Thời gian qua, các cấp, ngành, khu công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho người lao động, người sử dụng lao động trong khu công nghiệp (KCN), làng nghề nhằm giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp góp phần thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.
Toàn tỉnh hiện nay có 15 khu công nghiệp (KCN) tập trung, 1 khu công nghệ thông tin và hơn 30 cụm công nghiệp, 62 làng nghề, chủ yếu trong các lĩnh vực như đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu, sản xuất giấy, gốm, sắt, thép tái chế, đúc đồng với khoảng 300 nghìn lao động, làm nghề. Nhận thức rõ những thiệt hại khôn lường do mất an toàn vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp, Bắc Ninh liên tục nhiều năm thực hiện Chương trình Quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Quá trình này tác động mạnh vào cộng đồng doanh nghiệp nên hiện nay công tác an toàn vệ sinh lao động được nhiều doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh xác định là một trong những nội dung không thể thiếu trong kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm; các ứng dụng công nghệ, cải tiến kỹ thuật được áp dụng từng bước giải phóng sức lao động con người.
Với trách nhiệm của ngành, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn vệ sinh lao động; hướng dẫn cách thức tham gia, giải quyết chế độ chính sách cho các trường hợp cụ thể bảo đảm nhanh chóng, chính xác. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng thực hiện chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, ổn định sản xuất.
Qua theo dõi về công tác ATVSLĐ tại các KCN cho thấy, doanh nghiệp đã đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, nhà xưởng sản xuất đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế với phương tiện hỗ trợ lao động đầy đủ hơn; người lao động được học tập kiến thức về ATVSLĐ, an toàn phòng chống cháy nổ khá đầy đủ.
Đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, duy trì thường xuyên hoạt động về an toàn vệ sinh lao động theo quy định pháp luật; trong đó, tiến hành xây dựng chương trình hành động cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện trong doanh nghiệp; tổ chức tự kiểm tra, rà soát, đánh giá nguy cơ, rủi ro về an toàn vệ sinh lao động. Đồng thời, phát động phong trào thi đua, ký giao ước thi đua đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong các phân xưởng, tổ, đội…
Điểm đáng lưu ý trên địa bàn Bắc Ninh, là địa phương thu hút khá đông doanh nghiệp hoạt động liên quan đến hóa chất. Công nghiệp hóa chất có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, bởi nó có mặt trong hầu hết các sản phẩm, từ những vật dụng thông thường đến sản phẩm công nghệ cao. Từ lâu những hoạt động liên quan đến hóa chất luôn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng con người, an ninh xã hội và môi trường. Vì vậy, công tác quản lý hóa chất nguy hiểm được các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, lưu trữ và sử dụng hóa chất.
Kết quả kiểm tra hàng năm cho thấy, các doanh nghiệp trên địa bàn cơ bản chấp hành tốt quy định của nhà nước về khai báo, đăng ký sử dụng hóa chất nguy hiểm; thực hiện các thủ tục hành chính về xác nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất trong danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong công nghiệp; các doanh nghiệp đã quan tâm đến công tác an toàn trong hoạt động hóa chất, xử lý nước thải công nghiệp, hạn chế ô nhiễm môi trường sinh thái, có ý thức, trách nhiệm trong việc nâng cao biện pháp quản lý, đầu tư đổi mới công nghệ; chú trọng công tác huấn luyện, thực hiện nghiêm các quy trình, quy phạm kỹ thuật trong sản xuất, sử dụng hóa chất nguy hiểm, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao sức khỏe của người lao động.
Tuy nhiên, ở nhiều làng nghề, hoặc cụm công nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn không ít chủ sử dụng lao động xem nhẹ vấn đề an toàn lao động. Nguyên nhân của tình trạng này, một mặt do doanh nghiệp tiết kiệm chi phí nên chưa chú trọng đến việc mua sắm trang thiết bị bảo hộ lao động, huấn luyện an toàn lao động và khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động.
Mặt khác, do chính chủ sử dụng lao động thiếu kiến thức về quy định an toàn lao động, nên ngay trong khâu tuyển chọn lao động vào làm việc, doanh nghiệp không khắt khe, thậm chí còn bỏ qua việc kiểm tra kiến thức an toàn lao động của người đến xin việc.
Đáng lo ngại, chính bản thân người lao động do trình độ nhận thức thấp nên việc hiểu biết về an toàn lao động rất hạn chế, mơ hồ, nhiều khi bảo hộ lao động được phát nhưng không sử dụng. Chính từ những yếu tố đó khiến an toàn lao động trong các doanh nghiệp còn nhiều vấn đề nan giải, luôn trong tình trạng báo động
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh, để công tác an toàn vệ sinh lao động trong doanh nghiệp đi vào nền nếp, các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp cần tăng cường công tác tuyên truyền cũng như huấn luyện kiến thức về an toàn vệ sinh lao động. Đồng thời có hình thức xử phạt thích đáng đối với doanh nghiệp không chấp hành quy định về an toàn vệ sinh lao động…
Cùng với đó là việc thanh, kiểm tra đột xuất, sâu sát của ngành chức năng... đã góp phần hạn chế những tổn thất do mất an toàn lao động gây ra, mà mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người và sự phát triển của doanh nghiệp.
Sở cũng tham mưu với UBND tỉnh xây dựng các chính sách, văn bản quy định chặt chẽ về chế độ cho người lao động, công tác an toàn lao động, bảo hộ lao động..., nhất là chế độ hỗ trợ thai sản cho lao động nữ đối với doanh nghiệp khi vào đầu tư tại tỉnh, để người lao động yên tâm gắn bó cùng các doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững
Các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022; các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về ATVSLĐ; quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tăng cường công tác quản lý, giám sát việc huấn luyện ATVSLĐ của các đơn vị huấn luyện và việc tự huấn luyện ATVSLĐ của doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ, đặc biệt trong các ngành có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời và công khai các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, chủ sử dụng lao động đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc để đảm bảo cho người lao động được làm việc trong môi trường an toàn. Đối với người lao động cần chủ động chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các nội quy, quy trình, biện pháp ATVSLĐ, biện pháp phòng chống dịch Covid-19; chủ động trang bị, trau dồi các kiến thức, kỹ năng, không vi phạm nội quy, quy trình, biện pháp ATVSLĐ tại nơi làm việc.
Hà Anh