Cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai – người từng được xem như ngôi sao trên trường chính trị Trung Quốc bỗng nhiên mất hết quyền lực khi liên quan đến một vụ bê bối giết người của vợ mình. Hôm Chủ nhật vừa qua (22/9), ông bị kết tội nhận hối lộ, tham ô và lạm dụng quyền lực.
Tòa án nhân dân Trung cấp Tế Nam đã tuyên phạt ông Bạc 7 năm cho tội lạm dụng quyền lực, 15 năm cho tội tham ô và án tù chung thân cho tội nhận hối lộ.
Các nguồn tin cho biết, ngay khi phán quyết được đưa ra, Bạc Hy Lai đã hét lên rằng “Không công bằng”.
Bạc Hy Lai không chịu "khuất phục" tòa án
“Ông ấy đã thông báo với tòa về yêu cầu kháng cáo đối với toàn bộ bản án của mình,” AFP dẫn lời một luật sư giấu tên - người liên quan trực tiếp tới trường hợp của Bạc Hy Lai cho hay.
“Theo luật pháp Trung Quốc, tòa án phải chấp nhận lời yêu cầu (kháng cáo) trực tiếp của bị cáo”, nguồn tin nói thêm.
He Weifang – Giáo sư luật tại trường Đại học Peking University dự đoán rằng ông Bạc có thể sẽ nộp đơn kháng cáo vào ngày 8/10 tới, chậm hơn một chút so với thời hạn quy định bởi kỳ nghỉ lễ quốc khánh tại Trung Quốc.
Tòa án sẽ xem xét đơn kháng cáo trong 2 tuần nhưng theo He Weifang “khả năng tòa thay đổi phán quyết là rất nhỏ”.
Yuhua Wang, giáo sư chính trị học tại Đại học Pennsylvania cũng nhận định rằng bản án dành cho Bạc Hy Lai dường như “quá nặng”.
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc đang lấy ví dụ về phiên tòa xử Bạc Hy Lai như một ví dụ điển hình để thúc đẩy chiến dịch chống tham nhũng của nhà lãnh đạo mới Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, trong đó có giáo sư David Zweig từ trường Đại học Khoa học và Công Nghệ Hồng Kông, phiên tòa của ông Bạc mang nhiều động cơ chính trị hơn là cuộc chiến chống tham nhũng.
Vũ Bảo (Theo AFP, CNN)