Clip: Cầu nông thôn mới mang tên "Ông Nguyên" giống tên Phó Chủ tịch xã Vĩnh Bình.
Có mặt tại ấp 17 (xã Vĩnh Bình), nơi có cây cầu khiến người dân bức xúc, ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, cầu “Ông Nguyên” được xây dựng bằng bê tông cốt thép, có bề rộng 4,4m; chiều dài là 22m, với tải trọng thiết kế là 3 tấn.
Cây cầu này thuộc công trình đầu tư lộ giao thông nông thôn hàng năm của huyện, do ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng các công trình cơ bản của huyện làm chủ đầu tư, với tổng số vốn trên 900 triệu đồng. Công trình được hoàn thành vào trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Trao đổi với PV, ông V. bức xúc nói: “Tôi là người dân sống ở đây hơn 15 năm qua, cây cầu này trước đây không có tên cụ thể, người dân hay gọi là cầu Đình (vì ở đầu cầu có cái đ ình) hay cầu Ông Côn (vì ông Côn là người cao niên ở đây. Thậm chí, dòng sông này cũng được người dân hay gọi là sông Sáu Côn)”.
Cũng theo ông V., sau khi cầu mới làm xong, được đặt tên là cầu “Ông Nguyên”, khiến không ít người dân nơi đây bức xúc, không hiểu sao lại có tên "Ông Nguyên". Vì ông Nguyên còn trẻ tuổi, chưa có công trạng gì lớn...
Trước phản ánh của người dân, ông Huỳnh Quốc Phong, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình cho biết, trước đây, cầu cũ không có tên gọi cụ thể, sau khi cầu mới xây dựng xong được đặt tên tạm là cầu “Ông Nguyên”.
Lý giải về việc này, ông Phong cho biết: “Vì đất của ông Nguyên (Phó chủ tịch xã) chạy dài tới đường kênh chỗ cây cầu, mới lấy "tạm" tên ông Nguyên để mọi người gọi cho biết, chứ thật sự không phải tên đó. Hơn nữa, vì nhà ai gần đó, người ta kêu vậy thôi”.
Trong khi đó, lãnh đạo phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hòa Bình cho hay: “Tên gọi mới là do xã quen gọi vậy thôi, còn tên cầu là do xã đề xuất, huyện cũng không biết. Vừa rồi, huyện cũng có chấn chỉnh lại việc đặt tên công trình phải gắn liền với lịch sử của địa phương, hoặc người cao niên hay người có công với cách mạng”.
Cũng theo vị lãnh đạo phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, trước phản ánh của người dân, huyện sẽ làm việc lại với xã Vĩnh Bình để thống nhất đặt tên cây cầu làm sao cho phù hợp và hài hòa. Huyện sẽ đề nghị xã họp dân rồi thống nhất đặt tên. Hiện nay, cầu chưa gắn tên nhưng trong hồ sơ thiết kế thể hiện tên cầu là cầu "Ông Nguyên".
Tuy nhiên, khi PV cung cấp hình ảnh cây cầu đã được gắn bảng tên là cầu “Ông Nguyên”, vị lãnh đạo phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho hay: “Chúng tôi sẽ vào làm việc lại với xã Vĩnh Bình về vấn đề này, vì theo quy định nếu đặt tên cầu, xã phải họp dân ở khu vực, thống nhất. Tên cầu thường phải gắn liền với địa danh, với những người có công với cách mạng, những anh hùng lực lượng vũ trang hay mẹ Việt Nam anh hùng,… hoặc những người có uy tín trong vùng. Tên cầu đặt làm sao để cho người ta dễ biết”.