Triển khai nhiều giải pháp
Tỉnh Bạc Liêu có 5 tuyến sông lớn do Trung ương quản lý, với tổng chiều dài trên 173km, gồm: kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp; kênh Vàm Lẽo - Bạc Liêu - Cà Mau; sông Gành Hào; kênh Hộ Phòng - Gành Hào; kênh Tắc Vân và 23 tuyến sông do địa phương quản lý với tổng chiều dài trên 450km.
Các tuyến sông lưu thông giáp với các tỉnh lân cận là điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, trao đổi, lưu thông hàng hóa, hành khách trong và ngoài tỉnh Bạc Liêu.
Song, điều này cũng tạo nên áp lực rất lớn đối với các ngành chức năng trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa, nhất là trong những ngày mưa bão như hiện tại.
Đại tá Bùi Xuân Khởi, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh Bạc Liêu chia sẻ với Người Đưa Tin: “Trước tình hình thời tiết mưa bão hiện nay, Ban An toàn giao thông tỉnh đã chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là trên các tuyến thủy nội địa.
Các lực lượng liên ngành đường thủy gồm: Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bạc Liêu, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực III, Chi cục Đăng kiểm Bạc Liêu đã phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông đường thủy.
Trong đó, tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ chính: Thứ nhất, là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân thông qua các hình thức trực quan, sinh động như pano, khẩu hiệu, phát tờ rơi tại các bến đò ngang sông; thứ hai, là tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện chở quá tải trọng, không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, các bến đò ngang sông không phép, không đảm bảo quy định an toàn trong quá trình đưa rước khách”.
Tình trạng vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông đường thủy còn tồn tại
Qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại nhiều nơi tình trạng vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông đường thủy vẫn còn diễn biến phức tạp, phổ biến nhất là các bến thủy nội địa hoạt động không phép, không đảm bảo điều kiện an toàn; hoạt động đăng đáy cá và đặt cố định ngư cụ, khai thác, nuôi trồng thủy sản tạo nên các chướng ngại vật trên sông.
Việc lấn chiếm luồng và hành lang bảo vệ luồng trên tuyến Hộ Phòng - Chủ Chí - Chợ Hội và tuyến kênh Phó Sinh - Cạnh Đền, kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp... đã gây cản trở và làm mất an toàn giao thông đường thủy nội địa.
Bên cạnh đó, trên các tuyến đường thủy nội địa do tỉnh, huyện quản lý, tình trạng thi công xây dựng công trình, dựng nhà vi phạm luồng và hành lang bảo vệ luồng trên đường thủy nội đia; các bến thủy nội địa tổ chức cho phương tiện neo đậu để xếp dỡ hàng hóa tại vị trí chưa được công bố hoạt động gây cản trở giao thông.
Mặt khác, do nhiều dự án như: nâng cấp một số tuyến đường nội ô thành phố Bạc Liêu, thi công kè bờ sông thành phố Bạc Liêu, kè chống ngập Quốc lộ 1A, kè chống sạt lở bờ sông thị xã Giá Rai, nâng cấp mở rộng Cảng cá Gành Hào… đang được triển khai thi công, dẫn đến nhu cầu vận tải thủy gia tăng đột biến.
Trong khi đó, một số tuyến sông trong tỉnh Bạc Liêu có nhiều đoạn cạn, luồng hẹp, khi thủy triều xuống thấp phương tiện lưu thông có trọng tải lớn phải neo đậu và gây ùn tắc giao thông cục bộ ở một số tuyến sông.
Thêm vào đó là ý thức của một bộ phận người dân tham gia giao thông đường thủy nội địa chưa cao đã tác động tiêu cực đến tình hình trật tự an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy nội địa.
Trên cơ sở đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã tổ chức 987 ca tuần tra trên tuyến thủy nội địa; phát hiện, xử phạt hành chính 174 trường hợp vi phạm với tổng số tiền 136 triệu đồng.
Tổ chức 27 buổi tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông đường thủy nội địa, với 7.650 lượt người tham dự, phát hơn 9.800 tờ rơi tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông đường thủy nội địa như: Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi, bổ sung; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định 08 của Chính phủ quy định về quản lý đường thủy nội địa; Nghị định 139 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa,…
Anh Phạm Văn Anh, chủ bến đò ngang sông xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi cho hay: “Nhờ các anh Cảnh sát đường thủy thường xuyên đến kiểm tra, nhắc nhở nên tôi chủ động trang bị các vật dụng bảo đảm an toàn cho hành khách như áo phao, dụng cụ nổi, lắp đặt đèn báo hiệu, đệm chống va, cột neo buộc cho phương tiện vào cập bến, hướng dẫn các em học sinh mặc áo phao khi đi đò ngang sông, bảo đảm an toàn khi di chuyển lên, xuống đò”.
Lực lượng chức năng cũng kiểm tra, điều tiết và thông báo để người điều khiển phương tiện nắm rõ và chủ động khi tham gia giao thông qua các khu vực có các luồng xoáy nguy hiểm, những đoạn sông tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn.
Kiểm tra, buộc tháo dỡ các chướng ngại vật được người dân lắp đặt trên sông gây cản trở giao thông; hướng dẫn chủ các bến thủy nội địa, bến khách ngang sông lắp đặt đèn báo hiệu, đệm chống va, cột neo buộc cho phương tiện vào cập bến. Tăng cường kiểm tra trang thiết bị, dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện... theo các quy định hiện hành.
Qua đó, xử phạt hành chính 404 trường hợp vi phạm chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn với tổng số tiền 306 triệu đồng.
Bên cạnh đó, cũng phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức 10 cuộc tổng kiểm tra tại 5 công trình cầu, 3 công trình nạo vét, 1 bãi tập kết đất, 112 bến thủy nội địa; phối hợp Đồn Biên phòng Gành Hào tuyên truyền, vận động người dân tự tháo dở 15 miệng đáy neo trên sông…
Để hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông trên các tuyến đường thủy nội địa, Trung tá Lữ Minh Út, Trưởng trạm đường thủy Ninh Quới cho biết: “Huyện Hồng Dân là địa bàn có nhiều tuyến sông lớn, kết nối với các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang.
Do đó, trong mùa mưa bão mấy tuần nay, Trạm đường thủy Ninh Quới duy trì công tác tuần tra, kiểm soát định kỳ, đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như các bến thủy nội địa hoạt động không phép, các công trình xây dựng trái phép lấn chiếm hành lang an toàn đường thủy, các công trình vượt sông không bảo đảm an toàn, hoạt động đáy neo đánh bắt thủy sản cản trở giao thông...
Bên cạnh đó, những hành vi không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ thiết bị an toàn, phương tiện chở hàng vượt tải trọng, người điều khiển không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn... cũng bị xử lý nghiêm”.
Song, thiết nghĩ để tai nạn đường thủy không xảy ra, nhất là thời điểm mua bão kéo dài như hiện nay, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, các chủ phương tiện và người tham gia giao thông đường thủy cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa, đảm bảo các yếu tố an toàn khi tham gia lưu thông chính là biện pháp hiệu quả nhất, để ngăn ngừa các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Thanh Xuân - Trọng Nguyễn