Hồi chuông cảnh báo "vỡ hụi”
Từ đầu năm 2024 đến nay, Công an tỉnh Bạc Liêu đã tiếp nhận, điều tra 16 vụ, liên quan 20 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức chơi hụi, ước tính thiệt hại tài sản hàng chục tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã khởi tố 14 vụ, 18 bị can; hiện đang tiếp tục xác minh, làm rõ 2 vụ, 2 đối tượng.
Thượng tá Trần Duy Kiên, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Việc chơi hụi đã được pháp luật cụ thể hóa bằng những văn bản quy định chi tiết.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc chơi hụi ngày nay lại có quá nhiều biến tướng, với nhiều nguy cơ tiềm ẩn vỡ hụi, giật hụi; một số đối tượng lợi dụng việc chơi hụi để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật,… khiến nhiều hụi viên trắng tay, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Mặc dù cơ quan chức năng liên tục tuyên truyền, cảnh báo, song thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, nhất là tại các vùng nông thôn vẫn liên tiếp xảy ra nhiều vụ vỡ hụi với số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng chục tỷ đồng”.
Điển hình như mới đây, ngày 24/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can tạm giam đối với Quách Ngọc Bích (sinh năm 1981, ngụ ấp 21, xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình) để điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo hồ sơ của cơ quan công an, từ năm 2014 Quách Ngọc Bích bắt đầu làm chủ hụi thu hút nhiều hụi viên tại địa phương tham gia; đến khoảng năm 2020, nhiều hụi viên hốt hụi nhưng không đóng tiền hụi chết, dẫn đến Bích mất cân đối tài chính. Để có tiền lấp hụi, Bích đã mở nhiều dây hụi mới, lấy tên khống mạo danh các hụi viên để hốt hụi. Đến tháng 10/2023, Bích tuyên bố vỡ hụi, với số tiền chiếm đoạt của các hụi viên gần 4 tỷ đồng.
Mới đây, kết thúc phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Xuân Thảo (sinh năm 1981, ngụ thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) vào chiều ngày 16/5 vừa qua, khiến không ít người dân bàng hoàng. Không phải bởi bản án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạn tài sản mà TAND tỉnh Bạc Liêu tuyên phạt, mà bất ngờ bởi số tiền bị cáo chiếm đoạt lên tới 37 tỷ đồng chỉ trong 1 năm tung chiêu lừa đảo.
Theo cáo trạng, Nguyễn Xuân Thảo bắt đầu làm chủ hụi trên địa bàn huyện Đông Hải từ năm 2007. Đến năm 2021, do không có tiền chung chi tiền hụi, Thảo lợi dụng việc các hụi viên có điều kiện kinh tế, thường tham gia nuôi hụi để hưởng tiền lãi, không yêu cầu cung cấp danh sách hụi viên, không quan tâm đến việc ai chơi cùng dây và ai đã hốt hụi để chiếm đoạt tài sản.
Xử lý nghiêm vi phạm về hụi
Trên thực tế, việc chơi hụi đã được quy định cụ thể, chi tiết tại nhiều văn bản pháp luật có liên quan, trong đó có Nghị định số 19 của Chính phủ quy định về họ, hụi, biêu, phường và Nghị định số 144 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT.
Theo Nghị định số 19 của Chính phủ quy định về họ, hụi, biêu, phường; về hình thức thỏa thuận, chủ hụi và hụi viên phải thỏa thuận bằng văn bản có công chứng và phải thông báo cho các thành viên về nơi cư trú mới trong trường hợp có sự thay đổi.
Về trách nhiệm của chủ hụi, phải thông báo đầy đủ về số lượng dây hụi, phần hụi, kỳ mở hụi và số lượng thành viên của từng dây hụi mà mình đang làm chủ; có trách nhiệm giao các phần tiền hụi cho thành viên hốt hụi tại mỗi kỳ mở hụi; phải lập giấy biên nhận cho thành viên khi góp hụi, hốt hụi, nhận lãi, trả lãi…
Nếu vi phạm các quy định trên có thể bị phạt tiền từ 2 triệu đến 5 triệu đồng. Ngoài ra, khi mở từ 2 dây hụi trở lên hoặc 1 dây hụi mà giá trị của một lần khui từ 100 triệu đồng trở lên thì bắt buộc chủ hụi phải thông báo bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú nắm, nếu không thực hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5 triệu đến 10 triệu đồng.
Ngoài ra, chủ hụi phải tuân thủ về lãi suất, nguyên tắc về việc tổ chức các dây hụi không vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần hụi phải góp, trừ đi giá trị các phần hụi đã góp trên thời gian còn lại của dây hụi. Tuy nhiên, rủi ro phát sinh tranh chấp do hụi viên chậm đóng tiền, bị giật hụi, vỡ hụi… là khó tránh khỏi. Trường hợp có tranh chấp về hụi, chủ hụi và hụi viên có thể giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, chủ hụi và hụi viên có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về hụi với mức phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.
Tại tỉnh Bạc Liêu, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch 144 về phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hụi trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, thời gian qua, Công an các cấp đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương rà soát, thống kê các nhóm hụi hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định pháp luật liên quan đến hụi để người dân nắm, thực hiện; đồng thời, nắm chặt tình hình, kịp thời phát hiện, xác định tính chất, mức độ vi phạm khi có vụ vỡ hụi xảy ra để có hướng xử lý phù hợp.
“Những hành vi vi phạm về hụi nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được do lợi dụng việc tổ chức hụi để cho vay lãi nặng hoặc tổ chức hụi để huy động vốn trái pháp luật. Việc áp dụng các quy định về xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự liên quan đến hoạt động chơi hụi, đã góp phần xây dựng hành lang pháp lý trong phòng ngừa, kéo giảm tội phạm, vi phạm pháp luật về hụi, hạn chế tối đa tình trạng vỡ hụi tại địa phương”, Thượng tá Trần Duy Kiên cho biết thêm.
Từ một hình thức góp vốn để hỗ trợ lẫn nhau, nay lại ngày một biến tướng với những rủi ro và hệ lụy đau lòng. Phải chăng, đã đến lúc mỗi người dân nên cân nhắc chọn lựa các hình thức khác để đầu tư, tiết kiệm phù hợp, an toàn, để những đồng tiền tích cóp của mình… không rơi vào túi người.
Thanh Xuân - Trọng Nguyễn