Người đi đường rảnh rỗi thì có dịp bàn tán rồi thêu dệt những câu chuyện mang tính “liêu trai”, còn gia đình, dòng tộc của ngôi mộ cũng có lý do để “cụ tổ” nằm giữa đường như vậy.
Ngôi mộ dài khoảng 1m, cao chừng 90cm, rộng khoảng 80cm được xây dựng kiên cố, nằm ngay giữa tuyến đường bê tông dẫn vào khu phố Thanh Nhàn, phường Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) là của dòng họ Nguyễn ở khu phố Nghè, phường Đồng Kỵ.
Mộ thiêng?
Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Ngọ - Trưởng khu phố Thanh Nhàn, phường Đồng Kỵ, khẳng định không hề có chuyện ma mị hay mê tín dị đoan gì xung quanh ngôi mộ này như nhiều đồn đoán. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với nhiều người dân, chúng tôi cũng được phen “sởn da gà”.
“Ma thì không biết vì tôi không hình dung được con ma nó như thế nào, nhưng đã có lần tôi suýt chết vì sợ. Khoảng 3 tháng trước, khi đi làm về muộn qua đoạn đường này, trời mưa, đêm lạnh, không một bóng người, lúc đi gần đến ngôi mộ, gió thổi mạnh làm tấm rèm lụa đỏ che trước ngôi mộ bay lất phất làm tôi giật mình. Theo quán tính tôi hét lên, rồi chạy một mạch về nhà mà không dám quay đầu nhìn lại. Về nhà mồ hôi vã ra, bị cảm, thế là tôi ốm liền 3 ngày”, anh Hưng - một người dân phường Đồng Kỵ kể lại.
Nhiều người dân trong khu phố này cho biết, trước đây ngôi mộ này nằm giữa cánh đồng, con đường dẫn vào làng chạy vòng qua ngôi mộ. Phía Bắc ngôi mộ là một hồ nước, hướng Nam là một nghĩa trang nhỏ chỉ chôn cất các hài nhi, trẻ nhỏ, còn về hướng Tây cách ngôi mộ chừng 70m là một cây đa to lớn, cành rễ um tùm nhưng nay đã bị cắt bỏ.
“Khoảng 40 năm trước, nơi đây dân cư thưa thớt, hoang vu lắm. Xung quanh ngôi mộ là con đường, hồ nước, gốc đa và nghĩa trang nên ban đêm không ai dám đi qua khu vực này. Ai đi làm về muộn thì phải 2-3 người đi cùng, không thì phải đi vòng qua xóm khác mới vào làng được, ai cũng sợ đi một mình qua đoạn đường này vào ban đêm”, bà Linh (70 tuổi) - người dân địa phương kể lại.
Còn với nhiều người đi đường, họ lại nghĩ đây là một cái am thờ, hay một cái miếu linh thiêng bất khả xâm phạm nên mới xây dựng giữa đường như vậy: “Nghĩ vậy nên mỗi khi chạy xe ngang qua, chúng tôi đều dừng lại làm lễ thắp hương”, anh Linh - một tài xế lái xe tải thường xuyên chở gỗ vào làng, cho biết. Cũng có người nói, do gia chủ đi xem bói, “thầy” phán đây là đất thiêng, cụ tổ không muốn đi nơi khác nên không cho chuyển. Còn thực chất nguyên nhân bên trong sự việc này thì ít ai biết đến.
Ngôi mộ nằm giữa đường của dòng họ Nguyễn.
Hành động kỳ quặc
Trước việc ngôi mộ án ngữ giữa đường làm mất mỹ quan đô thị, gây nguy hiểm cho người đi đường, nhiều lần chính quyền phường Đồng Kỵ đã tổ chức gặp mặt các gia đình trong dòng họ Nguyễn để tuyên truyền vận động, nhưng đành bất lực.
Để tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao, chúng tôi đã được anh Vũ Văn Đạo - Trưởng khu phố Nghè, dẫn đến nhà ông Nguyễn Văn Dụ - tộc trưởng dòng họ Nguyễn. Ngôi nhà cao tầng khang trang của ông Dụ nằm sát bên lề đường, thấy có phóng viên đến, ông tỏ vẻ e ngại, nhưng sau vài lần thuyết phục, ông đồng ý tiếp chuyện chúng tôi.
Theo ông Dụ, ngôi mộ tổ của dòng họ ông đang nằm giữa đường có niên đại gần 400 năm nay, đến thế hệ ông đã là đời thứ 11. Sở dĩ mọi người trong dòng tộc không ai chấp nhận di dời mộ tổ vì họ cho rằng đang lúc cả họ làm ăn phát đạt, suôn sẻ, sợ động đến mồ mả làm cụ giận thì sẽ bị trừng phạt. “Chúng tôi đang sống rất yên ổn, nếu di dời đi mà không may có gì xảy ra thì ai chịu trách nhiệm?”, ông Dụ đặt vấn đề.
Nói rồi, ông Dụ tiếp chuyện: “Thực chất anh em trong dòng tộc họ Nguyễn chúng tôi đã bàn lên họp xuống hàng chục lần nhưng không thống nhất được. Người thì đồng ý di chuyển, người lại không. Ai cũng đưa ra được lý do chính đáng của mình, cuối cùng thì đành giữ nguyên vị trí mộ của cụ tổ.
Giữ lại ngôi mộ là quan điểm tâm linh của chúng tôi, phần tâm linh thì nên được tôn trọng. Những gì cha ông để lại hàng trăm năm nay thì thế hệ sau chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn. Cụ tổ là người đã sinh ra cả dòng tộc họ Nguyễn chúng tôi nên chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ”.
Khi được hỏi về ý kiến của từng người trong dòng tộc, ông Dụ kết luận: “Người thì bảo gia đình đang buôn bán, làm ăn phát đạt là do cụ tổ phù hộ, sợ di dời động chạm đến phần đất linh thiêng của cụ làm cụ giận, người thì bảo cụ tổ yên nghỉ ở đây “quen” rồi nên không muốn di chuyển, người lại lo lắng phần hài cốt hàng trăm năm của cụ tổ giờ chắc đã phân hủy hết nên di dời sợ không đưa đủ hài cốt đi theo, không gắn được long mạch, lỡ có chuyện gì làm cụ phật lòng rồi mang tội...”.
Từ những suy nghĩ đó của anh em, gia đình trong dòng tộc họ Nguyễn đã quyết tâm xây luôn mộ tổ giữa đường, hằng tháng cứ vào ngày rằm, mùng một, lễ Tết, cả dòng họ lại ra giữa đường làm lễ cúng tế cụ tổ. Khi tìm gặp một người trong dòng tộc họ Nguyễn, chúng tôi nhận được câu trả lời: thà để cụ giữa đường chứ di dời là có chuyện liền.
Ở cái đất này cứ di dời phần mộ, hay xây dựng lăng mộ xong là gia đình, dòng họ lại gặp chuyện ngay. Không bố mẹ ốm đau thì con cũng tai nạn. Không bị tai nạn thì ra đường cũng tông chết người khác. “Biết bao nhiêu người gánh chịu hậu quả rồi, tất cả cũng vì làm liều, làm không đúng quy cách, làm các cụ nóng giận”, một người cho biết.
Nhiều người dân địa phương thì cho rằng, dòng họ Nguyễn quyết định như vậy là quá máy móc. Nhiều người còn tỏ ra rất bức xúc trước hành động bảo thủ của dòng họ Nguyễn. “Ai lại để cụ tổ nằm giữa đường như vậy. Hằng ngày xe cộ chạy qua, chạy lại ồn ào, bụi mù mịt, làm sao mà cụ yên giấc ngàn thu được. Như thế là ‘giam’ cụ tổ ngoài đường, chứ không phải là ‘bảo vệ cụ’”, một người hàng xóm nói.
Chính quyền bất lực
Nói về hành động xây mộ tổ giữa đường của dòng họ Nguyễn, bà Chử Thị An - Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ cho biết, đây là một việc làm không đúng và bảo thủ, nhưng vì liên quan đến người đã khuất nên chúng tôi đành chấp nhận và tìm cách thuyết phục sau.
Theo bà An trước khi làm đường có một ngôi mộ của dòng họ Nguyễn và một ngôi mộ của dòng họ Vũ, nhưng dòng họ Vũ đã di dời và bàn giao mặt bằng để thi công đường phục vụ dân sinh. “Dòng họ Vũ chuyển xong làm ăn ngày càng phát đạt hơn, thì dòng họ Nguyễn cũng chuyển được chứ. Chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhiều lần nhưng cả dòng họ vẫn nhất quyết không chịu di chuyển”.
Ông Dụ cho biết, ngôi mộ của cụ tổ dòng họ Nguyễn trước đây nằm giữa cánh đồng, con đường vào làng chạy vòng qua ngôi mộ tổ của họ ông. Từ năm 1963 khi nắn lại con đường làng cho thẳng thì ngôi mộ tổ nhà ông lại nằm ngay bên vệ đường. Đến năm 2008 khi mở rộng con đường dân sinh này thì mộ tổ nhà ông bị nằm ngay giữa đường.
“Lẽ ra chính quyền khi quy hoạch nên tìm hiểu trước. Ngôi mộ tổ của chúng tôi đã tồn tại gần 400 năm còn con đường này vừa mới nắn lại cho thẳng. Tại sao khi nắn, họ không lấn sang phía Nam ngôi mộ mà lấn sang hướng Bắc để ngôi mộ nằm giữa trung tâm đường. Đây là do chính sách quy hoạch của chính quyền địa phương”, ông Dụ khẳng định.
Theo ông Dụ vì đây là con đường dân sinh nên khi quy hoạch có thể linh động được chứ không nên rập khuôn như vậy. “Nếu đây là con đường quốc lộ, hay đại lộ phục vụ cho lợi ích quốc gia thì chúng tôi sẵn sàng tìm đủ cách để di chuyển, còn đây là đường dân sinh nên đi vậy là đủ rồi”, ông Dụ nói.
Giải thích việc này, bà Chử Thị An cho biết, việc quy hoạch đã có từ lâu. “Chúng tôi thế hệ kế nhiệm thì thi công theo. Chúng tôi vận động rất nhiều, chính quyền phường quyết định cấp phần đất cho dòng họ Nguyễn xây mộ và thuê xe, thuê thầy về làm đầy đủ lễ nghi nhưng họ vẫn không chịu di dời. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đến nhà vận động. Vì đây là phần âm, phần tâm linh nên xã không cưỡng chế mà chỉ tìm cách giải quyết cho hợp tình, hợp lý”, bà An nói.
Trong lúc chưa tìm ra được tiếng nói chung giữa chính quyền địa phương và dòng tộc họ Nguyễn thì ngôi mộ cổ vẫn tiếp tục “cố thủ” giữa đường. Dù chưa có vụ tại nạn nghiêm trọng nào xảy ra, cũng chưa ai va quyệt vào ngôi mộ nhưng rất dễ gây nguy hiểm, tạo tâm lý hoang mang cho người tham gia giao thông và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân địa phương.
BTV