Ở tỉnh Bắc Kạn, quặng chì, kẽm, sắt tập trung nhiều nhất ở huyện Chợ Đồn, nhiều thân quặng nằm lộ thiên trên mặt đất, trên đất rừng, trong vườn, bãi nhà dân. Giá quặng cao nên thời gian qua, nạn đào quặng trái phép bùng phát trên diện rộng. Hậu quả nhãn tiền mà ai cũng nhìn thấy là tài nguyên quốc gia bị đánh cắp, mặt đất bị đào bới nham nhở, sập lò chết người, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự diễn biến phức tạp…
Thời gian gần đây, người dân tại huyện Chợ Đồn phản ánh về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép được hoạt động. Theo phản ánh của người dân, chúng tôi tìm về huyện Chợ Đồn vào những ngày cuối năm 2020. Anh Trung (tên nhân vật đã được thay đổi) - một người dân địa phương - cho biết, tình trạng khai thác quặng trái phép ở đây đã diễn ra từ lâu.
Dắt chúng tôi qua hai điểm để nắm bắt địa hình, anh Trung cho hay, các mỏ quặng lậu đều nằm trên núi cao và sâu, để tiếp cận là điều rất khó khăn.
Tờ mờ sáng ngày 25/12/2020, theo chỉ dẫn của nguồn tin, trong vai người tìm mua vườn rừng, chúng tôi bắt đầu hành trình tiếp cận mỏ khai thác trái phép. Chúng tôi phải men theo đường rừng rậm rạp để tránh các đối tượng cảnh giới canh gác dọc đường. Khi có người lạ đi lên, phát hiện nghi ngờ, các đối tượng này sẽ đánh động để dừng hoạt động khai thác trên mỏ.
Các đối tượng đã mở hẳn một con đường rộng kéo dài cả cây số đi từ dưới chân núi lên đến điểm khai thác để tiện cho việc đi lại và vận chuyển quặng lậu. Dấu hiệu của việc vận chuyển quẳng lậu là quặng rơi vãi trắng xóa trên mặt đường. Hơn nữa, các đối tượng còn dẫn cả đường điện, nước lên để thuận tiện cho việc khai thác.
Phải mất một buổi sáng băng rừng chúng tôi mới đến gần được mỏ quặng lậu. Càng đi, tiếng máy khoan, tiếng nổ mìn mỗi lúc một rõ hơn, âm thanh chát chúa vang vọng giữa đại ngàn. Theo ghi nhận, quặng được chất đống bên trên cửa hầm, xe máy của các đối tượng cũng để ngay cạnh đó, xung quanh là đồ nghề, xe rùa để ngổn ngang. Khó có thể xác định được số người khai thác quặng trái phép tại đây, vì ngoài những người đào bới trên bề mặt còn có những người ở dưới hầm lò khoét sâu vào lòng núi.
Tại mỏ khai thác quặng trái phép nơi chúng tôi được tiếp cận, hoạt động khai thác thậm chí còn quy mô hơn. Máy khoan, máy múc hoạt động hết công suất, mìn nổ sẽ được sử dụng để làm tơi đất đá, làm tơi quặng, tạo biên và phá đá quá cỡ. Khi đã làm tơi, quặng sẽ lần lượt được chở ra ngoài bằng xe rùa, chất thành đống lớn đợi đem đi tiêu thụ.
Xác nhận với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật về tình trạng này, một lãnh đạo xã tại huyện Chợ Đồn cho biết: “Trên địa bàn xã, có tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, mỗi lần lên kiểm tra đều “vắng tanh”, có đồ đạc ở đấy nhưng không có người. Đã báo cáo huyện di dời lán, tháo dỡ, ghi hình, nhưng đâu lại vào đó. Địa phương cũng mệt mỏi về vấn đề này nhưng cũng không làm gì được, bởi thẩm quyền thấp”.
Chưa thể khẳng định có hay không việc “bật đèn xanh” cho các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép để trục lợi, chia chác. Nhưng có một điều chắc chắn rằng: Hoạt động khai thác và vận chuyển khoáng sản trái phép với khối lượng lớn đang diễn ra ngang nhiên, rầm rộ trong suốt thời gian dài. Hậu quả là những ngọn núi bị xẻ thịt, những thung lũng bị băm nát, môi trường bị hủy hoại nặng nề, thiên nhiên bị bức tử nghiêm trọng. Nếu nói không ai hay biết, can thiệp thì đúng là có chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”.
Video, hình ảnh hoạt động khai thác sẽ được chúng tôi tiếp tục thông tin!
Đỗ Tuấn – Tạ Tú