Trước tình hình trên, lãnh đạo Công an tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo công an các cấp quyết liệt tấn công, tập trung triệt xóa các điểm hoạt động mại dâm.
Đồng thời, tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm có cuộc sống mới, góp phần bảo vệ thuần phong mỹ tục và giữ vững an ninh trật tự (ANTT) tại địa phương.
Từ núp bóng dịch vụ nhạy cảm sang “mại dâm online”
Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có 747 cơ sở kinh doanh ngành nghề có điều kiện về ANTT gồm: 367 cơ sở lưu trú, 48 cơ sở kinh doanh karaoke, 52 cơ sở kinh doanh massage, 280 cơ sở cắt tóc gội đầu và các loại hình khác.
Qua công tác rà soát, đánh giá, đa phần nhân viên tại các cơ sở này là những chị em phụ nữ đến từ các vùng nông thôn cuộc sống khó khăn, thiếu trình độ học vấn nên khó tìm được việc làm; đây là những trường hợp dễ “dấn thân” vào con đường mại dâm để gồng gánh nuôi gia đình.
Bên cạnh đó, cá biệt vẫn có một bộ phận bạn nữ trẻ lười lao động, xem việc bán dâm như một “nghề” nhanh hái ra tiền để phục vụ nhu cầu ăn chơi, hưởng thụ của bản thân hoặc một số trường hợp có lối sống thực dụng, học đòi phong cách phương Tây, xem nhẹ thuần phong mỹ tục, sẵn sàng “trao thân” để đánh đổi…
Điển hình như mới đây, trưa ngày 11/5, Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bạc Liêu phối hợp Đội kiểm tra Liên ngành 178 tỉnh và Công an huyện Hồng Dân kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ có địa chỉ tại ấp Kinh Xáng, xã Lộc Ninh (huyện Hồng Dân), do ông Trương Quốc Nam (sinh năm 1979, ngụ Khóm 1, Phường 3, thành phố Bạc Liêu) làm chủ.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và bắt quả tang có 3 đôi nam nữ đang thực hiện hành vi mua bán dâm tại 3 phòng của nhà nghỉ.
Qua điều tra, lực lượng chức năng xác định, ông Trương Quốc Nam ngoài kinh doanh nhà nghỉ còn mở thêm một cơ sở massage đối diện.
Khi khách đến massage, các nhân viên trực tiếp chào giá thỏa thuận với khách mua dâm số tiền dao động từ 500.000đ đến 600.000 đồng/lượt. Nếu khách đồng ý sẽ dẫn qua nhà nghỉ trên thuê phòng rồi thực hiện hành vi mua bán dâm.
Bên cạnh núp bóng các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, các đối tượng còn thành lập các đường dây môi giới “mại dâm online” thông qua các trang mạng xã hội.
Điển hình như cuối tháng 8/2023, qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh phối hợp với Công an thành phố Bạc Liêu bắt quả tang 2 đôi nam nữ đang thực hiện hành vi mua bán dâm tại một nhà nghỉ trên địa phường 7 (thành phố Bạc Liêu).
Làm việc với cơ quan công an, các đối tượng khai nhận thông qua mạng xã hội được một người phụ nữ giới thiệu để thực hiện hành vi mua bán dâm, với số tiền mỗi lượt là 500.000 đồng.
Trên thực tế, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động mua bán dâm ngày càng tinh vi, hình thành các đường dây với đầy đủ các mắt xích từ những “tú ông, tú bà” cho tới các “chân rết” môi giới, thậm chí là “chào hàng” trên các trang mạng xã hội, dẫn đến công tác đấu tranh, xử lý của lực lượng chức năng cũng vô cùng khó khăn.
Trong khi đó, chế tài xử lý theo quy định hiện hành thì chưa đủ sức răn đe. Theo Pháp lệnh Phòng chống mại dâm năm 2003 và Nghị định 144 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực ANTT, mức xử phạt hành chính đối với người mua dâm chỉ từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và chỉ bị phạt tù từ 03 – 07 năm nếu mua dâm người dưới 18 tuổi hoặc cố tình lây nhiễm HIV cho người khác.
Đối với người bán dâm, mức xử lý còn nhẹ hơn, chỉ từ 300.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Điều này khiến cho việc xử lý các đối tượng tổ chức, chứa chấp, môi giới mại dâm, người mua dâm, người bán dâm như “bắt cóc bỏ dĩa”.
Qua thực tiễn đấu tranh, xử lý thời gian qua, Thượng tá Lê Thanh Hận, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: “Ngoài nguyên nhân từ sự tinh vi trong hoạt động của đối tượng và chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan mua bán dâm cũng chịu tác động bởi tình hình tội phạm quốc tế.
Ngoài ra, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số đối tượng móc nối, dụ dỗ nhiều chị em phụ nữ “kết hôn ngoại quốc”, nhưng thực chất là đưa vào các đường dây buôn người sang nước ngoài bán cho các tụ điểm mại dâm”.
Mạnh tay triệt xóa và tạo điều kiện an sinh
Trước thực trạng trên, Công an tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp chặt chẽ các sở, ban, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh kiểm tra, xử lý góp phần kiềm chế, kéo giảm tội phạm này trên địa bàn tỉnh.
Qua đó, tính riêng năm 2023 và Quý I/2024, Công an tỉnh đã phối hợp Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh tổ chức kiểm tra 502 lượt cơ sở kinh doanh ngành nghề có điều kiện về ANTT, trong đó tập trung các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm như massage, karaoke, nhà nghỉ, khách sạn.
Qua đó, phát hiện, triệt phá 18 vụ, 49 đối tượng liên quan hoạt động mại dâm.
Cơ quan điều tra đã khởi tố 2 vụ, 2 bị can về hành vi chứa mại dâm, 2 vụ, 4 bị can về hành vi môi giới mại dâm; xử phạt hành chính 14 vụ, 43 đối tượng về hành vi chứa mại dâm và mua bán dâm.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh Bạc Liêu cũng phối hợp với các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh tội phạm và vi phạm pháp luật về mua bán dâm.
Điển hình như phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức 101 buổi tuyên truyền, lắp đặt 75 băng rôn, 180 pano, áp phích tuyên tuyền phòng chống mại dâm tại các khu dân cư, trường học.
Bên cạnh đó, phối hợp Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bạc Liêu phát động phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, ma túy, mại dâm hơn 17.000 cuộc tại các địa bàn cơ sở.
Phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương phát động 457 lượt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào xây dựng xã, phường lành mạnh không có mại dâm gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hóa.
Phát 13.917 lượt loa lưu động tuyên truyền phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm; cảm hóa, giáo dục 1.248 trường hợp.
Đồng thời, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng chống mại dâm trong toàn xã hội.
Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có 8 Đội Kiểm tra liên ngành 178, 64 Đội Công tác xã hội tình nguyện, 64 Cộng tác viên phòng chống tệ nạn xã hội, 8 đơn vị cấp xã thực hiện mô hình thí điểm theo Quyết định 1875 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành “Khung định mức kinh tế - kỹ thuật hỗ trợ xây dựng thí điểm các mô hình hỗ trợ người bán dâm”.
Ngoài ra, còn nhiều mô hình, tổ chức quần chúng làm nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức và bảo vệ chị em phụ nữ tại địa bàn cơ sở như: “Câu lạc bộ Nữ phòng chống tội phạm”; “Câu lạc bộ Phụ nữ phòng chống tội phạm và hòa giải ở cơ sở”; “Câu lạc bộ Phụ nữ tư vấn pháp luật”; mô hình “Gia đình không có người thân tham gia tệ nạn xã hội”… với trên 2.000 người tham gia, đã góp phần hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm trong giải quyết các vấn đề về tâm lý, y tế, dạy nghề, giải quyết việc làm, cho vay vốn.
“Để phòng ngừa hiệu quả tội phạm và vi phạm pháp luật về mua bán dâm, lực lượng công an các cấp cũng tăng cường tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương lồng ghép chương trình phòng chống mại dâm với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội như: giảm nghèo bền vững, hỗ trợ tín dụng cho các hộ gia đình khó khăn, dạy nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới...
Trong đó, chú trọng hướng đến nhóm đối tượng có nguy cơ hoạt động mại dâm như: thanh niên chưa có việc làm, nghề nghiệp ổn định, chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, nhân viên tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, karaoke, khách sạn.
Qua đó, góp phần hạn chế, tiến tới loại trừ nguyên nhân và điều kiện phát sinh hoạt động mua bán dâm trong toàn xã hội”, Thượng tá Lê Thanh Hận chia sẻ thêm.
Thanh Xuân - Trọng Nguyễn