Bạc Hy Lai làm thị trưởng thành phố Đại Liên một thời gian dài, sau đó lại lên giữ chức tỉnh trưởng tỉnh Liêu Ninh. Người ta vẫn tưởng rằng Bạc Hy Lai không điều chuyển công tác đến Bắc Kinh là do ông này muốn ở dưới cơ sở để rèn luyện, tuy nhiên thực ra việc này có liên quan đến người vợ cũ của Bạc Hy Lai.
Những năm tháng khổ nạn
Trong thời kỳ cách mạng Văn hóa, cha của Bạc Hy Lai là Bạc Nhất Ba – nhà cách mạng nổi tiếng của Trung Quốc bị “bè lũ bốn tên” chụp cho cái mũ “kẻ phản động” và đưa vào tù. Bạc Hy Lai và mấy anh em trong nhà đã phải chịu nhiều cực khổ vì những biến cố của gia đình.
Trường trung học số 4 Bắc Kinh mà Bạc Hy Lai học là trường tập trung nhiều con em cán bộ, trong cách mạng văn hóa đã triển khai nhiều cuộc đấu tố với con cái của “kẻ phản động”. Có nguồn tin cho biết năm xưa Bạc Hy Lai là đứa con bình thường nhất, không có gì nổi bật trong mấy anh chị em nhà họ Bạc. Thời đó hai nhân vật đình đám tham gia hồng vệ binh là anh trai Bạc Hy Vĩnh và Bạc Hy Thành của Bạc Hy Lai. Theo lời kể của bạn học cấp ba cũ của Bạc Hy Lai ngày trước, Bạc Hy Lai chỉ là con mọt sách thật thà, ít nói.
Phe tạo phản ra lệnh cho anh em nhà học Bạc nộp lại các tội chứng liên quan đến người cha là Bạc Nhất Ba. Trước khi phe tạo phản đến nhà lục soát, Bạc Hy Lai đã lén giấu đi một túi tài liệu của cha mẹ và gia đình và đưa cho một người bạn học thân để nhờ giấu hộ. Nhìn thấy ba anh em nhà họ Bạc bị đưa ra giữa trường trung học số 4 để bêu giễu, người bạn thân của Bạc Hy Lai sợ quá nên đã nộp ra túi tài liệu này.
Trong tài liệu có rất nhiều ảnh chụp chung của các nhà lãnh đạo Trung Quốc bị đả đảo, các tấm ảnh này bị phe tạo phản đưa đến văn phòng cách mạng văn hóa Ttung ương. Giang Thanh đích thân hạ lệnh: “Bắt ngay con trai của Bạc Nhất Ba là Bạc Hy Lai”. Bạc Hy Lai khi đó mới 17 tuổi, vì chuyện này mà Bạc bị ngồi tù đúng 5 năm. Sau cách mạng văn hóa, tờ Nhân dân nhật báo đã minh oan cho ông Bạc Nhất Ba và viết rằng: “Ngay cả cậu bé Bạc Hy Lai 17 tuổi chỉ vì cất giấu một số bức ảnh cũng bị chụp cho cái mũ “phản cách mạng và bị tống vào tù”.
Cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối
Bạc Hy Lai đã phải trải qua thuở thiếu thời đầy khổ nạn. Người mẹ của Bạc Hy Lai là Hồ Minh bị bức hại cho đến chết, 7 anh chị em người thì bị vào tù, kẻ thì bị đưa về nông thôn. Lúc này cuộc sống tình cảm của Bạc Hy Lai cũng tràn ngập sóng gió, mối tình đầu thanh mai trúc mã cũng vì thế mà đứt gánh giữa chừng. Theo bạn bè của Bạc Hy Lai thời kỳ này làm công nhân trong công trường, các thợ bậc cao đều rất quý Bạc Hy Lai, mọi người đều nhiệt tình giới thiệu người yêu cho Bạc Hy Lai khi đó tuổi cũng không còn ít.
Khi ấy, một cô gái có tên là Lý Đơn Vũ đã bước vào cuộc sống của Bạc Hy Lai. Cha của Lý Đơn Vũ là bí thư thành ủy Bắc Kinh Lý Tuyết Phong. Ông Lý Tuyết Phong và ông Bạc Nhất Ba là bạn chiến đấu cũ. Trong thời gian ông Bạc Nhất Ba bị ngồi tù, nhà họ Bạc liêu xiêu, khốn đốn, ông Lý Tuyết Phong vẫn rất đường vệ trên con đường chính trị.
Bạc Hy Lai và Lý Đơn Vũ đều xuất thân trong gia đình cán bộ, nhưng hoàn cảnh không giống nhau, sự từng trải và con đường của hai người cũng rất khác nhau: Một người dưới sự bao bọc của cha tham gia quân đội, học ngành y khoa, có địa vị cao khiến người người ngưỡng mộ. Một người do bị liên lụy từ cha mà phải ngồi tù, về nông thôn, vào công trường làm công nhân. Nhưng vì Bạc Hy Lai cao to, khôi ngô, còn Lý Đơn Vũ thì nhan sắc trung bình, hai bên mỗi người có một thế mạnh riêng, bù trừ cho nhau nên hai gia đình vẫn vun vào.
Khi Lý Đơn Vũ bước vào cuộc sống của Bạc Hy Lai, Bạc Nhất Ba đã được “giải phóng”, trong khi ông Lý Tuyết Phong lại vì dính líu đến nhóm Lâm Bưu mà bị liên lụy. Cho dù thời thế thay đổi thế nào, con cái của hai nhà vẫn là môn đăng hộ đối. Thấy Lý Đơn Vũ theo đuổi Bạc Hy Lai nhiệt tình, các thợ bậc cao trong công trường – thầy dạy việc của Bạc Hy Lai cũng ra sức vun vào. Đến tháng 9- 1976, Bạc Hy Lai đã kết hôn với Lý Đơn Vũ. Năm 197, con trai tên là Bạc Vọng Tri của họ chào đời.
Những người nắm rõ nội tình cho biết, sau khi kết hôn do quan điểm và lối sống không hợp, tình cảm hai vợ chồng Bạc Hy Lai nhanh chóng đổ vỡ, cuối cùng dẫn đến chuyện ly hôn. Những người quen Lý Đơn Vũ đều nói cô là một người phụ nữ mạnh mẽ nhiều kế sách, có đầu óc chính trị. So với vợ, Bạc Hy Lai “ngây thơ” hơn rất nhiều.
Cuộc ly hôn kéo dài 3 năm
Cuộc hôn nhân của Bạc Hy Lai và Lý Đơn Vũ chỉ kéo dài được 4 năm. Đến năm 1981, Bạc Hy Lai đề nghị chia tay. Do Lý Đơn Vũ nhất quyết không chịu ly hôn, cô đã coi Bạc Hy Lai như một Trần Thế Mỹ thời hiện đại, đồng thời lại kéo cả một cô gái tên là Cốc Khai Lai vào cuộc. Theo những người đã tham gia vào cuộc hòa giải mâu thuẫn giữa Bạc Hy Lai và Cốc Khai Lai, lúc đó Trung Quốc có quy định mới trong vấn đề ly hôn, nếu là vụ xin ly hôn có người thứ ba chen vào, thường sẽ không cho hai bên ly hôn. Và thế là Cốc Khai Lai đã được Lý Đơn Vũ kéo vào cuộc để Bạc Hy Lai không thể ly hôn.
Theo lời kể của một cựu cán bộ trong Hội liên hiệp phụ nữ Trung Quốc năm đó, “níu kéo cuộc hôn nhân của mình là điều có thể thông cảm, nhưng cách làm của Lý Đơn Vũ không những không đem lại kết quả gì mà còn đẩy Bạc Hy Lai ra xa. Cô ấy viết thư gửi đi khắp nơi nói người ta là Trần Thế Mỹ, đồng thời còn đến Hội liên hiệp phụ nữ kể tội Bạc Hy Lai tệ hại thế nào, đồng thời còn làm tổn thương đến một cô gái vô tội khác, đây sao có thể gọi là níu kéo hôn nhân được?”. Nhưng cũng có người cho rằng đầu óc của Lý Đơn Vũ cũng rất đáng bái phục.
10 năm ân oán
Vụ ly hôn kéo dài này ầm ĩ đến mức những người trong giới có quyền lực ở Bắc Kinh năm xưa đều biết. Mặc dù từ tòa án sơ thẩm đến tòa án phúc thầm đều phán quyết hai bên ly hôn, nhưng Lý Đơn Vũ vẫn lấy lý do mình đang phục vụ trong quân đội, cuộc sống hôn nhân của quân nhân cần được bảo vệ, kiện lên tòa án tối cao, cuối cùng lại đưa lên tòa án tối cao. Đến năm 1984, tòa án mới phán quyết cho họ ly hôn. Sau khi ly hôn, Lý Đơn Vũ đã đưa cậu con trai đi và cắt đứt quan hệ với nhà họ Bạc, đồng thời còn kiên quyết đổi họ của con trai thành họ Lý – tức Lý Vọng Tri. Từ đó trở đi cô và Bạc Hy Lai đã có cuộc đấu tranh dài dằng dặc để phân định kẻ thắng người thua.
Trong 10 năm trời, Lý Đơn Vũ đã gửi đi rất nhiều thư tố cáo với hàng triệu chữ. Khi Bạc Hy Lai đến phòng nghiên cứu chính sách trung ương làm việc, cô gửi cả thư lên trung ương. Bạc Hy Lai về huyện Kim ở Đại Liên nhận chức, thư tố cáo của Lý Đơn Vũ liền theo về Đại Liên.
Có thể nói, Lý Đơn Vĩ cũng là một người phụ nữ thành công, cô ta đã thành công trong việc, để Bạc Hy Lai suốt đời phải gánh chịu những lời cáo buộc của dư luận về việc “ly hôn”. Những lời chỉ trích của Bạc Hy Lai và Cốc Khai Lai cũng luôn bám theo đôi vợ chồng này.
Bi kịch của cuộc hôn nhân với Bạc Hy Lai đã biến Lý Đơn Vũ thành người phụ nữ khôn ngoan, quyết đoán vô cùng. Sự khôn ngoan này thể hiện ở chỗ khi thanh danh của Bạc Hy Lai nổi lên như cồn, quyền nắm trong tay, Lý Đơn Vũ đã lập tức điều chỉnh sách lược và thành công trong việc để mọi người cảm nhận được rằng dường như cô ta và cậu con trai Lý Vọng Tri lại quay về với cuộc sống của Bạc Hy Lai. Đồng thời cô ta cũng thành công trong việc tạo cho mọi người ấn tượng rằng Cốc Khai Lai và Bạc Hy Lai đã ly hôn.
Con trai Lý Đơn Vũ là Lý Vọng Tri đã núp dưới bóng của người cha Bạc Hy Lai và kiếm được bộn tiền. Những năm Bạc Hy Lai còn đương chức, hai mẹ con Lý Vọng Tri đã hoạt động rất tích cực trong giới thương gia Đại Liên, có biệt thự, xe hơi, phát huy tích cực uy phong của Bạc Hy Lai ở Đại Liên.
Điều khiến người ta khâm phục là Lý Đơn Vũ đã mượn tiếng tăm của Bạc Hy Lai và thành công trong việc mở cánh cửa làm ăn cho mình, bước vào đội ngũ những người phụ nữ giàu có. Hiện nay rất nhiều người ở Trung Quốc vẫn lầm tưởng Lý Đơn Vũ là Bạc phu nhân.
Sau khi Bạc Hy Lai bỏ rơi hai mẹ con Lý Đơn Vũ và đưa được người đẹp Cốc Khai Lai về dinh, “cựu nhạc phụ” Lý Tuyết Phong đã nổi trận lôi đình và thề rằng chỉ cần ông vẫn còn sống một ngày thì Bạc Hy Lai đừng mơ tưởng đến chuyện về Bắc Kinh. Mặc dù ông Lý Tuyết Phong đã về hưu nhưng vẫn có tiếng nói, Bạc Hy Lai không còn cách nào khác, đành phải “ngoan ngoãn” về Đại Liên làm thị trưởng. Ông Lý Tuyết Phong thọ đến năm 97 tuổi mới qua đời, lúc đó đã là năm 2003, Bạc Hy Lai đã lên làm tỉnh trưởng tỉnh Liêu Ninh. Nhưng lệnh cấm vừa được bãi bỏ, tháng 2-2002 Bạc Hy Lai đã quay ngay về Bắc Kinh và leo lên chức Bộ trưởng Bộ Thương mại.
Theo Tiền phong