Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Để tìm hiểu rõ hơn về quá trình khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm Ocop tỉnh Bắc Ninh, Phóng viên tạp chí Đời sống và Pháp luật đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) tỉnh Bắc Ninh.
Phòng viên: Xin ông cho biết, Bắc Ninh đã khai thác tiềm năng, lợi thế như thế nào trong việc phát triển các sản phẩm OCOP hiện nay?
Ông Nguyễn Hồng Quang: Bắc Ninh là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, là cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, gần sân bay Quốc tế Nội Bài, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm các tỉnh phía Bắc, có diện tích đất tự nhiên 82.271,1 ha, dân số hơn 1,5 triệu người. Bắc Ninh có hệ thống giao thông phát triển cả về đường bộ, đường thủy và đường sắt tạo thuận lợi cho việc giao lưu thương mại và phát triển sản xuất nông nghiệp.
Bắc Ninh thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh, đặc trưng thời tiết là nóng ẩm và mưa nhiều. Đất đai phì nhiêu, màu mỡ, địa hình tương đối bằng phẳng với mạng lưới sông ngòi khá dày đặc… là điều kiện thuận lợi cho phát triển nền nông nghiệp đa dạng, phong phú.
Đặc biệt, Bắc Ninh là vùng đất văn hiến, có bề dày truyền thống văn hóa, khoa bảng, xứ sở của lễ hội, quê hương của nhiều thủy tổ, nơi có 4 di sản văn hóa của nhân loại được UNESCO vinh danh. Nơi đây còn được gọi là vùng đất trăm nghề, có 65 làng nghề, trong đó có 41 làng nghề truyền thống, 24 làng nghề mới tiêu biểu như làng nghề gốm Phù Lãng, làng tranh dân gian Đông Hồ, làng nghề mây tre đan Xuân Hội, làng nghề đúc đồng Đại Bái…
Từ những điều kiện trên có thể thấy Bắc Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển sản phẩm đặc sản, đặc trưng...
Để phát huy, khai thác tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển Chương trình OCOP của tỉnh, trong những năm qua, Chương trình OCOP luôn được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; sự vào cuộc của các cấp ủy đảng chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cùng với sự chủ động tham gia chương trình của các cơ sở sản xuất.
Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng, ban hành các cơ chế hỗ trợ để phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ và du lịch có lợi thế tại các địa phương. Hiện nay là Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND ngày 07/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành quy định hỗ trợ về phát triển nông nghiệp, chương trình OCOP và ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh hỗ trợ 30% kinh phí mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, sản phẩm OCOP và ngành nghề nông thôn; hỗ trợ 100% kinh phí lần đầu mua tem phục vụ truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ 50% chi phí tư vấn sản phẩm; trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa, bảo hộ sở hữu thương hiệu cho các tổ chức, cá nhân sản xuất có sản phẩm được cấp có thẩm quyền phê duyệt tham gia Chương trình OCOP …
Ngành NN&PTNN đã phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, thường xuyên tổ chức hội thảo, hội nghị, tham quan, học tập kinh nghiệm để chia sẻ thông tin, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia sản phẩm OCOP hiểu rõ nội dung, ý nghĩa, lợi ích khi tham gia Chương trình OCOP. Xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP dựa trên cơ sở quy hoạch chung tỉnh về phát triển nông nghiệp, như: Vùng trồng Khoai tây tại huyện Quế Võ, vùng trồng cà rốt tại các huyện: Gia Bình, Lương Tài, vùng tỏi An Thịnh… theo hướng sản xuất an toàn, hữu cơ, tạo cơ hội thu hút các doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm OCOP, hình thành các chuỗi giá trị. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, chuyển đổi loại hình hoạt động của các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP từ cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác sang thành lập doanh nghiệp, HTX. Từng bước chuẩn hóa sản phẩm theo chu trình OCOP thường niên…
Nhờ vậy, sau hơn 5 năm triển khai, chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, làng nghề gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm.Đến nay, Toàn tỉnh đã công nhận chuẩn hóa được 93 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó: 34 sản phẩm đạt 3 sao (chiếm 36,6%), 59 sản phẩm đạt 4 sao (chiếm 63,4%). Hình thức tổ chức sản xuất chiếm số lượng lớn là hộ gia đình đăng ký kinh doanh với 18 chủ thể là hộ gia đình đăng ký kinh doanh 47.4 %, 12 chủ thể là doanh nghiệp (chiếm 31.6%), 8 chủ thể là HTX (chiếm 21.0%). Các sản phẩm OCOP của tỉnh chủ yếu nằm ở nhóm thực phẩm có 66 sản phẩm (chiếm 70,96%), có 19 sản phẩm thuộc nhóm lưu niệm nội thất và trang trí (chiếm 20,43%), có 7 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống (chiếm 7,5%), còn lại là các sản phẩm khác.
Phóng viên: Để thúc đẩy phát triển sản phẩm, bên cạnh việc tăng số lượng và chất lượng thì tỉnh đã thực hiện công tác chuyển đổi số để quảng bá tiêu thụ sản phẩm OCOP như thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Quang: Chuyển đổi số là chủ trương lớn của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay, bao gồm tất cả các lĩnh vực từ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Do vậy việc chuyển đổi số cho công tác quảng bá tiêu thụ sản phẩm OCOP là điều tất yếu cần phải thực hiện.
Để chuyển đổi số trong công tác quảng bá xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành kế hoạch số 716/KH-UBND ngày 28/10/2021 về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; xây dựng phần mềm quản lý Chương trình OCOP để phục vụ công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm và đồng thời có thêm tính năng liên kết giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh với các sàn thương mại điện tử; tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP với sàn thương mại điện tử voso.vn và postmar.vn. Đồng thời ban hành chính sách để hỗ trợ chủ thể tham gia Chương trình OCOP xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP theo điều 33 Nghị quyết 07/2022/NQ-HĐND.
Nhìn chung, việc áp dụng chuyển đổi số trong thực hiện chương trình OCOP ở Bắc Ninh đã được thực hiện hiệu quả, nhất là khâu bán hàng. Hầu hết các chủ thể rất năng động, tham gia nhiều kênh tiêu thụ khác nhau từ hệ thống siêu thị, điểm bán hàng của tỉnh cũng như qua sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội. Thông qua chuyển đổi số trong thực hiện chương trình OCOP, nhiều sản phẩm đặc sản của tỉnh Bắc Ninh đã có mặt ở các thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Phóng viên: Công tác quảng bá sản phẩm OCOP ra ngoài thị trường trong nước và quốc tế là một nhiệm vụ quan trọng để sản phẩm đến được người tiêu dùng. Hiện nay, công tác này thực hiện ra sao, ngành Nông nghiệp có sự hỗ trợ như thế nào cho các chủ thể, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Quang: Để thực hiện tốt công tác quảng bá sản phẩm OCOP ra ngoài thị trường trong nước và quốc tế, Ngành Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh đã phối hợp với các Sở, Ngành, địa phương:
Đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND: Hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia hội chợ, triển lãm về nông nghiệp và OCOP ở trong nước hoặc nước ngoài chi phí thuê gian hàng, vận chuyển, lưu trú, trông giữ và chi phí khác…
Quan tâm xây dựng và hình thành các chương trình xúc tiến thương mại, hoạt động quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh gắn với các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia thường niên; có kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại bài bản nhằm nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, tập trung vào các dịp lễ hội của tỉnh, của quốc gia; phối hợp xúc tiến các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị lớn trên địa bàn; tổ chức lựa chọn sản phẩm tiêu biểu tham gia hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh; Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua việc sử dụng các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream)… Tổ chức tặng quà OCOP cho khách đến dự các hội nghị lớn tổ chức tại tỉnh…
Phóng viên: Sắp tới Sở có chủ trương, chính sách gì mới cho chương trình OCOP không, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Quang: Để phát huy những thành công đã đạt được, đảm bảo thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP của tỉnh, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục tham mưu với Ban chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp sau:
Tăng cường công tác tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng để đảm bảo mọi người dân đều biết về nội dung, mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP; khuyến khích người dân sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra những sản phẩm khác biệt, ấn tượng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sơ chế, bảo quản để nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm.
Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý Chương trình OCOP các cấp; Bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh cho chủ thể sản xuất (doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh, chủ trang trại). Tổ chức cho đội ngũ cán bộ nhà nước trực tiếp tham gia quản lý, điều hành Chương trình OCOP đi học tập, trao đổi kinh nghiệm triển khai thực hiện Chương trình OCOP ở cả trong và ngoài nước.
Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất: Tập trung đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ các nhóm hộ, tổ sản xuất, hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP thực hiện nâng cấp, hoàn thiện, mở rộng cơ sở sản xuất, hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh, gia tăng thành viên đảm bảo đủ điều kiện để chuyển đổi loại hình hoạt động sang loại hình doanh nghiệp…
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, trong đó quan tâm phát triển thương mại điện tử trong tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ hiện hành của tỉnh. Đồng thời, bám sát thực tiễn, tiến hành rà soát, đánh giá để đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ cho phù hợp, đảm bảo phát huy hiệu quả tối đa của chính sách.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn ĐS&PL!
Hà Anh (Thực hiện)