Tiết lộ của bác sĩ về ca hiến giác mạc đầu tiên ở Việt Nam
Tháng 4/2007, anh Hoàng lần đầu tiên thực hiện ca lấy giác mạc tại Việt Nam (đây cũng là ca hiến giác mạc đầu tiên của Việt Nam – PV). Người hiến giác mạc là bà Nguyễn Thị Hoa (Kim Sơn, Ninh Bình). Anh đã rất hồi hộp khi thực hiện ca ấy.
Thế nên, trên đường từ Hà Nội về Ninh Bình, anh Hoàng phải cùng anh em trong ekip cùng nhau ôn lại các kỹ thuật cần thực hiện. Mỗi lần nhớ về ca lấy giác mạc này, cảm xúc trong anh Hoàng vẫn như còn nguyên vẹn.
Mặc dù trước đó, anh đã thực hiện khoảng 300 ca lấy giác mạc trong thời gian 3 tháng học về kỹ thuật lấy giác mạc và bảo quản giác mạc tại Ấn Độ. Anh Hoàng coi đây là bài test với chính bản thân mình.
Thời điểm đó, thông tin về hiến giác mạc chưa được rộng rãi, đặc biệt tại vùng quê. Vì vậy, để tránh điều tiếng cho gia đình người hiến, xe cứu thương để tại đầu làng, cả đoàn di chuyển vào nhà bà Hoa bằng xe máy. Ngay những chiếc áo mặc trên người không phải áo blouse, mà chỉ giống như bao người tới thăm viếng, thắp hương. Thậm chí, dụng cụ lấy giác mạc phải để trong bao tải để di chuyển cho thuận tiện.
Một điều khiến anh Hoàng không thể quên, hôm đó mất điện, cửa lại đóng kín nên cả ekíp 3 người phải soi đèn pin để thực hiện lấy giác mạc.
“Mất 45 phút cả êkip mới lấy được giác mạc, khi đi ra khỏi phòng, quần áo trên người tôi ướt như tắm do thời tiết nóng bức của tháng 4. Ca lấy giác mạc đầu tiên khá tốt đẹp đã làm tiền đề cho những lần sau”, anh Hoàng chia sẻ.
Từ đó tới nay đã hơn 10 năm trôi qua. Trong hơn 10 năm ấy, anh đã không ít lần nhận được thắc mắc từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp về việc, có sợ hay bị ám ảnh khi đụng chạm vào người đã mất? Thậm chí có người còn hỏi anh, có bao giờ ngủ mơ thấy "hồn ma" về đòi trả giác mạc chưa?
“Khi lấy giác mạc của người hiến, tôi luôn coi họ đang ngủ chứ không phải đã chết, như vậy tâm lý sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều và tôi chưa bao giờ thấy "hồn ma" về đòi giác mạc”, anh Hoàng cười.
Và ca hiến giác mạc khiến triệu trái tim xúc động
Trong công việc, với mỗi ca lấy giác mạc, anh Hoàng đều có những cảm xúc khác nhau. Nhưng trường hợp bé Nguyễn Hải An (7 tuổi, thôn Tân Mỹ, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã để lại trong anh những cảm xúc mạnh mẽ nhất.
“Tôi đi lấy giác mạc rất nhiều trường hợp nhưng chưa bao giờ chứng kiến cảnh, khi tôi bước chân vào nhà bé Hải An và khi nghe câu độc thoại của người mẹ: “Con hãy tặng lại ánh sáng cho những bạn khác!” rồi hôn lên trán con, lời độc thoại đó, hành động đó khiến chúng tôi hết sức cảm động.
Chúng tôi đã làm thật nhẹ nhàng để cháu ra đi thật thanh thản và hình ảnh của cháu sẽ luôn đẹp, chỉ như cháu đang ngủ.
Lúc ấy, chúng tôi thấy cháu như thiên thần. Khi lấy giác mạc của cháu xong, mẹ cháu có nói: “Mẹ tự hào về con!”. Câu nói ấy đã chạm tới trái tim của tất cả những người có mặt”, anh Hoàng tâm sự.
Đây cũng là trường hợp đầu tiên anh Hoàng thực hiện khâu đóng nội khí quản theo tâm nguyện của mẹ bé. Công việc của anh Hoàng chỉ lấy giác mạc nhưng trước tâm nguyện của mẹ bé Hải An, anh đã cố gắng đóng lại vết thương mở nội khí quản một cách nhẹ nhàng nhất để không làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của Hải An. Bé chỉ khâu 8 mũi những thời gian còn lâu hơn lấy giác mạc.
Sau khi lấy xong giác mạc của bé Hải An, anh Hoàng vẫn giữ liên lạc với chị Nguyễn Trần Thùy Dương là mẹ bé, để động viên và giúp mẹ Hải An vượt qua nỗi đau.
Khi biết giác mạc Hải An đã được ghép thành công cho hai bệnh nhân, dù không biết danh tính nhưng mẹ cháu đã rất hạnh phúc. Hạnh phúc hơn khi mẹ Hải An còn biết được thêm thông tin giác mạc của một người được nhận, nếu sau này khi mất đi vẫn có thể hiến lại được cho một người khác nữa.
Nguyễn Huệ