Điều này làm dấy lên những lời đồn đoán về những cái tên có thể bị Bạc Hy Lai nêu ra tại tòa khi quyết định “lật tung chăn”, với ý định “không còn gì để mất”.
Hôm Bạc Hy Lai bị tuyên án chung thân, các nhân viên an ninh đã cưỡng chế ông này rời khỏi tòa khiến Bạc Hy Lai không có cơ hội nào để kháng án tại tòa.
Báo Tiền phong dẫn thông tin từ tờ Minh Báo nhắc lại lời tự biện hộ của Bạc Hy Lai trước tòa được công bố sau phiên xử, trong đó có đoạn khi nói về mối quan hệ với Chủ tịch tập đoàn Thực Đức Từ Minh: “Những người có quan hệ mật thiết với tôi kiểu như ông ta, tôi có thể kể ra cả trăm cái tên” và đã ngầm ám chỉ mình có trong tay những “tài liệu đen” về các quan chức cấp cao.
Minh Báo còn viết, trước khi khai mạc phiên tòa, gia đình họ Bạc đã nhắn nhe: Nếu bị xử quá nặng sẽ không loại bỏ việc công bố “những tài liệu khủng”, được hiểu là Bạc đang nắm giữ những “tài liệu đen” về nhiều quan chức cao cấp.
Trong phiên xử sơ thẩm, Bạc Hy Lai đã nói ông ta làm theo “Chỉ thị 6 điểm” của cấp trên nên mới bịa ra chuyện “Vương Lập Quân bị trầm cảm nghiêm trọng” để áp dụng biện pháp “nghỉ hưu chữa bệnh”. Cấp trên ấy được cho là Chu Vĩnh Khang.
Giáo sư Đàm Thiên Lượng, một nhà phân tích thời sự nhận xét: Lời khai khi đó của Bạc Hy Lai thể hiện nỗ lực muốn kéo Chu Vĩnh Khang vào cuộc. Nay ông ta chống án, rất có khả năng người bị “kéo xuống nước” là Chu Vĩnh Khang. Nhà báo Kim Chung, chủ biên Tạp chí Mở cửa cho rằng, vòng vây quanh Chu Vĩnh Khang đang ngày càng thu hẹp, đầu tiên là loại bỏ thân tín, thuộc hạ, mục tiêu đã rất rõ. Còn tờ Minh Báo phán đoán, cái tên mà Bạc Hy Lai đưa ra khi đã ở vào thế cùng với ý định “cùng chết” không phải Chu Vĩnh Khang mà là người khác kia, to hơn nhiều…
Một điều khác lạ là trong khi báo chí hải ngoại đều đưa tin Bạc Hy Lai chống án thì báo chí trong nước không hề đưa tin xác nhận hay phủ nhận. Tuy nhiên trang web của Tân Hoa xã hôm 26/9 đã đăng lại bài báo của Nhật báo Pháp chế nhan đề “Thử phân tích vấn đề định tội lượng hình vụ án Bạc Hy Lai” với hàm ý chuẩn bị dư luận để bác bỏ đơn kháng án của Bạc Hy Lai.
Tờ Trung Quốc nhật báo, bản tiếng Anh là China Daily đăng bình luận: “Sự phán quyết đối với Bạc Hy Lai thể hiện: Không có phần tử tham nhũng nào có thể lẩn tránh được cuộc chiến đấu này”.
Dư luận cho rằng: khả năng Bạc Hy Lai chống án thành công rất nhỏ. Giáo sư luật Hạ Vệ Phương của Đại học Bắc Kinh nói, Bạc Hy Lai phải nộp đơn kháng cáo trước ngày 8/10, Tòa án Sơn Đông cần phải xem xét và xét xử trong vòng 2 tháng, “nhưng có thể không xử công khai mà chỉ trên giấy tờ”.
Dù cơ hội thành công của việc chống án là rất nhỏ, tuy nhiên theo báo chí Trung Quốc, Bạc Hy Lai chắc chắn sẽ không bị ngược đãi. Bạc Hy Lai sẽ có thời gian hít thở không khí bên ngoài, giao tiếp với những người khác nhờ là con của một vị tướng nổi tiếng của Trung Quốc, Bạc Nhất Ba, và nhờ những đóng góp trước đây của ông đối với đất nước.
Nhiều khả năng Bạc Hy Lai sẽ được ở trong nhà tù Tần Thành sang trọng như khách sạn 5 sao nằm ở phía Bắc thủ đô Bắc Kinh.
Tần Thành từng là nơi giam giữ hầu hết các chính trị gia cấp cao của Trung Quốc từ thập niên 1960 cho đến nay.
Những tù nhân tại nhà tù này được ở trong các phòng giam riêng biệt, với đầy đủ tiện nghi như giường nệm, ghế sofa, bàn ghế và cả phòng tắm, các cựu “cư dân” của nhà tù này cho hay.
Tù nhân trong nhà tù hạng sang này được phép chọn quần áo mình thích mặc, uống sữa điểm tâm và được cho ăn bữa trưa và tối với thực đơn thay đổi thường xuyên.
Một số đầu bếp tại nhà tù Tần Thành là những người từng phục vụ cho một trong những nhà hàng sang trọng nhất Bắc Kinh và từng nấu những món dành cho “bộ trưởng”, AFP dẫn một bản tin mới đây của Beijing Times (Trung Quốc) cho hay.
Nhà tù này cũng không xuất hiện trên bất kỳ bản đồ Trung Quốc nào và thông tin về nơi này cũng bị kiểm soát gắt gao, theo AFP.
Hôm 22/9, TAND trung cấp thành phố Tế Nam chính thức tuyên án chung thân đối với ông Bạc Hi Lai và ra lệnh tịch thu toàn bộ tài sản của ông này. Mức án đưa ra, chung thân cho tội hối lộ, 15 năm cho tội danh tham ô, 7 năm cho lạm quyền, được coi là nghiêm khắc hơn nhiều so với dự đoán trước đó.
Ông Bạc tỏ ra hết sức giận dữ và hét lớn “Bất công!” khi tòa án Tế Nam tuyên ông này có tội.
A.K (t/h)