Wah Daily của Malaysia, ông Chu Bân bị cho là lợi dụng ảnh hưởng của cha để kiếm lợi thông qua các hợp đồng làm ăn lớn, mua và bán lại đất công, can thiệp vào các dự án dầu khí, hối lộ quan chức, thu tiền bảo kê… Một số nguồn tin nói Chu Bân sở hữu nhiều tài sản ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Giang Tô, Hồng Kông cũng như ở nhiều nước như Pháp, Mỹ và Thụy Sĩ. Ngoài ra, theo thư tín ngoại giao mật của Mỹ do Wikileaks tiết lộ hồi năm 2009, giới chức Washington tin rằng một nhóm cá nhân do ông Chu Vĩnh Khang và con trai ông dẫn đầu đã kiểm soát ngành dầu khí của Trung Quốc trong nhiều năm. Hiện nay chưa rõ ông Chu Bân đang ở đâu.
Bên cạnh đó, tờ Oriental Daily ở Hồng Kông chỉ ra rằng từ sau Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 11 năm ngoái, đã có nhiều quan chức, doanh nhân được cho là thân cận với Chu Vĩnh Khang bị bắt giữ về cáo buộc tham nhũng. Nổi bật trong số này có doanh nhân Ngô Binh ở Tứ Xuyên, bị bắt khi đang lẩn trốn tại Bắc Kinh. Ông Ngô được cho là chịu trách nhiệm trông coi tài sản gia đình ông Chu, ước tính lên tới hàng tỷ USD. Ngoài ra, nhà chức trách đã mở điều tra nhằm vào cựu Phó bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên Lý Xuân Thành và Chủ tịch Hội Nhà văn Tứ Xuyên Quách Vĩnh Tường, từng là thư ký của ông Chu Vĩnh Khang trong gần 20 năm.
Ngoài cáo buộc tham nhũng, ông Chu Vĩnh Khang có thể sẽ bị điều tra về lạm dụng chức quyền trong thời gian nắm Ủy ban Chính Pháp từ 2007 - 2012. Đây là cơ quan chịu trách nhiệm về mọi vấn đề liên quan đến an ninh - trật tự và luật pháp của Trung Quốc, có quyền giám sát hoạt động của mọi lực lượng thi hành luật, kể cả cảnh sát. Theo SCMP, trong giai đoạn trên, ông Chu được cho là không ngừng mở rộng quyền lực của ủy ban này, tìm cách thống nhất quản lý mọi cơ quan an ninh - công an và nắm trong tay ngân sách an ninh nội địa tới gần 111,7 tỷ USD. Ông cũng bị cho là đã sử dụng các biện pháp bất hợp lý để giữ trật tự xã hội và chỉ đạo phải cứng rắn giải quyết vụ bạo động ở Tân Cương năm 2009.
Bên cạnh đó, Chu Vĩnh Khang được cho là người bảo trợ và từng ra sức bảo vệ Bạc Hy Lai. Khi ông Bạc vừa bị cách chức và bắt giữ giữa năm ngoái, đã có nhiều tố cáo và kêu gọi cách chức nhằm vào ông Chu, theo BBC. Đến nay, Trung Quốc vẫn không có phản ứng về các thông tin trên. Tuy nhiên, nếu cuộc điều tra thật sự được tiến hành, đây sẽ là sự kiện chấn động gấp nhiều lần so với vụ Bạc Hy Lai và là bằng chứng cho thấy quyết tâm chống tham nhũng, trong sạch hóa hàng ngũ lãnh đạo theo cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thu Hà-Linh Lan